Ngang nhiên xả thải ô nhiễm
Theo phản ánh, Xưởng sản xuất nước ngọt của của Cơ sở Hùng Đô nằm tại dốc Đê, khu vực Đầm Quán, thôn Minh Hiệp 1 (xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, Tp. Hà Nội) hoạt động suốt ngày đêm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Kéo theo đó là lượng nước thải đổ ra môi trường bốc mùi hôi thối, ống khói xả khí thải ra làm ô nhiễm bầu không khí.
Bác Tr. V.B người dân thôn Minh Hiệp 1 cho biết: “Ngày nào cũng vậy, Cơ sở nước ngọt Hùng Đô liên tục xả khí thải đen xì, mùi khét lẹt ra môi trường, có những hôm nhìn ống khói màu đen kịt như vòi rồng thải ra, theo hướng gió thổi thẳng vào nhà dân, khi hít phải mùi khí thải này khiến chúng tôi cảm thấy rất khó thở. Ngoài ra, nhà báo nhìn xem các nhà xưởng tại đây đều xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, để được hoạt động như hiện nay, lãnh đạo xã làm ngơ hết rồi, nếu không làm ngơ thì các các nhà xưởng này làm sao dám hoạt động nhộn nhịp như vậy được”.
Nhưng làm khói đen sì, khét lẹt từ Cơ sở nước ngọt Hùng Đô thường xuyên xả thải ra môi trường, tra tấn người dân
Cơ sở Hùng Đô ngày đêm xả thải hủy hoại môi trường không thương tiếc suốt nhiều năm qua, nhưng không bị cơ quan chức năng huyện Hoài Đức và xã Minh Khai xử lý dứt điểm
Cùng nỗi bức xúc với bác B, chị Ng. Th. H người dân thôn Minh Hiệp 1 bức xúc cho biết: “Trước đây nhà Luận Tâm (Cơ sở nước ngọt Hùng Đô) sản xuất trong nhà, nhưng mấy năm gần đây chuyển ra khu vực Đầm Quán để sản xuất nước ngọt. Ra đây không biết các cơ quan cấp trên kiểm tra, giám sát ra sao mà nhìn rất mất vệ sinh, nước thải không được xử lý thải trực tiếp ra môi trường, lúc màu vàng, lúc màu xanh, nhìn phát khiếp, hơn nữa khu sản xuất thì chật chội, tối tăm, công nhân sản xuất thì mồ hôi nhễ nhại rất mất vệ sinh”.
Nhà xưởng không biển hiệu nhằm che giấu sự phát hiện của các cơ quan chức năng, điều này thể hiện sự làm ăn không trong sáng của Cở sở nước ngọt Hùng Đô
Cũng theo người dân, Cơ sở nước ngọt Hùng Đô không sử dụng gas hay than mà thu gom các loại gỗ thải loại về để làm nhiên liệu đốt lò hơi. Theo đó, khói xả ra ngày đêm khiến bầu không khí ô nhiễm nghiêm trọng. Còn nhà xưởng thì chẳng có biển báo, khi xe đi ra hay đi vào là ngay lập tức có người đóng cửa kín mít. Ngoài ra, dốc đê Đầm Quán, liên tục bị các xe tải của Cơ sở nước ngọt Hùng Đô chiếm dụng gây nguy cơ cơ mất an toàn giao thông cho người dân mỗi khi đi qua đây. Hơn nữa, các xe quá tải trọng khi về về lấy hàng chở đi các tỉnh đã phá nát tuyến đê. Mong muốn người dân kiến nghị lên xã và huyện Hoài Đức vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm các nhà xưởng xây dựng trái phép tại đây, để đảm bảo môi trường cảnh quan trong khu vực.
Nhà xưởng sản xuất của Cơ sở nước ngọt Hùng Đô chật chội, lụp xụp. Liệu những sản phẩm nước ngọt của của sở Hùng Đô được sản xuất trong điều kiện thiếu thốn thế này, chất lượng có đảm bảo?
Chính quyền xã Minh Khai đang bảo kê?
Để làm rõ vấn đề trên, làm việc với Phóng viên Môi trường và Cuộc sống, bà Đỗ Thị Nhiên – Phó Chủ tịch UBND xã Minh Khai cho biết: Cơ sở sản xuất nước ngọt Hùng Đô hoạt động tại thôn Minh Hiệp 1 là đúng, đại diện cơ sở Hùng Đô hiện nay là bà Đỗ Thị Thắng vợ ông Phí Văn Luận – Giám đốc công ty TNHH HUDOCO Việt Nam, hiện nay cơ sở Hùng Đô đang sản xuất nước ngọt, gia công cho công ty TNHH HUDOCO Việt Nam, thị trường tiêu thụ các sản phẩm trên là một số tỉnh phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên.
