Đông Anh - Hà Nội: Cần sớm làm rõ những dấu hiệu sai phạm của Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Lâm
Kinhte&Xahoi
Hiệu trưởng trường THCS Thuỵ Lâm trình độ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu, hưởng trợ cấp thâm niên không đúng quy định, bên cạnh đó còn cố ý làm trái trong công tác quản lý.
Phản ánh đến toà soạn, tập thể cán bộ, giáo viên trường THCS Thuỵ Lâm (Đông Anh – Hà Nội) bức xúc cho biết, bà Ngô Thị Thu Hiền - hiệu trưởng trường THCS Thuỵ Lâm mắc hàng loạt sai phạm như trình độ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu, hưởng trợ cấp thâm niên không đúng quy định và hàng loạt những sai phạm khác trong công tác quản lý.
Cụ thể: “Từ tháng 12/1987 đến năm 1990, bà Hiền học trường Trung cấp cơ khí nghề (Công nhân kĩ thuật), từ năm 1990 -1991, bà Hiền làm công nhân ở xí nghiệp may thương binh. Năm 1991 -1994, làm nhân viên thư viện tại trường THCS Thụy Lâm. Trong thời gian này, bà Hiền có tên trong danh sách được đi học lớp CĐSP Văn tại Đông Anh dù không nằm trong diện được đi học (Lúc bấy giờ tiêu chuẩn đi học chỉ dành cho giáo viên học để chuẩn hóa khi đứng lớp, mà bà Hiền vẫn đang là nhân viên thư viện). Năm 1995, bà Hiền được phân công về giảng dạy tại trường THCS Xuân Nộn. Năm 2003 giữ chức hiệu phó trường THCS Xuân Nộn và đến năm 2012 chuyển về trường THCS Thụy Lâm giữ chức hiệu trưởng cho đến nay.
Trường trung học cơ sở thụy lâm, nơi cô hiệu trưởng Ngô Thị Thu Hiền đang công tác.
Theo danh sách viên chức giáo viên thuộc trường THCS Thụy Lâm được xét hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo (TNNG) tính đến ngày 01/5/2011 kèm theo quyết định số 3825/QĐ- UBND ngày 14/11/2012 của UBND huyện Đông Anh thì bà Hiền đươc hưởng mức 18%, tương đương với 18 năm 5 tháng. Như vậy, bà Hiền được tính thời gian hưởng phụ cấp TNNG từ năm 1993, khi đó vẫn đang làm nhân viên thư viện (năm 1995 mới chính thức chuyển sang công tác giảng dạy). Mức phụ cấp này còn tiếp tục tăng theo các năm và đến năm 2014 bà Hiền đã được hưởng mức trợ cấp 24%, vượt quá mức quy định về việc hưởng phụ cấp TNNG tối đa là 22% (chưa kể thời gian tập sự)”.
Cũng theo nội dung của đơn phản ánh nêu trên, ngoài việc trình độ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu và hưởng trợ cấp thâm niên không đúng quy định, trong quá trình giữ chức hiệu trưởng bà Hiền còn vi phạm một loạt các quy định, cố ý làm trái trong công tác quản lý như: “việc phân công chuyên môn, nhiệm vụ, không có sự thống nhất trong BGH, sử dụng viên chức không phù hợp và không đúng với công việc được phân công.
Điển hình là trường hợp của cô Lê Thanh Hà, là giáo viên biên chế môn lịch sử, không đứng lớp nhiều năm nay đã ở nhà làm kinh doanh và phụ trách bếp ăn cho một số trường trên địa bàn huyện nhưng vẫn được bà Hiền ký quyết định hưởng lương và phụ cấp ngành đầy đủ, vẫn được xếp loại công chức “hoàn thành nhiệm vụ”. Thay vào đó, một giáo viên hợp đồng khác là cô Bích vẫn hàng ngày đứng lớp thay cô Hà với số tiền 25.000đ/ tiết và số tiết 16 tiết/ tuần nhưng vẫn kí tên sổ đầu bài tên cô Hà nhằm trục lợi. Khi có nhiều ý kiến khiếu nại, cô Hà mới chính thức xin nghỉ không lương với phòng nội vụ và phòng Giáo dục huyện nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn có tên trong danh sách đóng Bảo hiểm xã hội.
Các hoạt động thu chi tài chính cũng có nhiều điểm sai như: Nhà trường tổ chức thu tiền học chuyên đề buổi 2 là 216.000đ/học sinh/tháng nhưng lại cho bớt lại 50.000đ với lí do chi tiêu trong Nhà trường. Số tiền bớt lại trên của hơn 1300 học sinh toàn trường và còn tiếp tục tăng sau mỗi năm không được công khai gây nên sự bức xúc cho tập thể giáo viên và phụ huynh trong toàn trường.
Bên cạnh đó, nội dung đơn cũng đề cập đến nhiều hành vi không công khai minh bạch tài chính, không thông qua Ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm mà tự ý quyết của bà Hiền như: tiền cho thuê căng tin nhà trường, tiền vệ sinh, tiền phục vụ thi nghề cho học sinh (theo quy định của Bộ GD&ĐT là không được thu hai khoản này). Về công tác quản lý: Thiếu tính tập trung dân chủ và có thái độ trù dập, không mang tính góp ý xây dựng, gây ức chế cho cán bộ giáo viên trong nhà trường. Tập thể giáo viên cho rằng bà Hiền đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn để dàn xếp và điều hành Đại hội Công đoàn năm học 2017-2018 nhằm làm sai lệch kết quả bỏ phiếu nhưng không thành.
Bên cạnh đó, nội dung đơn còn phản ánh nhiều vi phạm của bà Hiền trong phân công giáo viên đứng lớp, tuyển học sinh trái tuyến không đúng quy định, vượt quá số lượng cho phép dẫn tới thiếu giáo viên giảng dạy và không đảm bảo được chất lượng dạy học.
Để có góc nhìn đa chiều trước những nội dung tố cáo nêu trên của cán bộ giáo viên trong nhà trường và phụ huynh học sinh, ngày 10/07/2018, PV đã đến liên hệ đặt lịch làm việc với UBND huyện Đông Anh. Tại đây, sau khi tiếp nhận thông tin cũng như trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hoàng - Phó chánh văn phòng UBND huyện Đông Anh cho biết sẽ báo cáo nội dung cần xác minh của PV với chánh văn phòng và lãnh đạo huyện và sẽ có trả lời bằng văn bản những nội dung trên.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc ngay sau khi có câu trả lời từ UBND huyện Đông Anh
Theo KD&PL