Hà Nội: Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm
Kinhte&Xahoi
Sở Y tế Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá kết quả công tác an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.
Bà Nguyễn Ánh Nguyệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết: "Trong 6 tháng đầu năm 2022, thành phố đã thành lập 699 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm. Qua thanh tra, kiểm tra 16.294 cơ sở phát hiện 2.966 cơ sở vi phạm và tiến hành xử phạt hành chính hơn 500 cơ sở với số tiền trên 3 tỷ đồng.
Công tác kiểm tra giám sát, hậu kiểm về an toàn thực phẩm thời gian qua đã được tăng cường, đồng thời xử lý các cơ sở vi phạm với nhiều hình thức. Cùng với đó, các quận, huyện, thị xã cũng đã chủ động giám sát tình hình phòng, chống ngộ độc.
Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2022 không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn và bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra trên địa bàn".
Các đơn vị làm tốt công tác an toàn thực phẩm được nhận cờ và bằng khen
Dù vậy, công tác công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Đơn cử như một số chủ cơ sở thực phẩm còn chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi ích trước mắt mà thực hiện các hành vi không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Thêm vào đó, việc xử lý các vi phạm ở tuyến xã đã được tăng cường nhưng còn chưa kiên quyết, đa số chỉ nhắc nhở. Còn một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng vẫn dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm, chưa phản ánh với cơ quan quản lý và tẩy chay các cơ sở thực phẩm không an toàn.
Tại hội nghị, đề cập đến một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm thời gian tới, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ nay đến cuối năm, thành phố sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm trên toàn địa bàn, đặc biệt tập trung kiểm tra hậu kiểm sau công bố, kiểm tra đột xuất và xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm. Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm lồng ghép với phòng, chống dịch bệnh.
“Không chỉ tập trung vào công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngộ độc thực phẩm, thành phố còn tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chương trình, đề án, dự án, mô hình điểm về an toàn thực phẩm như: Các chuyên đề dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; an toàn thực phẩm tuyến phố văn minh tại 30 quận, huyện, thị xã; kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người tại 288 xã/phường của 20 quận huyện; quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn trường học…”, bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.
Phương Thu - TTTĐ