Công an Quảng Ninh cảnh báo thủ đoạn mới của tội phạm dụ dỗ, lừa đảo học sinh, sinh viên
Kinhte&Xahoi
Cơ quan chức năng Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện các đối tượng có thủ đoạn dụ dỗ các em học sinh, sinh viên tham gia bán thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để dùng vào việc lừa đảo chiếm đoạt tiền của bị hại.
Theo thông tin từ Công an tỉnh Quảng Ninh , thời gian gần đây, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tiếp tục có diễn biến phức tạp, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.
Các đối tượng dùng thủ đoạn dụ dỗ các em học sinh, sinh viên tham gia bán thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để dùng vào việc lừa đảo chiếm đoạt tiền của bị hại. Ảnh: Công an Quảng Ninh.
Đáng chú ý là thủ đoạn giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan nhà nước; quen biết qua mạng xã hội, lợi dụng quan hệ tình cảm, trao đổi, mua bán hàng hóa qua mạng; gửi tiền, quà từ nước ngoài về; gửi tin nhắn trúng thưởng, tuyển dụng nhân viên làm việc trực tuyến; thiết lập các trang mạng ngân hàng giả mạo để lấy dữ liệu thông tin khách hàng; sử dụng giấy tờ giả mở tài khoản, giả mạo chứng từ để chuyển tiền, rút tiền, vay tiền,... để thực hiện hành vi phạm tội.
Qua công tác điều tra các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Phòng Cảnh sát hình sự phát hiện các đối tượng có thủ đoạn dụ dỗ các em học sinh, sinh viên tham gia bán thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để dùng vào việc lừa đảo chiếm đoạt tiền của bị hại.
Cụ thể: Các đối tượng chuyên thu gom các tài khoản ngân hàng bằng thủ đoạn tiếp cận các em đã được cấp căn cước công dân là học sinh THCS, THPT để lôi kéo mở tài khoản ngân hàng, sau đó các đối tượng mua lại tài khoản đó để sử dụng vào mục đích bất hợp pháp.
Sau khi thỏa thuận, các đối tượng cung cấp cho các em học sinh máy điện thoại di động có sẵn sim điện thoại để ra ngân hàng làm thủ tục mở tài khoản, đăng ký dịch vụ Internet Banking, SMS Banking, sau đó yêu cầu các em chuyển lại điện thoại, mật khẩu OTP ngân hàng gửi về số điện thoại đăng ký mở tài khoản cho đối tượng.
Sau khi thực hiện xong đối tượng trả cho các em học sinh từ 200.000đ đến 500.000đ/tài khoản. Ngoài ra, các đối tượng còn thu gom các thẻ ngân hàng, mã OTP của các em học sinh với giá từ 200.000đ đến 500.000đ/thẻ.
Bằng thủ đoạn này, các đối tượng đã thuê mở và mua được nhiều tài khoản ngân hàng từ học sinh, gây khó khăn cho công tác điều tra.
Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên đa số là các em chưa có hiểu biết đầy đủ về pháp luật nên dễ bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng, lôi kéo.
Để chủ động phòng ngừa đối với tội phạm lừa đảo trong học sinh, sinh viên, Phòng Cảnh sát hình sự khuyến cáo:
Mỗi gia đình cần tăng cường công tác tuyên truyền đến các con và các thầy, cô giáo tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tăng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các em học sinh, sinh viên về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Quán triệt thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong việc sử dụng tài khoản ngân hàng, thuê bao di động, các trang mạng xã hội, không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng; đặc biệt là các em học sinh đủ 14 tuổi trở lên đã được cấp căn cước công dân, tuyệt đối không tham gia vào việc mua bán thông tin, tài khoản ngân hàng để tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo.
Khi phát hiện các dấu hiệu bị lôi kéo, dụ dỗ mua bán thẻ ngân hàng, tài khoản ngân hàng hoặc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời xử lý.
Đại Văn- Pháp luật Plus