Ngày 2-12, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội nghị “Đối thoại với các doanh nghiệp quảng cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023”. Hội nghị nhằm lắng nghe các ý kiến đóng góp cho dự thảo Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn Hà Nội.
Quang cảnh hội nghị.
Dự thảo Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội có 3 chương, 36 điều. Trong đó có những nội dung quy định về khu vực không được phép quảng cáo và khu vực hạn chế quảng cáo.
Theo đó, những khu vực không được quảng cáo gồm: Khu vực Quảng trường Ba Đình; các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, di tích có trong danh mục kiểm kê của thành phố, di tích cách mạng kháng chiến; trụ sở cơ quan Đảng, nhà nước các cấp, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, doanh trại quân đội, trụ sở công an; đại sứ quán các nước; khu vực phạm vi hành lang an toàn đường bộ; đất của đường bộ khu vực ngoài đô thị; các tầng là nhà ở thuộc công trình cao tầng.
Khu vực hạn chế quảng cáo gồm: Khu vực phố cổ; trên mặt các hồ nước của thành phố. Trên thân các cột đèn chiếu sáng đô thị được thực hiện băng rôn dọc, bảng hộp đèn.
Khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Quảng trường 19-8; Quảng trường 1-5; Trung tâm Hội nghị Quốc gia; các quảng trường, công viên thuộc thành phố và quận, huyện, thị xã; ngã 5 Cửa Nam... được thực hiện hình thức quảng cáo ứng dụng công nghệ hiện đại, văn minh, sử dụng ánh sáng điện, đèn điện tử.
Nhiều biển quảng cáo ngoài trời hiện không bảo đảm an toàn, gây mất mỹ quan đô thị. Ảnh minh họa.
Những công trình quảng cáo đứng độc lập (quảng cáo tấm lớn, có diện tích dưới 40m2) thực hiện theo Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố.
Với quảng cáo tại công trình nhà ở, không được quảng cáo trên nóc nhà hoặc che lấp nóc nhà trừ bảng quảng cáo bằng chữ, hình, biểu tượng. Bảng quảng cáo lắp đặt tại mặt tiền các công trình nhà ở phải bảo đảm mỗi tầng được đặt 1 bảng quảng cáo ngang và 1 bảng quảng cáo dọc liền kề biển hiệu (nếu có); tổng diện tích các bảng quảng cáo tối đa không quá 50% diện tích mặt bên công trình, nhà ở tại vị trí đặt bảng.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp nêu ý kiến về những bất cập, khó khăn cho hoạt động quảng cáo hiện nay.
Đa số cho rằng, những quy định, cơ chế cho hoạt động quảng cáo vẫn chưa nhất quán giữa địa phương với cơ quan quản lý cấp phép. Nhiều biển quảng cáo tấm lớn ở ngoại thành đang gây mất mỹ quan đô thị; không ít biển quảng cáo tồn tại 10 năm, đến nay đã không bảo đảm về kết cấu, có thể gây nguy hiểm cho khu vực dân cư; việc tạm dừng chấp thuận cho hoạt động quảng cáo tấm lớn chưa có điều chỉnh mới khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn…
Để hoạt động quảng cáo hiệu quả, có thể đạt được cả yếu tố thẩm mỹ lẫn hiệu quả kinh doanh, nhiều doanh nghiệp cho rằng, cần có quy hoạch rõ ràng những khu vực được quảng cáo với quy mô, kích thước và màu sắc khác nhau; có cơ chế chính sách, hướng dẫn linh hoạt hơn cho các đơn vị quảng cáo; việc quy định kích thước biển quảng cáo cần theo thực tế của từng khu vực để hoạt động này mang lại hiệu quả.
Các doanh nghiệp cũng cho rằng, cần có quy định và cơ chế cho loại hình quảng cáo điện tử, đền LED…
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đỗ Đình Hồng cho rằng, tại Hà Nội, quảng cáo là hoạt động quan trọng để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô, nhưng thực tế lĩnh vực này vẫn chưa mang lại hiệu quả cả về yếu tố thẩm mỹ, tuyên truyền và lợi nhuận.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục lắng nghe những ý kiến đóng góp của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam và Hà Nội, các doanh nghiệp, sau đó sẽ báo cáo thành phố để bổ sung các quy định nhằm giúp lĩnh vực này phát triển hiệu quả, bền vững hơn.
Hoàng Lân - Hà Nội mới