Vậy, đâu là giải pháp để chính sách đi vào thực tiễn, giải quyết bài toán kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô?
Dây chuyền sơ chế thịt gia cầm tại Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ). Ảnh: Đỗ Tâm
Chi phí đầu tư lớn
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 730 cơ sở giết mổ đang hoạt động, trong đó có 106 cơ sở được cấp phép. Đối với 624 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ còn lại và hàng nghìn hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, có không ít hộ giết mổ tại nhà, gây ô nhiễm môi trường.
Để giải quyết vấn đề này, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17-2-2020 phê duyệt “Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố”. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, có 29 cơ sở giết mổ tập trung được xây dựng tại 14 huyện, thị xã. Tuy nhiên, đến nay, thành phố mới có 11 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch được đầu tư và đi vào hoạt động. Ngoài ra, nhiều dự án vẫn đang triển khai dang dở,...
Điển hình là Dự án xây dựng hạ tầng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Bình Minh (huyện Thanh Oai). Dự án được thành phố phê duyệt cuối năm 2012 với quy mô 4,2ha, tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Đến năm 2017, dự án hoàn thành xây dựng hạ tầng, nhưng do chính sách liên quan đến công tác quản lý đất đai thay đổi, khiến dự án đến nay vẫn bị “đắp chiếu”. Về nguyên nhân, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, sau khi UBND thành phố ban hành Quyết định số 4979/QĐ-UBND (ngày 5-11-2020) phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án, UBND huyện đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện triển khai thực hiện. Song, việc đấu giá không làm được do chưa có nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm. Hiện tại, Quyết định số 4979/QĐ-UBND đã hết hiệu lực 12 tháng kể từ ngày ban hành.
Lý giải tình trạng khó thu hút nguồn lực đầu tư cơ sở giết mổ tập trung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, để xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, các địa phương cần thực hiện rất nhiều thủ tục, như: Thu hồi, giải phóng mặt bằng, đấu giá, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cần kinh phí rất lớn, nên khó kêu gọi nhà đầu tư. Ngoài ra, cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) Bùi Quang Vinh, việc đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung cần nguồn vốn rất lớn, nhất là hạng mục xử lý chất thải. Hơn nữa, các điểm giết mổ nhỏ lẻ chiếm số lượng lớn, gây sức ép về giá thành cho các cơ sở tập trung vốn có chi phí đầu tư cao.
Tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp
Hiện Hà Nội mới kiểm soát được 60% lượng thịt gia súc, gia cầm tiêu thụ trên thị trường, còn lại là do các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ cung cấp. Do đó, việc xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung là rất cần thiết.
Theo Giám đốc Công ty cổ phần Thịnh An (huyện Thanh Trì) Nguyễn Anh Tuấn, để thu hút được doanh nghiệp đầu tư, các ngành chức năng cần kiểm soát tốt, tiến tới xóa bỏ cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, tạo điều kiện cho cơ sở giết mổ tập trung hoạt động. Mặt khác, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào giết mổ tập trung xây dựng nhà máy xử lý chất thải.
Còn Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch cho rằng, các cơ quan chức năng cần tham mưu thành phố có chính sách miễn tiền thuê đất trong 1-2 năm đầu; có cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng... Bên cạnh đó, đề nghị thành phố cho các huyện xây dựng cụm, điểm công nghiệp riêng cho chế biến, bảo quản nông sản, trong đó có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung…
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thị xã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Thành phố cũng tiếp tục tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án; sớm hoàn thành mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, đưa hoạt động này vào nền nếp, cung cấp nguồn thực phẩm sạch ra thị trường.
“Để làm tốt công tác kiểm soát giết mổ, bảo đảm thịt gia súc, gia cầm đưa ra thị trường tiêu thụ an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và phát huy hiệu quả các lò giết mổ tập trung, các địa phương cần đẩy mạnh công tác vận động, di dời cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào cơ sở giết mổ tập trung; đồng thời, nâng cấp các hạng mục công trình bị xuống cấp ở cơ sở giết mổ tập trung, bảo đảm về tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định vệ sinh thú y, vệ sinh, an toàn thực phẩm…”, ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.
Ngọc Quỳnh - Hà Nội mới