Bà Đỗ Thị Nhiên – Phó Chủ tịch UBND xã Minh Khai thừa nhận: “Cơ sở Hùng Đô đang hoạt động trái phép trên đất nông nghiệp, việc cơ sở này xả khói đen kịt, mùi khét lẹt ra môi trường như hiện nay là không được, và Cơ sở này cũng chưa có giấy tờ gì về môi trường cả”
Theo lý giải của bà Đỗ Thị Nhiên – Phó Chủ tịch về việc cơ sở Hùng Đô xả khói đen kịt, mùi khét lẹt ra môi trường, thì hiện nay cơ sở Hùng Đô đang dùng củi để đốt lấy nhiệt tử lò hơi gây khói đen là có, việc cơ sở thải khói đen ra môi trường theo cảm quan như vậy là không được, tuy nhiên việc xả khói đen này chỉ diễn ra trong vòng 5 – 10 phút. Vậy theo lý giải của bà Nhiên, trong vòng 5 – 10 phút, cơ sở xả khí thải đen kịt ra môi trường, cơ sở Hùng Đô có thu hồi lại được hay không, ngày nào cũng xả thải 3, 4 lần như vậy, ai sẽ đứng ra để bảo vệ sức khỏe cho người dân?
Khi được hỏi hiện nay cơ sở Hùng Đô có thực hiện theo đúng quy định Luật bảo vệ môi trường? Bà Nhiên – Phó Chủ tịch UBND xã Minh Khai thừa nhận, cơ sở Hùng Đô hoạt động đến nay được 7 năm nhưng chưa có các thủ tục về môi trường, cơ sở xây dựng xưởng sản xuất trên diện tích đất nông nghiệp và không có giấy phép. Xã cũng chưa bao giờ tiến hành kiểm tra và xử lý vi phạm môi trường đối với cơ sở này, ở trên huyện có xử lý hay không thì tôi không rõ, vì các đoàn kiểm tra của huyện hay thành phố về kiểm tra có khi thông báo, có khi lại không thông báo cho xã, nên khi cơ sở bị xử phạt đoàn kiểm tra không gửi Quyết định xử phạt của cơ sở về thì xã cũng không nắm được.
Ngay sau đó, bà Nhiên – Phó Chủ tịch xã đã giao bà Quyên – Công chức văn hóa xã phụ trách lĩnh vực ATTP cùng PV đi thực tế cơ sở Hùng Đô. Tại cơ sở Hùng Đô, rõ ràng được bà Quyên giới thiệu PV đến làm việc tìm hiểu, xác minh phản ánh việc cơ sở hoạt động gây ô nhiễm môi trường, sản xuất không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tuy nhiên thay vì phối hợp làm việc cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định, tại đây ông Phí Văn Luận (Giám đốc công ty TNHH HUDOCO Việt Nam), bà Đỗ Thị Thắng (chủ cơ sở Hùng Đô) và ông Phạm Minh Tuấn người được giới thiệu là cổ đông chính cơ sở Hùng Đô và là chủ nhà đã bất hợp tác làm việc với PV và luôn nói rằng PV không đủ thẩm quyền làm việc, các cơ quan chức năng của huyện, thành phố mới đủ thẩm quyền làm việc với cơ sở, việc báo cứ phản ánh, cơ sở sai phạm chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ông Phí Văn Luận – Giám đốc cty TNHH HuDuCo (ngoài cùng bên trái) và ông Phạm Minh Tuấn (ngồi giữa) người tự giới thiệu là cổ đông chính cơ sở Hùng Đô và là chủ nhà có lời lẽ thiếu chuẩn mực bất hợp tác, thách thức báo chí
Trước sự bất hợp tác của cơ sở, PV đã ra về, tuy nhiên, có điều khiến chúng vô cùng khó hiểu và đặt nhiều nghi vấn đối với hành động của bà Quyên – Công chức văn hóa xã, khi biết PV ra về, nhưng phải ở ngoài chờ một lúc lâu, sau đó bà Quyên mới ra khỏi cơ sở, không hiểu bà này ở lại có điều gì cần “thì thầm” với chủ cơ sở? Phải chăng bà Quyên được lãnh đạo xã Minh Khai giao đi cùng PV, chỉ là diễn viên đóng thế để nhắc nhở cơ sở vi phạm, bất hợp tác làm việc với báo chí nhằm che giấu các sai phạm của cơ sở này, cũng như năng lực quản lý yếu kém của bộ máy lãnh đạo xã Minh Khai.
Bà Đỗ Thị Quyên – Công chức văn hóa xã Minh Khai có nhiều biểu hiện che dấu cho cơ sở Hùng Đô hoạt động vi phạm pháp luật về môi trường, đất đai, xây dựng và Luật ATTP
Tại đây, theo ghi nhận của PV, ngay dốc đê khu vực Đầm Quán cơ sở Hùng Đô đang lấn chiếm lòng lề đường để tập kết các Pallet, nhà xưởng lụp xụp, không có biển báo, những làn khói đen kịt tiếp tục vô tư xả thải vô tội vạ ra môi trường, trước sự bất lực của chính quyền xã Minh Khai và huyện Hoài Đức.
Cơ sở nước ngọt Hùng Đô lấn chiếm dốc đê Đầm Quán để tập kết trái phép. Trước sự bất lực của chính quyền xã Minh Khai
Việc để cơ sở Hùng Đô hoạt động nhiều không suốt nhiều năm qua: không hồ sơ môi trường, không giấy phép xây dựng, không giấy phép khai thác nước, giấy phép xả thải… vi phạm luật đất đai khiến người dân địa phương hết sức bất bình.
Trách nhiệm lãnh đạo huyện Hoài Đức và các đơn vị liên quan đến đâu? cơ sở Hùng Đô có bị xử phạt và đình chỉ hoạt động hay không?
Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong bài tiếp theo.
Đại Cát – Thùy Dương