Hà Nội tăng cường tối đa lực lượng hỗ trợ vận tải hàng hóa
Kinhte&Xahoi
Nhằm góp phần đảm bảo việc lưu thông hàng hóa trong bối cảnh diễn biến phức tạp do dịch Covid-19, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc cung ứng, vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm... thành phố Hà Nội đã tăng cường tối đa lực lượng hỗ trợ vận tải hàng hóa.
Hạn chế tình trạng ùn tắc tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19
Ngay sau khi thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã phối hợp với các địa phương cấp thẻ ưu tiên trên "luồng xanh" vận tải hàng hóa để ưu tiên phương tiện qua các chốt, giảm thủ tục kiểm soát, bảo đảm dịch bệnh, giảm ùn tắc giao thông.
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Đào Việt Long cho biết, Hà Nội, đã lập 22 chốt kiểm dịch trên các tuyến đường cửa ngõ. Riêng chốt trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Các lực lượng đã bố trí chốt trực trước trạm thu phí giáp hướng Hà Nam về Hà Nội để hướng dẫn phương tiện không thuộc diện dán thẻ ưu tiên quay đầu luôn, phương tiện đã dán nhãn nhận diện “luồng xanh” được hướng dẫn đi tiếp. Đến thời điểm này, chốt Pháp Vân - Cầu Giẽ đã thông thoáng hơn, tình trạng ùn ứ giảm nhiều.
Thành phố Hà Nội đã tăng cường tối đa lực lượng hỗ trợ vận tải hàng hóa
Về tình trạng phương tiện phải quay đầu tại các điểm chốt kiểm soát dịch, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Đào Việt Long cho biết, đã yêu cầu lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với công an chủ trì cùng các lực lượng y tế, quân đội tổ chức phân luồng, hướng dẫn cụ thể để giảm ách tắc.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng hướng dẫn rõ 3 đối tượng ưu tiên. Thứ nhất là xe vận tải hàng hóa bảo đảm các chuỗi cung ứng hay “luồng xanh” quốc gia có lộ trình qua Hà Nội. Thứ hai là xe chở hàng hóa thiết yếu cho thành phố của các cơ sở kinh doanh dịch vụ và phục vụ các công trình mà được cấp phép hoạt động theo Chỉ thị 17/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội.
Thứ ba là xe chở người và các phương tiện phục vụ công vụ của các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình xây dựng được phép hoạt động theo Chỉ thị 17/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội.
“Các phương tiện cần đăng ký thực hiện theo “luồng xanh” địa phương kết nối với “luồng xanh” quốc gia. Chúng tôi xác định nhiệm vụ chống dịch phải đặt lên hàng đầu”, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Đào Việt Long nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cũng cho biết thêm, những xe không có thẻ ưu tiên “luồng xanh” vẫn được vào cung cấp nhu yếu phẩm nhưng phải có phiếu xuất kho, hóa đơn vận chuyển hàng hóa, đồng thời lái xe phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc có giấy xét nghiệm âm tính với vi rút SASR - CoV-2 còn thời hạn.
Yêu cầu tài xế, doanh nghiệp phải tự nâng cao ý thức
Tác động của dịch Covid-19 kéo dài đã khiến cho hoạt động vận tải bị đình trệ nghiêm trọng, doanh thu bị giảm sút lớn. Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, so với trước dịch, sản lượng vận tải hành khách giảm sút 20-30%; vận tải hợp đồng du lịch gần như đóng băng; doanh thu vận tải hàng hoá giảm sút 20-30%; Số xe phải nằm liệt trên bãi có thời điểm lên tới hơn 50%.
Đặc biệt, vận tải hàng hoá lưu thông trên đường gặp rất nhiều khó khăn do các địa phương tăng cường biện pháp kiểm tra kiểm soát với lái xe và phương tiện khi lưu thông trên đường, các chi phí bị đội lên.
Hà Nội đảm bảo việc lưu thông hàng hóa trong bối cảnh diễn biến phức tạp do dịch Covid-19, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thôn
Đáng chú ý, nhiều đơn vị vận chuyển rau củ quả tươi sống, với áp lực thời gian vận tải nhanh, hàng hoá nhiều khi chưa được bao gói theo đúng quy cách, chưa được kiểm soát tận gốc, do đó khi lưu thông trên đường cũng phát sinh khó khăn...
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam thông tin thêm, trong điều kiện hiện nay, ngành Giao thông đang triển khai rất nhiều giải pháp để đảm bảo lưu thông vận chuyển hàng hóa. Đối với quy định, xe "luồng xanh" được lưu thông qua, không cần kiểm tra tại chốt kiểm dịch đang đòi hỏi các tài xế, doanh nghiệp cũng phải tự giác và chấp hành nghiêm các quy định để đảm bảo phòng chống dịch.
Theo đó, trong và sau chuyến đi, lái xe phải hạn chế tiếp xúc nhiều người. Trong hành trình vận chuyển hàng hóa thiết yếu, doanh nghiệp phải có kế hoạch trước, kể cả điểm dừng cũng phải có kế hoạch, có phương án cụ thể.
Với những vùng dịch phức tạp, doanh nghiệp có thể đổi lái xe để chuyến xe đảm bảo an toàn và lưu thông thông suốt; Đồng thời đề xuất ngành Y tế và các địa phương ưu tiên tiêm vắc xin sớm để bảo đảm an toàn cho người lái xe.
Hiện, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã tổng hợp ý kiến và chuyển lên Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố đề xuất ưu tiên tiêm cho đội ngũ lái xe buýt, taxi sân bay và tài xế vận tải đường dài. Thành phố đang căn cứ vào Quỹ vắc xin để phân bổ phù hợp.
Thanh Hà - TTTĐ