Hai chuyến phà qua sông Hồng (đoạn qua địa bàn huyện Thường Tín) bảo đảm khoảng cách an toàn khi tránh nhau.
Không lơ là, mất cảnh giác
Thượng tá Đỗ Văn Chuẩn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) thông tin, trên địa bàn thành phố hiện có 19 bến thủy nội địa. Tất cả các bến này đều được cấp giấy phép hoạt động bến khách ngang sông, trong đó có 8 bến được phép chở ô tô. Sau thời gian giãn cách xã hội, các bến thủy được hoạt động trở lại từ cuối tháng 4, cũng là lúc Phòng Cảnh sát giao thông rà soát, chấn chỉnh các bến bãi vi phạm, không để tình trạng các bến đò ngang hoạt động chui.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, hiện nay xà lan và tàu bè vận chuyển người, hàng hóa trên sông đi lại tấp nập. Các bến Vân Cốc và Vân Nam (huyện Phúc Thọ), Thọ An (huyện Đan Phượng), Vạn Phúc (huyện Thanh Trì), Hồng Vân và Chương Dương (huyện Thường Tín)... đều hoạt động từ 6h hằng ngày, đón khách qua lại 2 bên bờ sông Hồng. Anh Nguyễn Tuấn Anh (ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) cho biết, lưu thông bằng đường thủy tại bến phà Vạn Phúc giúp quãng đường từ nhà tới nơi làm việc ở thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì) rút ngắn hơn 20km, giúp tiết kiệm nhiều thời gian, công sức đi lại. Trên chuyến phà sớm nối xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì, Hà Nội) với xã Mễ Sở (huyện Văn Giang, Hưng Yên), anh Nguyễn Tuấn Anh cùng nhiều hành khách khác đều có ý thức mặc áo phao, giữ khoảng cách và đeo khẩu trang phòng, chống dịch Covid-19.
Trước khi hoạt động trở lại, các chủ bến đều đã cam kết với lực lượng chức năng tuân thủ các biện pháp an toàn giao thông và bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19. Theo ông Trần Danh Đán, chủ bến phà Cẩm Cơ (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín), bến luôn nhắc nhở hành khách lên phà phải mặc áo phao và đeo khẩu trang… Ông Bùi Xuân Thức, chủ bến Vân Cốc (xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ) khẳng định, nếu khách không tuân thủ quy định khi lên phà, bến kiên quyết từ chối phục vụ.
Cùng nhận định về những nguy hiểm trong mùa mưa bão, ông Trần Văn Đồng, thuyền trưởng tàu NB-6880 chuyên chở vật liệu xây dựng chạy tuyến Ninh Bình - Hà Nội cho hay: Sau nới lỏng giãn cách xã hội, hoạt động vận tải trên sông nước nhộn nhịp trở lại thì các chủ phương tiện càng không thể lơ là, mất cảnh giác.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Lực lượng chức năng tuần tra trên sông Đuống bảo đảm an toàn giao thông mùa mưa bão.
Thượng tá Đỗ Văn Chuẩn cho biết, trên 190km đường sông do Phòng Cảnh sát giao thông quản lý, thì các bến thủy nội địa tập trung tại địa bàn huyện Thường Tín (7 bến), Phú Xuyên (4 bến), Đan Phượng (3 bến)…
Trước mùa mưa bão, ngoài việc tuyên truyền bảo đảm an toàn giao thông dọc sông Hồng, sông Đuống, các chủ bến đều được tập huấn kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống bất ngờ trên sông. Đặc biệt, lực lượng chức năng còn quán triệt đến chủ các bến tuyệt đối không tham lợi nhuận, chở người và phương tiện trong điều kiện thời tiết xấu; nếu phương tiện gặp sự cố giữa dòng phải có biện pháp chống va trôi...
Ở góc độ địa phương, theo ông Mai Văn Ngần, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân (huyện Thường Tín), hằng năm, trước mùa mưa bão, chính quyền xã đều nhận được sự quan tâm của các lực lượng chức năng, như tặng phao cứu sinh, tuyên truyền các quy định pháp luật về an toàn giao thông đường thủy đối với các chủ bến và người dân sinh sống, làm nghề trên sông…
Trước thực trạng giao thông mùa mưa bão luôn có diễn biến khó lường, Thiếu tá Trương Việt Sơn, Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường thủy số 2 (Phòng Cảnh sát giao thông) chia sẻ, Cảnh sát giao thông mong muốn người dân chú ý tới những cảnh báo và nhắc nhở của lực lượng chức năng. Đặc biệt, mùa mưa bão năm nay dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, người dân cần tuân thủ tuyệt đối các quy định khi tham gia giao thông đường thủy để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản.
Ngoài việc tuyên truyền bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa đối với chủ các bến đò ngang, bến bãi ven sông Hồng, sông Đuống…, công tác tuần tra kiểm soát phát hiện sự cố và xử lý tàu thuyền vi phạm về các quy định an toàn vẫn được Phòng Cảnh sát giao thông thực hiện thường xuyên. Gần đây nhất, vào rạng sáng 9-5, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường thủy số 3 (Phòng Cảnh sát giao thông) đã cứu sống anh Nguyễn Anh Tú (sinh năm 2003, ở Hà Nam), là một thuyền viên bị ngã xuống sông do mưa lớn và thiếu quan sát. “Tai nạn đường thủy luôn rình rập và có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, nhất là khi người tham gia giao thông thiếu ý thức, chủ quan, lơ là”, Trung tá Đỗ Trọng Tuân, Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường thủy số 3 nhận định.
Nhiều năm qua, trên các tuyến sông qua địa bàn Hà Nội, giao thông đường thủy cơ bản được bảo đảm an toàn. Thế nhưng, không vì thế mà lực lượng chức năng, chủ phương tiện vận tải cũng như hành khách chủ quan, nhất là khi mùa mưa bão đang cận kề.