Đất dệt may nhưng học sinh mua đồng phục “giá trên trời”
Trong vài ngày qua, trên các diễn đàn mạng xã hội tại huyện Hải Hậu, một số phụ huynh đã đăng một bài viết với dòng trạng thái: “Áo học sinh lớp 1 trường tiểu học (không gồm quần) trị giá mùa Covid-19 104.000 đồng/áo”.
Chủ tài khoản đăng kèm hình ảnh chiếc áo có logo của trường TH Hải Trung (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định).
Chiếc áo thun phụ huynh mua tại trường TH Hải Trung có giá 104 ngàn đồng
Bài viết này đã nhận được nhiều ý kiến của các bậc làm cha, mẹ bày tỏ sự bất bình về chất lượng đồng phục tại “thủ phủ ngành may gia công”: “Vải đã không đẹp, giá lại quá đắt”.
Tài khoản có tên Huỳnh Anh Phi cho rằng: “Tôi cứ nghĩ nhà trường đặt mua với số lượng nhiều giá sẽ giảm hơn so với việc đi mua lẻ. Thực tế thì ngược lại. Đã vậy, đường may xiêu vẹo, chất vải nhàu nhĩ”.
Một phụ huynh khác bày tỏ: “Học sinh cấp 1 đang ở tuổi hiếu động, nghịch ngợm nên phải lựa chọn chất vải tốt, tránh rách hỏng. Cùng với đó, thời tiết nhiều khi nắng nóng nên cũng phải tránh những loại vải nhiều nilon, ít cotton, mặc cực kỳ bí. Tuy nhiên, dù là chất vải gì, với giá 104.000 đồng thì quá đắt. Tôi làm nghề may nên biết”.
Phản ánh với phóng viên, chị Nguyễn Thị Mai Thanh, ở xã Hải Trung, huyện Hải Hậu cho hay: “Tôi là một công nhân xưởng may. Tôi thấy giá áo như thế là quá đắt. Tuy nhiên khi nhà trường gửi thông báo về đồng phục thì tôi cũng chỉ biết đồng ý. Cả lớp mua, chả lẽ con mình đứng ngoài. Vì thế, tôi đành mua cho con”.
Trường TH Hải Trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
Được biết, nhiều phụ huynh trường Tiểu học Hải Trung cũng khá bức xúc về chuyện giá cả đồng phục của nhà trường. Không ít người nhận được nhận được chiếc áo với giá 104.000 đồng cũng than thở: “Đường may không đẹp, nhìn cái áo không có gì đặc biệt mà giá quá đắt đỏ. Thời buổi dịch bệnh hoành hành, giá chiếc áo đồng phục như thế này ngay trên đất dệt may là không thể tin được”.
Giá trị thực là bao nhiêu?
Để làm rõ những thắc mắc của phụ huynh, chúng tôi đã liên hệ với một chủ xưởng may tại Nam Định. Chị Nguyễn Mai Hương, chủ xưởng may trên địa bàn huyện Hải Hậu nhận định: “Giá thực của chiếc áo thun đồng phục này, xuất xưởng tại công ty, tính tổng thể vải vóc, hoàn thiện, đóng gói, trao trả tận các đơn vị chỉ có giá khoảng 45 - 50 nghìn đồng, bằng một nửa giá thành đang bán tại trường”.
Chị Mai Hương phân tích thêm: “Giá vải của chiếc áo thun khoảng trên, dưới 100.000 đồng/kg, được bán ở khắp các kho, xưởng, chợ vải từ Hà Nội đến tận vùng quê Hải Hậu. 1kg vải có thể may được 5 đến 6 áo học sinh lớp 1 (loại vải thun cá sấu) và được nhiều áo hơn với loại vải thun trơn bình thường.
Như vậy giá vải “kịch kim” được tính từ 20 đến 25 nghìn đồng/áo. Giá gia công tại xưởng hiện có chung mức khoảng 12 nghìn đồng/sản phẩm. 8 nghìn còn lại là giá của bo tay, cổ và mác đồng phục.
