Tòa soạn nhận được phản ánh của hơn 100 cư dân đang sinh sống tại Tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở cao tầng Eco – Green Tower (còn gọi là chung cư Viễn Đông Star) số 1 phố Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai về việc thiếu điều kiện sinh hoạt tối thiểu do công trình chưa được nghiệm thu phòng cháy.
Phản ánh của hơn 100 cư dân đang sinh sống tại Tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở cao tầng Eco – Green Tower.
Nhằm tìm hiểu sâu hơn về phản ánh trên, Phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã có mặt và ghi nhận thực tế tại tòa nhà.
Qua trao đổi với các hộ dân đang sinh sống tại đây thì được biết hiện tại tòa bộ khu chung cư đã có khoảng hơn 100 hộ dân với khoảng 600 nhân khẩu sinh sống, hộ sớm nhất cũng đã chuyển đến khoảng 1 năm nay. Trước đây các điều kiện sinh hoạt bình thường, tuy nhiên nhiều tháng trở lại đây, tòa nhà thường xuyên bị cắt điện nhất là trong dịp nắng nóng vừa qua, có những ngày bị cắt liên tục từ 7 đến 8 lần. Các thiết bị như điều hòa hay bếp điện đun nấu gần như không được sử dụng, hoặc phải sử dụng theo giờ. Thậm chí Ban quản lý tòa nhà còn đưa ra lịch nấu cơm cho từng tầng sử dụng theo giờ để tránh bị sập nguồn điện.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do tòa nhà chưa được nghiệm thu về PCCC vì vậy chưa được cấp điện theo quy định cho nên chủ đầu tư đã dùng điện của công trình xây dựng tòa nhà bán cho các hộ dân, dẫn đến tình trạng công suất điện không đủ phục vụ sinh hoạt cho cư dân.
Tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở cao tầng Eco – Green Tower (chung cư Viễn Đông Star) số 1 Giáp Nhị phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Ban đại diện cư dân cho biết: “Là người dân khát khao có chỗ ở ổn định, phần lớn giá trị của căn nhà đều là tiền vay theo gói tài trợ của ngân hàng, mặt khác chủ đầu tư đã chậm bàn giao nhà 3 năm nay, chúng tôi vẫn phải trả lãi vay hàng tháng cộng thêm tiền thuê nhà để ở trong 3 năm liền lại chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 điều kiện kinh tế càng heo hẹp hơn. Vì vậy mặc dù biết dự án chưa đủ điều kiện bàn giao nhà theo quy định nhưng chúng tôi đã tin theo lời hẹn của chủ đầu tư, đã nộp cho chủ đầu tư số tiền đến 95% giá trị căn hộ và phí bảo trì để được nhận căn hộ về ở trong điều kiện không bàn giao, không được ký hợp đồng mua điện nước trực tiếp với nhà nước…
Tuy nhiên chủ đầu tư đã không thực hiện lời hứa dẫn đến tình trạng người dân đã phải chịu sống trong tình cảnh khốn khổ hơn 1 năm nay, không được đăng đăng ký tạm trú tạm vắng, trẻ nhỏ không được đi học đúng tuyến chẳng khác nào "sống chui" giữa Thủ đô…”
Anh P một cư dân cho biết, sau khi nhận nhà để làm nội thất, chủ đầu tư đã cam kết sau 2 tháng sẽ hoàn thiện các thủ tục pháp lý để bàn giao cho anh nên anh đã chuyển đến ở (từ tháng 7 năm 2020) tuy nhiên sau nhiều lần khất hứa, chủ đầu tư vẫn không thực hiện dẫn đến tình cảnh bỏ chẳng được ở không xong... nhà cũ thì đã bán.
Văn bản của UBND quận Hoàng Mai.
Để làm rõ những bất cập trên, Phóng viên Báo pháp luật Việt Nam đã đến UBND quận Hoàng Mai mong tìm được câu trả lời từ phía cơ quan quản lý nhà nước, tuy nhiên Lãnh đạo quận Hoàng Mai bận họp và đã đặt lịch để làm việc sau.
Theo thông tin tìm hiểu của PV thì tòa nhà đã nhiều lần bị cơ quan chức năng quận Hoàng Mai xử phạt vị phạm vì bàn bàn giao nhà khi chưa đủ điều kiện. Gần nhất, ngày 22/6/2021 UBND quận Hoàng Mai đã có văn bản số 79/VP-TH gửi các bên liên quan và chủ đầu tư yêu cầu xử lý những tồn tại tại tòa nhà này.
Thiết nghĩ giữa Thủ đô, một công trình sừng sững cao 28 tầng, hơn 100 hộ dân với khoảng 600 nhân khẩu đang sinh sống “bất hợp pháp” gần 1 năm nay. Trách nhiệm không chỉ thuộc về chủ đầu tư mà chinh quyền sở tại cũng cần có lời giải đáp thỏa đáng?
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin
Hà Thư - Duy Khương - Pháp luật Plus