Hà Giang hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cam sành ngoại tỉnh niên vụ 2021-2022
Kinhte&Xahoi
Để giải quyết khó khăn trong tiêu thụ cam sành, huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang) đã có nhiều hoạt động tích cực hỗ trợ bà con nông dân.
Là huyện có diện tích cam sành lớn của tỉnh Hà Giang, niên vụ 2021-2022, toàn huyện Bắc Quang có 4.815 ha cam, quýt. Trong đó có 3.107ha cam sành, diện tích cam sành đang cho thu hoạch là 3.041 ha, sản lượng ước đạt 28,27 nghìn tấn.
Trước đó, sản phẩm cam sành hàng năm của người dân chủ yếu được tiêu thụ trên các kênh phân phối truyền thống như: trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối. Nhưng 2 năm trở lại đây, trước tình hình dịch, bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội, nên việc bao tiêu và tiêu thụ sản phẩm cam sành theo hướng truyền thống của người dân bị ảnh hưởng.
Nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương năm nay người dân dễ dàng tiêu thụ cam.
Để ổn định đầu ra cho sản phẩm cam sành của người dân, ngay từ đầu niên vụ 2021-2022, huyện Bắc Quang đã phối hợp với các sở, ngành chuyên môn của tỉnh triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, hướng dẫn người dân tham gia giao dịch trên các gian hàng thương mại điện tử.
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam sành cho người trồng cam trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, góp phần bao tiêu, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm cam sành của người dân. Huyện Bắc Quang đã ban hành Kế hoạch số 5617 ngày 1/11/2021 nhằm thực hiện chính sách hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cam sành niên vụ 2021-2022 cho người dân theo Nghị quyết số 58 của HĐND tỉnh Hà Giang.
Theo đó, 6 hợp tác xã tại 4 xã vùng trọng điểm cam của huyện, gồm: Vĩnh Hảo, Vĩnh Phúc, Việt Hồng, Tiên Kiều được hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cam sành ngoại tỉnh niên vụ cam năm 2021-2022, bao gồm hỗ trợ cước phí vận chuyển theo định mức 100 ngàn đồng/tấn.
Khối lượng hỗ trợ là 2. 895 tấn, kinh phí đề nghị hỗ trợ tương đương 289 triệu 500 ngàn đồng. Lộ trình hỗ trợ thực hiện theo 2 chu kỳ thu hoạch, trong đó tháng 11 và 12 năm 2021 hỗ trợ cước vận chuyển 300 tấn cam sành, tương đương với số tiền hỗ trợ 30 triệu đồng; Tháng 1 đến tháng 4 năm 2022: Hỗ trợ cước vận chuyển 2.595 tấn, kinh phí đề nghị hỗ trợ là 259 triệu 500 ngàn đồng.
Năm nay giá cả bán ra thị trường cho mặt hàng cam ổn định.
Ông Bùi Đức Vượng, Giám đốc HTX VietGap Vĩnh Phúc cho biết: “Vừa qua chúng tôi đã đề nghị huyện Bắc Quang hỗ trợ 60.000. 000 đồng để hộ trợ tiêu thụ cam sành. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã nhận được 400 hộp vỏ đựng cam do huyện hỗ trợ, mỗi hộp vỏ có giá khoảng 10.000 đồng. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương nên năm nay việc tiêu thụ cam sành sáng sủa hơn rất nhiều”.
Để triển khai kế hoạch, UBND huyện Bắc Quang cũng đã chỉ đạo, giao ngành chuyên môn tổ chức hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục, hồ sơ để giải ngân hỗ trợ kinh phí, thẩm định hồ sơ hỗ trợ tiêu thụ cam sành niên vụ 2021-2022 theo Hướng dẫn, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các xã vùng cam tham mưu xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại sản phẩm cam.
Đi liền với đó Phòng công thương cũng hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sản phẩm cam, quýt kết nối vào sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh; tham gia sàn giao dịch nông sản các tỉnh, thành phố; kết nối tiêu thụ vào hệ thống các kênh phân phối truyền thống như: trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối…Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan kêu gọi, thu hút đầu tư kho bảo quản, nhà máy chế biến sản phẩm cây ăn quả có múi cho người dân.
Phàn Họ - Chí Cường - Pháp luật Plus