Chú trọng giữ gìn và xây dựng nếp sống văn hóa của người dân trong quá trình phát triển lên quận

23/08/2022 07:59

Kinhte&Xahoi Huyện Đông Anh phải huy động được sức dân tham gia và là chủ thể thực sự trong việc xây dựng nếp sống văn hóa từ hộ gia đình, tổ dân phố... trong quá trình chuyển đổi từ huyện lên quận và từ xã, thị trấn lên phường...

Đồng chí Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hà Nội đã nhấn mạnh yêu cầu trên tại buổi kiểm tra việc triển khai, thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025" tại huyện Đông Anh, diễn ra sáng nay (22/8).

Quang cảnh buổi làm việc

Nhiều chỉ tiêu đạt tỷ lệ 100%

 Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU trên địa bàn huyện Đông Anh cho thấy, huyện luôn xác định công tác an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân là nội dung quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, là mục tiêu, động lực để phát triển huyện nhanh và bền vững trong giai đoạn 2021-2025.

Huyện đã tập trung chỉ đạo, tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền Chương trình với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Công tác giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, giảm nghèo được quan tâm thực hiện thường xuyên, hiệu quả. Tính đến tháng 6/2022 toàn huyện có 1.249 hộ cận nghèo, không có hộ nghèo. Các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, được giải quyết đầy đủ, đúng chế độ, đúng đối tượng.

Lĩnh vực giáo dục được quan tâm; Các công trình phúc lợi được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng, qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân trên địa bàn. Đến nay, một số chỉ tiêu đạt và vượt cao hơn kết quả chung của thành phố.

Đáng chú ý, nhiều chỉ tiêu đạt tỷ lệ 100% như: Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi; Tỷ lệ người có công với cách mạng cơ bản có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn, xã, phường, thị trấn có quỹ chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi; Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp…

Vấn đề chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm được huyện quan tâm triển khai thực hiện. Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 đã giải quyết việc làm cho 17.526 người lao động, trong đó hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm cho 4.399 người…

Thực hiện chính sách hỗ trợ hỏa táng, trong năm 2021 trên địa bàn huyện có 1586/1648 người qua đời thực hiện hỏa táng, đạt tỷ lệ 96,24%. 7 tháng đầu năm 2022 có 1.048/1.070 người qua đời thực hiện hỏa táng, đạt tỷ lệ 97,79%.

Thực hiện Nghị quyết 250 của Ban thường vụ Huyện ủy Đông Anh, 152/155 thôn, làng đã có nhà văn hoá với quy chế quản lý và hoạt động hiệu quả, còn 3 thôn đang được đầu tư nhà văn hóa.

Chú trọng giữ gìn và xây dựng nếp sống văn hóa của người dân trong quá trình phát triển lên quận

Quan tâm hỗ trợ kết nối cung cầu lao động

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương ghi nhận những chỉ tiêu mà huyện Đông Anh đặt ra cao hơn thành phố và rất tâm đắc với Nghị quyết chuyên đề số 250-NQ-HU ngày 14/2/2022 của Huyện ủy về quyết tâm hoàn thành “5 có, 3 không” tại các thôn làng, tổ dân phố trên địa bàn huyện trong năm 2022 (5 có: Có nhà văn hóa, có sân đá bóng, có điểm sinh hoạt gắn với công viên mi ni, có điểm đỗ xe kết hợp cây xanh; 3 không: Không vi phạm đất đai trật tự xây dựng, không ô nhiễm môi trường, không còn hộ nghèo).

Để Chương trình số 08-CTr/TU đạt kết quả rất cao và thiết thực, Trưởng đoàn kiểm tra số 1 Chương trình 08 Nguyễn Lan Hương đề nghị huyện Đông Anh tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền; Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về Chương trình 08 nói riêng và các chương trình khác của Đảng bộ TP.

Huyện cũng cần quan tâm huy động các nguồn lực xã hội, sử dụng có hiệu quả; Quan tâm trợ giúp người khó khăn, có chính sách trợ giúp xã hội, hộ cận nghèo, người yếu thế. Đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, xử lý công việc một cách linh hoạt, chủ động, quyết liệt; Mở rộng các cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội cho người dân.

"Đông Anh có cả khu công nghệ rất lớn thì cần quan tâm nhiều về thông tin việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ nâng cao tỷ lệ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế"- đồng chí Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh.

Lưu ý việc chuyển đổi từ huyện sang quận, từ xã và thị trấn sang phường không chỉ là những vấn đề về hạ tầng mà quan trọng là lối sống, nếp sống của người dân và đi cùng với đó là công tác quản lý đô thị, gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống, vì vậy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội yêu cầu huyện phải huy động được sức dân tham gia và là chủ thể thực sự trong việc xây dựng nếp sống văn hóa từ hộ gia đình, tổ dân phố...

Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vỉa hè bị tái lấn chiếm, người đi bộ phải xuống lòng đường

Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, vỉa hè trên nhiều tuyến phố tiếp tục bị tái lấn chiếm trở lại. Cùng với đó, hiện đang là thời điểm vào mùa kinh doanh bánh Trung thu nên nhiều hàng quán ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè khiến người đi bộ không còn chỗ, phải đi xuống lòng đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/chu-trong-giu-gin-va-xay-dung-nep-song-van-hoa-cua-nguoi-dan-trong-qua-trinh-phat-trien-len-quan-204077.html