Dựng rạp ma chay, hiếu hỉ ngoài đường: Vi phạm có thể chịu 10 năm tù
Kinhte&Xahoi
Nhiều vụ tai nạn xảy ra khi các phương tiện giao thông đâm vào các đám cưới, đám ma được tổ chức bên đường. Tuy nhiên, do thói quen, nhiều hộ dân vẫn dựng rạp tràn ra đường khi nhà có đám, tiệc.
Dựng rạp đám cưới ngay trên quốc lộ 91 (An Giang) - Ảnh: THANH LIÊM/TT
Mới đây, ngày 11.4 tại trước cửa nhà số 6 đường Nguyễn Công Trứ, thành phố Quy Nhơn, Bình Định xảy ra vụ tai nạn khi đội dịch vụ tang lễ xếp hàng dưới lề đường chuẩn bị làm lễ đưa tang, thì bị ô tô Lexus mang BS: 49X- 6666 đâm vào, khiến 4 người chết, 5 người bị thương nặng.
Từ vụ việc này, cùng với nhiều trường hợp tương tự trước đó, nhiều người cho rằng, có nên xử lý những hành vi sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép?
Trao đổi với Lao Động, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, nhiều gia đình tổ chức đám ma chay, cưới hỏi ở lề đường, bởi một phần do tâm lý người dân muốn tổ chức tại nhà, nếu đám cưới thì "vui cửa vui nhà", còn đám tang thì ấm cúng, trọn vẹn.
Tuy nhiên, khoản 3 điều 8, Luật Giao thông đường bộ 2008 nghiêm cấm việc sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép. Lòng đường, hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông.
Điều 35 Luật Giao thông đường bộ quy định, cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng đường bộ, tổ chức các hoạt động khác trên đường phố như hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội, phải được cơ quan quản lý có thẩm quyền thống nhất bằng văn bản về phương án bảo đảm giao thông trước khi xin phép tổ chức các hoạt động trên theo quy định của pháp luật.
Vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại Bình Định ngày 11.4 vừa qua (ảnh: Báo Giao thông)
Trong trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do UBND cấp tỉnh quy định, nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.
Trong trường hợp cá nhân, hộ gia đình có đám ma, đám cưới, chỉ được sử dụng tạm thời một phần hè phố theo quy định tại Điều 25a, Nghị định 100/2013 của Chính phủ, quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Theo đó, hành vi dựng rạp phục vụ ma chay, cưới hỏi, lễ hội của hộ gia đình dưới lòng đường, trên toàn bộ hè phố là hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
Đây là hành vi gây hậu quả nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Bởi, đa phần các rạp đều không có cảnh báo, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông chỉ thiếu chú ý quan sát, không bảo đảm tốc độ, xử lý không kịp thời là có thể dẫn tới những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, các tai nạn thương tâm...
Điểm a, khoản 4, điều 12, Nghị định 46/2016 của Chính phủ ngày 26/5/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, với hành vi dựng rạp trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ sẽ bị phạt tiền 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với cá nhân; từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với tổ chức.
Nếu thực hiện hành vi dựng rạp trái phép trong khu vực đô thị tại hầm đường bộ, cầu vượt, hầm cho người đi bộ, gầm cầu vượt bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 8 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với tổ chức.
Ngoài ra cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả buộc phải dỡ bỏ rạp dựng trái phép và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
Bên cạnh đó, nếu để xảy ra tai nạn giao thông mà nguyên nhân xuất phát từ việc dựng rạp trái phép trên hè phố, lòng đường, tùy theo tính chất, mức độ của vụ việc, cá nhân thực hiện vi phạm có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Tội cản trở giao thông đường bộ theo quy định tại điều 261, Bộ Luật hình sự tùy theo mức độ có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 10 năm.
Theo Báo Lao động/Phapluatplus