Trước thực trạng đáng lo ngại trên, Bộ Y tế cũng vừa chỉ đạo và yêu cầu xử lý nghiêm tình trạng “làm giá” xét nghiệm Covid-19 như hiện nay.
Trung tâm Y khoa Medic (Hòa Hảo, Quận 10) thừa nhận không trực tiếp lấy mẫu mà chỉ liên kết với những “nơi khác” để tới lấy, còn khâu xét nghiệm mới thực hiện tại đây
Nỗi lo từ “tự do” lấy mẫu
Thời gian qua, có nhiều thông tin phản ánh về tình trạng giá xét nghiệm Covid-19 nói chung và dịch vụ test Covid-19 tại nhà, tại công ty nói riêng đang rơi vào tình trạng hỗn loạn, gây hoang mang và bức xúc cho người dân.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều cơ sở tuy quảng cáo dịch vụ xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR tận nơi nhưng thực tế chỉ là đơn vị “làm dịch vụ” đi lấy mẫu, chứ không trực tiếp thực hiện xét nghiệm.
Cụ thể, một số phòng khám hay phòng xét nghiệm sẽ liên kết với một đơn vị đã được cấp phép thực hiện xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 (bằng phương pháp xét nghiệm RT-PCR), từ đó một bên thực hiện việc lấy mẫu, một bên thực hiện xét nghiệm.
Đơn cử như đã phản ánh ở bài trước, Trung tâm Y khoa Medic (Hòa Hảo, Quận 10) thừa nhận không trực tiếp lấy mẫu mà chỉ liên kết với những “nơi khác” để tới lấy, còn khâu xét nghiệm mới thực hiện tại đây.
Trong đó có Phòng khám PathLab (Quận 11) cũng xác nhận có liên kết với Trung tâm Y khoa Medic để thực hiện dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà.
Tràn lan những nội dung quảng cáo trên mạng về dịch vụ xét nghiệm Covid-19 tại nhà, công ty bằng phương pháp RT-PCR
Tương tự, hàng loạt thông tin quảng cáo của các phòng khám, các trung tâm… về xét nghiệm Covid-19 tại nhà hay công ty được đăng tải tràn lan trên mạng hiện nay khiến nhiều người không khỏi băn khoăn về việc giám sát, quản lý từ cơ quan chức năng.
Tuy việc liên kết này có thể làm giảm tải áp lực do nhu cầu xã hội tăng cao nhưng cần đặt ra nhiều vấn đề, cụ thể: Quy trình lấy mẫu có đảm bảo công tác vệ sinh, khử khuẩn đảm bảo an toàn, đặc biệt đáng lưu ý về khử khuẩn và thay đồ bảo hộ, thay găng tay khi lấy mẫu với số lượng đông? Không loại trừ khả năng trường hợp xảy ra lây nhiễm chéo khi tiến hành lấy mẫu thì sẽ xử lý ra sao và trách nhiệm thuộc về ai? Người lấy mẫu và quá trình lấy mẫu có đúng chức năng và kỹ thuật nghiệp vụ ngành Y? Mẫu lấy có đảm bảo công tác bảo quản để mang đến phòng xét nghiệm?...
Về phía đơn vị đã có giấy phép thực hiện xét nghiệm RT-PCR khẳng định SARS-CoV-2 thì có được quyền “giao phó” cho bên thứ 2 để thực hiện việc lấy mẫu? Có hay không việc “lợi dụng” giấy phép trên để “trục lợi” bằng hình thức liên kết làm dịch vụ?...
Thực tế, dạng liên kết này đang khá phổ biến nhưng khó kiểm soát. Bởi đơn vị được cấp phép xét nghiệm RT-PCR trên địa bàn TP HCM không phải quá nhiều, trong khi các đơn vị quảng cáo dịch vụ xét nghiệm này tại nhà hoặc tại công ty lại đang tràn lan.
Nhiều bạn đọc cho rằng, nếu thực sự chưa đủ năng lực xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mà nhiều đơn vị lại quảng cáo như hiện nay rất dễ gây hiểu lầm cho người dân. Thậm chí, đây được xem là trường hợp quảng cáo sai sự thật, lừa đảo, trục lợi… nên rất cần bị xử phạt để răn đe và chấn chỉnh.
Khi việc lấy mẫu xét nghiệm tận nơi cứ tự phát, mang tính đơn thuần chỉ là “dịch vụ”, chưa có sự giám sát từ cơ quan chức năng thì dấu hỏi về tính an toàn, sự đảm bảo chất lượng vẫn còn bỏ ngỏ. Khi ấy, nỗi băn khoăn của người dân sẽ vẫn còn nhiều ngổn ngang và cả bức xúc.
Bộ Y tế đề nghị chấn chỉnh
Liên quan đến giá xét nghiệm Covid-19, ngày 4/10 vừa qua, Bộ Y tế đã có Công văn số 8345/BYT-TTrB gửi các tỉnh, thành phố về việc tăng cường kiểm tra việc nhập khẩu, kinh doanh, mua sắm các loại test kít xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR.
Cần chấn chỉnh dịch vụ xét nghiệm Covid-19 tại nhà, công ty... (Ảnh minh họa)
Văn bản có cho biết: Theo phản ánh của Nhân dân và một số cơ quan truyền thông về giá mua, bán các loại test xét nghiệm kháng nguyên nhanh, xét nghiệm RT-PCR và giá dịch vụ các loại xét nghiệm Covid-19 như: Giá xét nghiệm cao hơn so với thực tế, giá dịch vụ xét nghiệm không thống nhất, nhiều cơ sở xét nghiệm thu cao, đặc biệt là tại khu vực y tế tư nhân...
Để kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi liên quan đến việc lợi dụng dịch bệnh để trục lợi và nâng giá, lợi ích nhóm theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo: Thanh tra tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan thực hiện tốt các nội dung đã nêu trong Công văn số 7952/BYT-TTrB ngày 23/9/2021 và Công văn số 8151/BYT-TTrB ngày 28/9/2021 của Bộ Y tế;
Bộ Y tế đề nghị các tỉnh giao Thanh tra tỉnh thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các cơ sở nhập khẩu, mua bán, sản xuất, kinh doanh và sử dụng các trang thiết bị, vật tư, phương tiện phòng chống dịch, đặc biệt là các loại xét nghiệm chẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR xác định Covid-19;
Các đơn vị rà soát về quy trình, thủ tục mua sắm, về chất lượng, giá, tư cách pháp nhân... theo đúng quy định của pháp luật, tập trung vào giá xét nghiệm và giá dịch vụ xét nghiệm đang thực hiện tại các công ty cung ứng, các cơ sở sử dụng các loại xét nghiệm (bao gồm cả test xét nghiệm chẩn đoán kháng nguyên nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR xác định Covid-19);
Đặc biệt, công văn của Bộ Y tế nhấn mạnh, các địa phương: “Kịp thời chấn chỉnh và xử lý ngay các hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, thông tin kết quả xử lý trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định; Trường hợp phát hiện có dấu hiệu hình sự, chuyển ngay hồ sơ sang cơ quan Công an để xử lý theo quy định”.
Nguyễn Trang - TTTĐ