Ảnh minh họa
Theo số liệu Tổng cục thống kê, ước tính GDP năm 2021 tăng 2,58%, trong đó khu vực xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo… là những ngành sử dụng đông công nhân nhất, tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,37%, đóng góp rất lớn cho nền kinh tế.
Thế nhưng không ít công nhân sống chật vật với lương. Theo đại diện Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động, dựa vào phương pháp tính “Lương đủ sống Anker” (tức mức lương mà người lao động nhận được cho thời gian làm việc bình thường, mỗi ngày 8 tiếng, đủ để duy trì mức sống bình thường cho bản thân và gia đình tại TP HCM (thuộc vùng I) vào 2020) là 7,5 triệu đồng. Sau hơn hai năm dịch lan rộng với hàng loạt chi phí y tế, chăm sóc sức khỏe, phòng dịch phát sinh, chỉ số giá tiêu dùng tăng gần 7%, mức lương đủ sống hiện tại phải cao hơn.
Một khảo sát khác của Trung tâm cho thấy trên 90% các nhà máy trả lương căn bản cho người lao động với 8 tiếng làm việc, chỉ cao hơn mức tối thiểu vùng (cao nhất vùng I: 4,42 triệu đồng, thấp nhất vùng IV: 3,07 triệu đồng) từ 7-10%. Như vậy đại đa số công nhân muốn có thu nhập ở mức đủ sống phải tăng ca; nhưng lại phải mất tiền gửi con, sức khỏe suy giảm, về lâu dài lại tốn chi phí cho y tế. Đây là vòng luẩn quẩn mà nhiều công nhân gặp phải. Lương không đủ sống cùng với chi phí ở đô thị đắt đỏ là hai nguyên nhân chính khiến nhiều công nhân ồ ạt về quê.
Tương tự, theo khảo sát về việc làm, đời sống của lao động nữ ngành may do LĐLĐ TP HCM vừa công bố đầu 2022 cho thấy thu nhập bình quân mỗi tháng của nhóm này chỉ 6,8 triệu đồng, hầu hết phải làm thêm giờ. Trong đó trên 20% có thu nhập chưa đến 5 triệu/tháng. Mức thu nhập 5-8 triệu/tháng chiếm 60%.
Khảo sát cũng chỉ ra gần 42% công nhân cho rằng với thu nhập hiện nay, bản thân và gia đình có mức sống thiếu thốn. Họ gần như không tiết kiệm được gì từ tiền lương, gặp sự cố bất thường xảy ra sẽ không có khoản nào để chi. Một số thường xuyên phải vay nợ để bù đắp phần thiếu hụt, không ít trường hợp vay “tín dụng đen”; có nữ công nhân chia sẻ vì mức sống quá thấp nên rất khó khăn để quyết định sinh con. Chính vì không tích lũy nên trên 60% công nhân được hỏi đều trả lời “sẵn sàng rút BHXH một lần” để có khoản chi phí lo cho gia đình.
Về phía các nhà máy, cũng có những nỗi khổ, khi chi phí nhân công tăng trong khi đơn giá gia công gần như đứng yên nhiều năm qua. Nếu DN đề xuất tăng, các nhãn hàng sẽ tìm đối tác khác hoặc chuyển đơn hàng tới những nước giá nhân công rẻ hơn. Không ít nhà máy xoay xở đủ cách để có đơn hàng, đảm bảo công việc, tiền lương cho người lao động, có chút lợi nhuận tái đầu tư.
Nêu một con số khác để thấy rằng những người có thu nhập “bèo bọt” như công nhân sẽ càng thêm vất vả: Giá xăng đang tiến sát 27 ngàn đồng/lít; cao nhất từ trước tới nay. Đây là lần tăng thứ 6 liên tiếp của giá xăng trong nước từ giữa tháng 12/2021. Xăng tăng, nguy cơ rồi từ cái kim sợi chỉ cũng sẽ “được đà ăn theo”.
Chính phủ đã nhìn thấy vấn đề này, nên Thủ tướng mới đây đã có công điện giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu. Về phía các biện pháp vĩ mô, cơ quan chức năng cũng cần xem xét xây dựng lộ trình, điều chỉnh lương tối thiểu nhằm đảm bảo công bằng cho người lao động, để công nhân có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.
Diệu Nhi - Pháp luật Plus