Thẩm phán Trương Việt Toàn xét hỏi các bị cáo trong vụ Mobifone mua AVG
Phiên tòa xét xử hai cựu bộ trưởng liên quan đến vụ AVG được dư luận đặc biệt quan tâm không chỉ vì số lượng quan chức bị truy tố mà vì đây là vụ đưa và nhận hối lộ lớn nhất được đưa ra ánh sáng.
Tuy nhiên, bài viết này không bàn đến hành vi của hai ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn vì báo chí và mạng xã hội đã bình luận nhiều. Người viết muốn nói đến một khía cạnh khác, đó là cách làm việc của các thẩm phán.
Trong phiên xử ngày 17/12 vừa qua, khi bị cáo Nguyễn Bắc Son khai: “Thưa quý tòa, ở cơ quan điều tra tôi khai đúng như thế nhưng mà sau này tôi mới hiểu được điều đó. Còn thời điểm mà chúng tôi phê duyệt thì chúng tôi nghĩ là... chúng tôi đã làm đúng theo quy định rồi. Bởi vì...”
Thẩm phán Trương Việt Toàn cắt lời bị cáo, cao giọng: “Ai cũng nói là tại thời điểm ấy tôi chả hiểu cái gì cả. Nhưng mà tôi vẫn chễm chệ ngồi ở cái ghế bộ trưởng với cả chủ tịch hội đồng thành viên. Ai cũng bảo là tôi chả hiểu gì cả”.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son: “Vâng!”.
Thẩm phán Trương Việt Toàn vẫn cao giọng mắng: “Nhưng mà chả hiểu thì làm bộ trưởng làm gì!”.
Hành vi của bị cáo Nguyễn Bắc Son là không thể chấp nhận, nhưng theo pháp luật, ông Son chỉ có tội khi toà đã tuyên án.
Cách nói đó, có thể làm cho người nghe “đã đời” nhưng luật pháp là luật pháp, những người đại diện buộc phải tuân theo một cách công bằng, khách quan nhất với một cách hành xử chuyên nghiệp.
Lời nói của thẩm phán Toàn tại phiên tòa đang là tâm điểm của dư luận khiến không ít người ngao ngán đặt câu hỏi: Án xử quan chức và là án điểm mà còn thế, các vụ án khác đang diễn ra hàng ngày ở các tòa địa phương thì thế nào?
Chắc trong chúng ta có nhiều người chưa quên vụ ly hôn của vợ chồng “vua” cà phê Trung Nguyên. Nhiều cơ quan báo chí đã lên tiếng, lên án sự thiếu công tâm trong xét xử sơ thẩm. Trong đó, cách điều hành của thẩm phán đã gây “bão” dư luận.
Theo tường thuật của báo chí, chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Văn Xuân từng nói với nguyên đơn Lê Hoàng Diệp Thảo: “Bây giờ chị rút đơn về trông coi quản lý tài sản. Lợi tức chị giữ, bàn giao công việc cho ông Vũ... Con chị trưởng thành rồi. Ông Vũ sẽ bổ nhiệm con, sau đó nó sẽ quản lý luôn. Chị vừa giữ gia đình, sau này có tài sản. Cháu lớn gần 20 tuổi, học nước ngoài đủ gánh vác. Chị sống như bà hoàng”.
Về câu nói này của thẩm phán Xuân, ông Vũ Phi Long - nguyên thẩm phán TAND TP.HCM đánh giá là không phù hợp: “Chuyện của đương sự là của đương sự. Hội đồng xét xử là người đứng ở vị trí trung lập để tìm hiểu, lắng nghe các bên và đưa ra phán quyết, chứ không thể nói thay cho ý chí của bên nào”.
Còn chúng ta, những người bình thường, nghe những lời nói đó không thể tránh khỏi cảm giác ông Xuân là bố, là bề trên trong gia đình của vợ chồng đương sự.
Một người đang cầm cân nảy mực ở phiên tòa, sao lại có quyền khuyên bảo, dạy dỗ người phụ nữ lùi “về hậu phương” nhường lại quyền điều hành cho chồng để sống như “bà hoàng” được.
Đó là mới nói đến quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp chứ chưa nói đến trình độ chuyên môn của thẩm phán. Còn nhớ, tại phiên sơ thẩm vụ án xe container đâm xe Innova đi lùi trên cao tốc Thái Nguyên, người dự phiên tòa đã phản ứng thế nào trước những câu hỏi liên quan đến Luật GTĐB của thẩm phán.
Có thể kể ra đây nhiều ví dụ khác về sự “thiếu chuyên nghiệp” của các thẩm phán, mà khi báo chí tường thuật trực tiếp hoặc các video ghi lại phiên xét xử lan truyền trên mạng xã hội phần nào khiến người xem mất niềm tin vào công lý.
Công lý ở đâu xa, chủ tọa phiên tòa, lời tuyên án của Hội đồng xét xử chính là công lý. Vậy nên, nếu họ thể hiện sự thiên lệch, thiếu khách quan ngay trong ngôn từ điều hành, xét hỏi cùng với quan điểm áp đặt thì rất khó có niềm tin về một phán quyết công bằng.
Thẩm phán, họ phải nhân danh công lý, chứ nhất định không phải là… bố mẹ hay bề trên của bị cáo, của đương sự để mà dạy dỗ. Thẩm phán nhất định không được ngồi nhầm vai.