Đánh bại U22 Trung Quốc: Bàn tay của ông Park
Kinhte&Xahoi
U22 Trung Quốc 0-2 U22 Việt Nam. Chúng ta ít nhiều bất ngờ với màn trình diễn khá tệ của đối thủ nhưng điều đó không có nghĩa chiến thắng của U22 Việt Nam mất giá trị.
Cả trận đấu hai thủ môn của chúng ta (Tiến Dũng hiệp 1 và Văn Toản hiệp 2) hầu như “thất nghiệp” vì đối thủ gần như không thực hiện được pha lên bóng thực sự sắc nét nào.
Điều đó khiến cho năng lực thực sự của các hậu vệ cũng như thủ môn U22 Việt Nam chưa được kiểm chứng và thử thách nhiều. U22 Trung Quốc cũng tỏ ra khá “ngây thơ” và sơ hở trong phòng ngự nên có vẻ như việc U22 Việt Nam “chỉ” ghi được 2 bàn thắng vẫn còn là ít.
U22 Việt Nam thắng thuyết phục U22 Trung Quốc
Tuy nhiên, bất chấp màn trình diễn không tốt của đối thủ, U22 Việt Nam đã để lại những ấn tượng hết sức tích cực. Đấy là cách các cầu thủ di chuyển và kết nối với nhau trong các miếng đánh biên, nhất là biên phải nơi Tấn Tài đã chơi một trận thật hay.
Đấy là cách chúng ta thể hiện sự chững chạc ở trung tuyến nơi Việt Hưng đã cầm trịch cuộc chơi khá tốt. Các cầu thủ U22 Việt Nam cầm bóng chắc nên chúng ta không bị rơi vào những tình huống chống phản công một cách bị động, nguy hiểm.
Đấy là cách các cầu thủ tổ chức phòng ngự bằng cách pressing nhanh kết hợp với việc bịt các khoảng trống khiến U22 Trung Quốc gần như không có cơ hội uy hiếp khung thành Tiến Dũng (Văn Toản).
Đấy là cách chúng ta ban bật, phối hợp bóng khá nhuyễn và tự tin nếu xét tới việc ông Park xáo trộn gần như hoàn toàn đội hình thi đấu sau hiệp 1 với việc thay tới 9 người. Các cầu thủ chơi kỷ luật, ai cũng biết rõ nhiệm vụ, vai trò của mình và chiến thuật 3-4-3 của ông Park được triển khai khá thuần thục.
Trên phương diện cá nhân, Tấn Tài, Tấn Sinh, Việt Hưng, Tiến Linh hay Hồng Phước... đều đã tận dụng tốt cơ hội để “ghi điểm” với HLV người Hàn Quốc. Tất nhiên, vẫn phải nhắc lại rằng U22 Trung Quốc không mạnh như chúng ta hình dung (dù khá mơ hồ) lúc đầu nên năng lực thực sự của các tuyển thủ U22 Việt Nam chưa được kiểm chứng một cách đầy đủ và chính xác nhất.
Dù vậy, điều quan trọng là đội bóng đá có nét với lối chơi có định hình, định hướng rõ ràng chứ không phải kiểu mạnh ai nấy đá, lộn xộn, vô tổ chức và mang nặng màu sắc cá nhân. Dấu ấn của ông Park chính là ở đó và chúng ta đều tin rằng U22 Việt Nam sẽ còn chơi hay, chơi nhuyễn hơn nữa trong thời gian tới khi họ có thêm cơ hội cọ sát với nhiều đối thủ nữa.
Cuối cùng, đừng quên, đội bóng hiện tại còn chưa có sự phục vụ của Quang Hải và Văn Hậu. Khi được tăng cường 2 ngôi sao ấy, U22 Việt Nam chắc chắn còn nguy hiểm và khó đánh bại hơn nhiều.
SEA Games 2019 đang ở không quá xa phía trước nhưng chúng ta còn đủ thời gian để hoàn thiện mình cả trên phương diện tấn công lẫn phòng ngự. Ông Park cũng còn đủ thời gian để đánh giá, thử nghiệm và chọn lựa những nhân tố xứng đáng và giàu tiềm năng nhất nhằm hướng đến mục tiêu vô địch bóng đá nam ở SEA Games lần thứ 30 vào cuối năm.