Điều kiện hoãn chấp hành hình phạt tù
Kinhte&Xahoi
Hoãn thi hành hình phạt tù là việc Chánh án Tòa án xét xử sơ thẩm quyết định cho người bị kết án tù chưa phải đi chấp hành hình phạt tù khi có những điều kiện cụ thể. Vậy những điều kiện đó là gì? Tư vấn của Luật gia Bùi Đức Độ - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Kiên Giang sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ phần nào về quy định này.
Hoãn chấp hành hình phạt tù được Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tại Điều 67. Theo đó, người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây: Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục; Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi; Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 1 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 1 năm.
Do chưa có Nghị quyết mới để hướng dẫn thực hiện điều này, nên chi tiết các điều kiện để được hoãn chấp hành hình phạt tù vẫn đang được hiểu theo các hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
Cụ thể, trong trường hợp thứ nhất “bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục” được hiểu là người bị bệnh nặng, tức là bị bệnh đến mức không thể đi chấp hành hình phạt tù được và nếu bắt đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ; do đó, cần thiết phải cho họ được hoãn chấp hành hình phạt tù để họ có điều kiện chữa bệnh; ví dụ: ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, bị HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu... Phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về việc người bị xử phạt tù bị bệnh nặng và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ.
Trường hợp thứ hai, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi (không phân biệt là con đẻ hay con nuôi), thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi. Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù mà người bị kết án lại có thai hoặc phải tiếp tục nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì vẫn được hoãn cho đến khi đứa con sau cùng đủ 36 tháng tuổi.
Trường hợp thứ ba, là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 1 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Gia đình họ sẽ gặp “khó khăn đặc biệt” trong cuộc sống (như không có nguồn thu nhập nào khác, không có ai chăm nom, nuôi dưỡng... những người thân thích của họ trong gia đình mà không có khả năng lao động).
Trường hợp thứ tư, bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm. “Là người bị kết án về tội ít nghiêm trọng (là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù) và do nhu cầu công vụ, tức là do nhu cầu của cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương cần thiết sự có mặt của họ để thực hiện công vụ nhất định và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù ngay thì chưa có người thay thế họ (có xác nhận bằng văn bản của cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương có liên quan đến việc thực hiện công vụ đó)”.
Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới.
Về thủ tục, nếu người bị kết án đang được tại ngoại thì bản thân họ làm đơn yêu cầu xin hoãn thi hành án. Nếu người bị kết án đang bị bắt thì có đơn của người thân thích của người bị kết án hoặc văn bản đề nghị của cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án làm việc, của chính quyền địa phương nơi người bị kết án thường trú (trường hợp không có đề nghị của Viện kiểm sát, cơ quan Công an và người bị kết án). Hồ sơ gửi cho Chánh án Tòa án nơi đã xét xử. Kèm theo đơn, văn bản đề nghị là các giấy tờ về nhân thân (bản sao Chứng minh nhân dân, Sổ hộ khẩu) và các chứng cứ chứng minh tương ứng cho từng trường hợp.
Theo Pháp luật Plus