Nếu bán với giá 40 đến 50 nghìn đồng/sản phẩm, công nhân chúng tôi có thể sống ổn. Đồng phục được bán số lượng nhiều. Trong may mặc, số lượng cắt may càng nhiều, nhà xưởng càng có lãi, đồng nghĩa giá thành càng hạ”, chị Mai Hương nhấn mạnh.
Hình ảnh chiếc áo đồng phục phụ huynh chụp đăng lên mạng xã hội
Chủ xưởng may thậm chí còn tính toán cặn kẽ: Đây là giá áo cho loại vải tương đối đẹp (loại thun cá sấu 65% cotton). Còn loại vải nhìn sơ qua thấy y hệt như vậy nhưng thành phần khác (nhiều chất nilon, không có hoặc có ít chất bông sợi cotton) thì giá còn rẻ nữa. Giá vải hiện tại 2 loại này chênh nhau khoảng 30 nghìn/kg.
“Nếu nhà trường dùng loại thun trơn, giá thành cũng không thay đổi, có thể còn rẻ hơn thun cá sấu vì trọng lượng nhẹ hơn, nghĩa là cùng 1kg vải may được nhiều áo hơn”, chị Mai Hương nói.
“Đá bóng” trách nhiệm?
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Trung Hiếu, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hải Trung, huyện Hải Hậu cho biết: “Giá cả do công ty đồng phục trực tiếp làm việc với phụ huynh, không phải nhà trường ép mà đây là thỏa thuận”.
Ông Hiếu khẳng định: “Ban phụ huynh của các lớp đứng ra mua và không thông qua nhà trường”.
Học sinh trường Tiểu học Hải Trung trong những ngày đầu năm học 2021 - 2022
Tuy nhiên khi được hỏi về đồng phục, logo và thương hiệu nhà trường mà để mặc cho phụ huynh đứng ra quyết định, tự thu, không thông qua Ban giám hiệu, thì trách nhiệm của hiệu trưởng ở đâu? Ông Hiếu trả lời: “Ban phụ huynh các lớp chỉ gửi mẫu mã để nhà trường quyết định, còn lại họ tự làm việc về giá và thỏa thuận với phụ huynh.
Toàn bộ đồng phục là do phụ huynh đặt may, nhà trường không tham gia về giá và cũng không nắm bắt được việc phụ huynh tự đứng lên kêu gọi. Phụ huynh đưa mẫu mã áo đồng phục, nhà trường đồng ý”, ông Hiếu khẳng định.
Theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, quyền và nghĩa vụ của Ban Đại diện cha mẹ học sinh trường là tổ chức các hoạt động giáo dục, tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, giáo dục học sinh; Kiến nghị với Hiệu trưởng về những biện pháp cần thiết nhằm thực hiện nhiệm vụ năm học của trường và về quản lý, giáo dục học sinh; Quyết định chi tiêu phục vụ các hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh… Như vậy, Ban Phụ huynh của trường hay của lớp đều không được tự ý kêu gọi các khoản thu hay thỏa thuận mua bán trong nhà trường.
Trong lĩnh vực quản lý của một trường học, mọi hoạt động của nhà trường đều do hiệu trưởng quản lý, tất cả các hoạt động của Ban phụ huynh đều phải thông qua hiệu trưởng. Việc mua bán đồng phục cho học sinh cả trường mà hiệu trưởng không nắm bắt được có thể là do năng lực hoặc đang “đá bóng” trách nhiệm sang Ban Phụ huynh. Dù Ban đại diện phụ huynh là người đứng ra tổ chức mua bán đồng phục khiến nhiều cha mẹ không đồng thuận thì Hiệu trưởng cũng phải chịu trách nhiệm bởi việc này xảy ra trong trường học của mình.
Năm học mới đang bắt đầu, không chỉ tại Tiểu học Hải Trung, hiện còn nhiều ý kiến của cha mẹ học sinh phản ánh với báo Tuổi trẻ Thủ đô về những bất cập xung quanh công tác thu chi giáo dục, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Mai Khôi - Anh Vũ - TTTĐ