Fecon (FCN): Chi phí lãi vay đè nặng, lợi nhuận trượt dài
Kinhte&Xahoi
Sau 9 tháng đầu năm 2023, CTCP Fecon đạt doanh thu thuần trên 1.830 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt vỏn vẹn trên 2 tỷ đồng.
Fecon lãi vỏn vẹn 2 tỷ đồng sau 9 tháng
CTCP Fecon (Mã HoSE: FCN) vừa qua đã công bố báo cáo tài chính Quý 3/2023. Trong đó doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 547 tỷ đồng, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong kỳ, giá vốn hàng bán chiếm 467 tỷ đồng, khiên cho lợi nhuận gộp chỉ đạt 80 tỷ đồng, giảm 21,4 . Biên lợi nhuận gộp theo đó cũng giảm từ 15,3% xuống chỉ còn 14,6%.
FCN cũng lần lượt ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính giảm 25,7%. Chi phí tài chính tuy cũng có giảm nhưng chi phí lãi vay vẫn ở mức cao, chiếm tới 43,6 tỷ đồng.
Điều này cho thấy gánh nặng lãi vay đang gây áp lực lớn lên hoạt động của CTCP Fecon. Cụ thể, CTCP Fecon lỗ từ hoạt động kinh doanh chính 654 triệu đồng ngay tại quý 3/2023.
Sau khi trừ đi hết các chi phí và thuế, CTCP Fecon ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ 213 triệu đồng, giảm 71,5% so với cùng kỳ băm 2022.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, CTCP Fecon đạt doanh thu thuần trên 1.830 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là trên 2 tỷ đồng.
So sánh với mục tiêu năm 2023, doanh thu 3.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng thì hiện tại CTCP Fecon mới hoàn thành được 48,2% kế hoạch doanh thu cùng 1,6% kế hoạch lợi nhuận năm.
Với những gì đang diễn ra sau 9 tháng của năm nay, gần như chắc chắn CTCP Fecon sẽ không thể hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Khối nợ của Fecon tiếp tục “phình to”
Tại thời điểm 30/9/2023, CTCP Fecon có tổng tài sản là hơn 7.631 tỷ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, doanh nghiệp này có nợ phải trả ở thời điểm kết thúc quý 3/2023 là hơn 4.223 tỷ đồng, tăng 125 tỷ đồng so với đầu năm và cao gấp 1,24 lần vốn chủ sở hữu.
Có thể thấy, cơ cấu nợ vay của CTCP Fecon đã có sự thay đổi nhưng nhìn chung vẫn có xu hướng gia tăng. Vay và nợ thuê tài chính đã tăng lên trên 2.875 tỷ đồng, tăng 6,2% so với hồi đầu năm nay (trong đó ngắn hạn là 1.971 tỷ đồng, dài hạn là 904 tỷ đồng).
Nợ vay tăng mạnh cũng kéo theo chi phí lãi vay gia tăng, gây áp lực lên tài chính của Công ty. Cụ thể: Trong giai đoạn 2017 – 2020, chi phí lãi vay dao động quanh ngưỡng từ 80 – 90 tỷ đồng mỗi năm.
Nhưng đến năm 2022, chi phí lãi vay đã chạm ngưỡng 212 tỷ đồng. Và chỉ sau 9 tháng của năm 2023, chi phí lãi vay của CTCP Fecon đã lên đến trên 180 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Như Pháp luật Plus đã thông tin, CTCP Fecon vừa qua đã phải thông báo lùi thời gian thanh toán cổ tức 2022 bằng tiền sang quý 1/2024.
Về nguyên nhân lùi thời hạn, HĐQT CTCP Fecon cho biết, trong năm 2023, hoạt động sản xuất kinh doanh và cân đối thu chi của Công ty gặp nhiều khó khăn do diễn biến của thị trường xây dựng chung không thuận lợi.
Đầu năm 2023, tiến độ triển khai một số dự án lớn bị chậm hơn so với kế hoạch dự kiến ban đầu nên tiến độ chào thầu cũng bị ảnh hưởng, việc ký kết hợp đồng bị kéo dài dẫn đến sản lượng thi công đạt thấp. Điều này ảnh hưởng đến dòng tiền dự kiến thu hồi trong các tháng cuối năm của Công ty.
Ngoài ra, chi phí lãi vay tăng cao do ảnh hưởng của các đợt tăng lãi suất cuối năm 2022 ảnh hưởng đến cân đối dòng tiền của của công.
Bên cạnh đó, việc cơ quan chức năng tiến hành siết chặt, kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng nên dòng tiền từ các hoạt động này cũng khó khăn hơn.
Theo kế hoạch phân phối lợi nhuận 2022 được thông qua đầu năm 2023, CTCP Fecon dự kiến chi 5% vốn điều lệ để trả cổ tức cho cổ đông bằng tiền.
Vào cuối tháng 9/2023, theo công bố của Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội CTCP FECON và loạt Công ty thành viên từng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Theo số liệu được công bố bởi Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, tại thời điểm 31/8/2023, CTCP Fecon (Mã chứng khoán: FCN) và các công ty thành viên từng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho người lao động với tổng số tiền lên đến trên 6,5 tỷ đồng.
Cụ thể, theo Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, CTCP FECON (địa chỉ: tầng 15, KĐT Mễ Trì Hạ, ¬quận Nam Từ Liêm) chậm đóng bảo hiểm với số tiền hơn 681 triệu đồng.
CTCP Cọc và Xây dựng FECON (địa chỉ: tầng 17 tháp CEO, KĐT Mễ Trì Hạ, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm) chậm đóng 1,1 tỷ đồng.
CTCP Xây dựng hạ tầng FECON (địa chỉ: tầng 19, tòa nhà CEO, Lô HH2-1, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm) chậm đóng bảo hiểm hơn 563 triệu đồng.
CTCP Công trình ngầm FECON Raito (địa chỉ: tầng 19, tòa nhà CEO, Lô HH2¬1, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm) chậm đóng bảo hiểm hơn 504 triệu đồng;
CTCP Đầu tư FECON (địa chỉ: tầng 2, tòa nhà CEO, Lô HH2¬1, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm) chậm đóng hơn 122,8 triệu đồng.
CTCP thi công cọc FECON số 1 (Đây là công ty con sở hữu gián tiếp của CTCP FECON, thông qua CTCP Cọc và Xây dựng FECON) chậm đóng hơn 4,13 tỷ đồng.
|
Lê Hải - Pháp luật Plus