Theo quy định, từ ngày 15/10 tới đây, kinh doanh hàng xách tay có thể bị xử phạt tới 200 triệu đồng. Thế nên, nhiều dân buôn tỏ ra lo lắng về mức phạt mới và tìm mọi cách để lách luật.
Trên các diễn đàn, hội nhóm hàng xách tay, các chủ đề về cách trốn thuế, "mách nước" ứng phó với các cơ quan chức năng diễn ra sôi nổi, điển hình là chiêu "treo đầu dê, bán thịt chó".
Dân buôn hàng xách tay lo lắng trước quy định xử phạt mới
Theo cắt nghĩa của dân buôn, hình thức này sẽ tránh được sự rà soát, xử phạt nhờ việc trưng biển quảng cáo một đằng bán một nẻo. Hiểu nôm na như quán chuyên bán quần áo trẻ em nhưng núp bóng đằng sau là kinh doanh túi xách, phụ kiện, nước hoa xách tay, ngoại nhập.
Điều đặc biệt là những sản phẩm này không bao giờ được bày bán trực tiếp, chỉ bán online hoặc dành cho "khách ruột" tới cửa hàng.
Dân buôn thực hiện chiêu thức "trữ đồ ở nhà, cất hàng ở tiệm, tăng cường bán online"
Tiết lộ với phóng viên Dân trí, chị N.L.T, chủ một cửa hàng chuyên đồ xách tay Nhật cho biết, từ khi có lệnh xử phạt mới, toàn bộ mặt hàng như sữa rửa mặt, kem dưỡng da, thực phẩm chức năng đều được chị cất hết. Ngay cả trang facebook, instagram đều được chị đổi tên, đổi giao diện để tránh sự rà soát, kiểm tra của lực lượng chức năng.
Tuy nhiên, sâu bên trong cửa hàng cắt tóc, gội đầu của chị vẫn bày bán các mặt hàng xách tay với đủ chủng loại. Khách muốn mua loại nào có ngay loại đấy. Nhưng toàn bộ biển hiệu buôn bán hàng xách tay ngoại nhập đều được chị gỡ bỏ hoàn toàn, chỉ để biển hiệu ghi tên "quán cắt tóc gội đầu".
"Không thể đùa được, sơ sẩy một tý là chết ngay, nên cẩn thận là ăn chắc. Thôi thì không được bán công khai, thì mình lui vào trong tối, ở ẩn khoảng 2 - 3 tuần trước khi luật mới thực thi rồi tính tiếp" - chị T nói.
Theo chị T, để tránh bị xử phạt, chị còn dặn kỹ khách đến mua hàng là "Nếu ai có hỏi, đặc biệt là cơ quan chức năng thì cứ bảo là người nhà tặng, bạn bè cho, mượn dùng thử chứ nhất quyết không được nói là mua ở đâu và càng không được lên facebook giới thiệu người bán".
Dân buôn ồ ạt xả kho, thanh lý hàng xách tay trước quy định mới
Tương tự, anh L.D, chủ một cửa hàng chuyên sữa xách tay ở Hà Nội cho biết, khoảng 10 ngày gần đây, anh chỉ dám bán cho khách lẻ và hạn chế bán buôn.
Nếu có khách muốn lấy số lượng lớn đều phải qua 2 vòng kiểm tra thông tin, địa chỉ kỹ càng. Lý giải, anh D cho biết, dân buôn như các anh rất sợ các cơ quan chức năng cải trang, đóng giả làm người mua hàng.
Để lách luật, anh D cũng giật bỏ hết biển hiệu trước cửa hàng, còn trên mạng thì im hơi lặng tiếng. Khách có hỏi thì cũng từ chối hoặc nói rằng nghỉ bán hay hết hàng. Nhưng sau đó, anh sẽ lặng lẽ nhắn tin cho từng "thượng đế" hỏi mua rồi cung cấp thông tin sản phẩm.
"Giờ quán tạp hóa nhà tôi làm gì dám để nhiều hàng xách tay, nếu có chỉ để 2 - 3 hộp, ai có hỏi thì bảo để nhà dùng. Nhiều hơn một chút thì xé mác, bóc vỏ hộp trước khi đưa cho khách" - anh D nói.
Ngoài ra, ở một nhóm chuyên hàng xách tay châu Âu trên mạng cũng "mách nước" cho hội viên bằng cách "trữ đồ ở nhà, cất hàng ở tiệm, tăng cường bán online". Và rất nhiều người trong nhóm cũng đang nhen nhóm thực hiện các chiêu trò để tránh bị xử phạt.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về Xử phạt vi phạm hành chính trong Hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo đó, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000 đồng đến 50 triệu đồng, tùy giá trị hàng hóa nhập lậu. Còn tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt 1 triệu đến 100 triệu đồng.
Nếu hàng nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu hoặc là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn… phạt tiền gấp 2 lần số nêu trên.
|
An Chi - Theo Dân Trí