Thực hiện công văn của Bộ Công an về việc chỉ đạo khắc phục những bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy, UBND thành phố giao Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì đôn đốc, hướng dẫn UBND cấp huyện tiếp tục kiểm tra, xử lý dứt điểm các vi phạm trật tự xây dựng, sử dụng đất trên địa bàn thành phố (đặc biệt là các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao đã được kiểm tra) để kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật; các trường hợp có dấu hiệu vi phạm phải chuyển hồ sơ, kiến nghị cơ quan điều tra xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
UBND thành phố giao Sở Công Thương, Tổng công ty Điện lực Hà Nội tiếp tục chỉ đạo tổ chức kiểm tra, rà soát sử dụng điện, an toàn trong sử dụng điện đối với cơ sở, hộ gia đình trên địa bàn thành phố. Đối với các công trình vi phạm về an toàn sử dụng điện tổ chức kiểm tra, kiến nghị khắc phục tồn tại, vi phạm bảo đảm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và sử dụng các thiết bị điện phù hợp với công suất theo thiết kế; kiên quyết xử lý vi phạm, ngừng, giảm mức cung cấp điện đối với các trường hợp ký hợp đồng mua bán điện không đủ các điều kiện, sử dụng điện không an toàn, sử dụng điện sai mục đích…
Công an thành phố được giao thường xuyên phối hợp với các đơn vị tổ chức kiểm tra và yêu cầu các công trình, cơ sở khắc phục tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy theo đúng thời hạn; xử lý nghiêm các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với công trình không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo hướng dẫn, đôn đốc chủ cơ sở, chủ hộ gia đình khắc phục ngay các giải pháp trước mắt đã được hướng dẫn để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy tăng cường, bổ sung. Quyết liệt đôn đốc, giám sát các chủ cơ sở/chủ hộ gia đình khắc phục ngay các giải pháp để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy cho công trình mà đã được cơ quan chức năng hướng dẫn, kiến nghị; quá trình kiểm tra phải đánh giá đầy đủ về công tác quản lý, sử dụng đất, trật tự xây dựng, an toàn trong sử dụng điện, phòng cháy, chữa cháy…
Những cơ sở chây ỳ, có dấu hiệu trốn tránh, không thực hiện khắc phục phải có những biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết xử lý nghiêm (tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, cưỡng chế, cắt điện, không cho đăng ký tạm trú…) để yêu cầu thực hiện. Đồng thời về lâu dài cần hướng dẫn cơ sở có lộ trình để khắc phục các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Đối với các công trình xây dựng mới phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, kiên quyết không để các công trình thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy chưa được cấp phép đã đưa vào sử dụng.
Đối với các cơ sở lán trại, công trình xây dựng không phép, sai phép, xây dựng trái phép trên đất dự án, đất nông nghiệp, đang bị thu hồi, hành lang bảo vệ đường sắt, lưới điện cao thế, đê, rừng: Kiên quyết cưỡng chế, phá dỡ các công trình xây dựng trái phép trên đất dự án, đất nông nghiệp, đang bị thu hồi, hành lang bảo vệ đường sắt, lưới điện cao thế, đê, rừng và công trình vi phạm không chấp hành kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền; nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự đề nghị chuyển cơ quan điều tra giải quyết theo quy định.
Chấn chỉnh hoạt động quản lý xây dựng, nhất là việc cấp phép, thanh tra, kiểm tra, chấp hành pháp luật xây dựng; gắn trách nhiệm cụ thể tới từng đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc cấp phép, quản lý trật tự xây dựng; xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng trái phép, sai phép; xử lý, kiến nghị cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm các tổ chức, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm được giao; các trường hợp có dấu hiệu vi phạm phải chuyển hồ sơ, kiến nghị cơ quan điều tra xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Mai Hữu - Hà Nội mới