Những người bị oan sai nhận quyết định đình chỉ điều tra tại VKSND tỉnh Tây Ninh. Ảnh VnExpress
8 người trong gia đình, họ hàng thân cận bị tình nghi là cướp 5 chỉ vàng, lần lượt bị bắt giam, bị dùng nhục hình khai ra những người khác. Có người đến giờ vẫn còn ân hận vì không chịu nổi đòn đã khai vống cho bố mẹ mình khiến họ cũng vướng vòng lao lý. Giờ người cha già đã mất khi chưa được giải oan, người mẹ hơn 90 tuổi đòi đi bằng được quãng đường 70 cây số đến Viện kiểm sát tỉnh nhận "chứng chỉ minh oan".
Điều đáng chú ý là những người này nhận Quyết định đình chỉ điều tra ký từ năm 1983. Ngần ấy thời gian, tức 36 năm trôi qua, tại sao các quyết định đó không được trao đến tay người nhận để họ có thể ngẩng mặt với bà con chòm xóm, không mang tiếng là "kẻ cướp" hay con cháu của kẻ cướp? Chẳng lẽ những người bảo vệ pháp luật lại vô tình đến thế sao!
Đáng nói hơn, người ký các quyết định điều tra này là Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Tây Ninh, ông Trịnh Quốc Anh, khi từ Tòa án chuyển sang đã phát hiện ra sự oan khuất này và làm mọi cách có thể để minh oan cho những người dân vô tội này. Chắc hẳn đồng nghiệp của ông không được như ông, cho nên các quyết định này mới bị ỉm đi lâu đến thế.
Ông trở thành ân nhân của những người bị hàm oan, dù ông mất đã lâu nhưng người dân vẫn nhớ. Hẳn trong tiết Thanh minh này có những nén hương tri ân ông cùng với cái Quyết định đình chỉ điều tra mà họ đặt trên bàn thờ cúng cha.
Ngược lại, những người gây ra chuyện này đã "quên" tất cả, không chỉ quên các quyết định đình chỉ điều tra mà quên hết những hành vi mà họ đã gây ra khiến oan khiên kéo dài gần nửa thế kỷ. Gây nên oan khiên chính là tội ác nhưng tội ác lại thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật. Nên chăng, có những chế tài nghiêm khắc cho những người đã gây nên sự oan khiên đó - một cách hữu hiệu để khắc phục tình trạng án oan sai.
Trong trường hợp này, công lý đã được xác lập tuy quá muộn màng nhưng đó vẫn là niềm vui, sự xúc động không chỉ với những người bị hàm oan mà cho cả xã hội chúng ta, cho những người yêu lẽ phải, công bằng. Đó không phải chỉ là sự xác lập công lý trong một trường hợp đơn lẻ mà đó chính là sự xác lập niềm tin - niềm tin vào công lý, dù sớm hay muộn cũng sẽ đến!
Theo Phapluatplus