Kỳ cuối: Nghị định 15 “liều thuốc" đặc trị cho đối tượng đăng không đúng sự thật trên mạng xã hội

25/05/2020 16:07

Kinhte&Xahoi Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hành vi thông tin sai sự thật, giật gân, câu like trên các trang mạng xã hội không chỉ làm nhiễu loạn thông tin, tạo tâm lý hoang mang mà còn gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.

Gần 1000 trường hợp tung tin sai sự thật đã bị xử lý, nhưng có lẽ từ khi Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, thì đây được coi như một “liều thuốc” đặc trị những đối tượng này...

Theo một số chuyên gia pháp luật, hành vi tung tin thất thiệt không chỉ làm nhiễu loạn thông tin, tạo tâm lý hoang mang mà còn gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, các chuyên gia cho rằng, cần xử lý kiên quyết việc đưa thông tin sai sự thật liên quan đến dịch Covid-19, không chỉ xử lý hành chính mà cần xử lý hình sự để răn đe.

Chế tài đủ sức răn đe

Luật sư Nguyễn Thanh Hoàng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Căn cứ khoản a điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện (thay thế Nghị định 174/2013) có hiệu lực từ tháng 4-2020, người nào cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, người đó phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

Luật sư Nguyễn Thanh Hoàng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: "Mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù, phạt tiền cao nhất lên đến 200 triệu đồng..."

Căn cứ, Nghị định 15/2020/NĐ-CP nếu người nào lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt, xâm hại tổ chức, cá nhân và gây hoang mang dư luận ở mức độ nặng, gây thiệt hại nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự.

Việc một số đối tượng tung tin đồn về dịch Covid -19, Luật sư Hoàng cho rằng nên chăng cần phải xử lý hình sự, bởi vì cả nước đang chung tay chống dịch thì một số người tung tin sai sự thật gây ảnh hưởng lớn cho xã hội. “Trong trường hợp, nếu xác định người tung tin sai sự thật trên mạng có tính chất vu khống thì có thể xử lý theo quy định tại Điều 156, Bộ luật Hình sự. Người phạm tội vu khống có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm tù, ngoài ra phải bồi thường dân sự”, Luật sư Hoàng nhấn mạnh.

Theo luật sư Hoàng, ngày 30-3, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao vừa có hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại điều 288.

Ở tội danh này, mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù, phạt tiền cao nhất lên đến 200 triệu đồng.

"Người có hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174. Mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù, phạt tiền cao nhất lên đến 200 triệu đồng", Luật sư Hoàng nhấn mạnh.

Nghị định 15/2020/NĐ-CP là cơ sở pháp lý quan trọng

Trung tá Nguyễn Tiến Đạt, Phó trưởng CA quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: Theo điểm d, khoản 1, Điều 8 Luật An ninh mạng 2018 nghiêm cấm hành vi sử dụng không gian mạng để “thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”.

Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, Trung tá Nguyễn Tiến Đạt nhấn mạnh, luật quy định có một số hành vi chỉ xử lý hình sự khi trước đó đã xử lý hành chính về cùng hành vi đó.

Tùy từng hành vi tung tin thất thiệt trên mạng đó xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Bộ thông tin và truyền thông, Sở Thông tin và truyền thông, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch… sẽ có trưng cầu xác định mức độ nguy hiểm rồi đề nghị cơ quan công an xử lý hình sự; nếu không thì sẽ xử lý hành chính. "Đáng chú ý một số trường hợp gần đây lợi dụng dịch bệnh Covid-19 đăng tin thất thiệt trên mạng gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đó là hành vi nguy hiểm đối với xã hội, sẽ xem xét để xử lý hình sự", Trung tá Nguyễn Tiến Đạt nhấn mạnh.

Trung tá Nguyễn Tiến Đạt, Phó trưởng CA quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: Người dân cần hết sức bình tĩnh, sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin...

Có thể thấy, những thông tin sai sự thật liên quan đến dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua đã có nhiều tác động tiêu cực đối với dư luận xã hội và tâm lý của người dân đặc biệt là gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự.

“Vì vậy, người dân cần hết sức bình tĩnh, sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin, theo dõi sát thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh; không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh, kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật. Các trường hợp lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây hoang mang dư luận, CATP sẽ điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự”, Trung tá Nguyễn Tiến Đạt, Phó trưởng CA quận Đống Đa, Hà Nội cảnh báo.

Ở Việt Nam hiện nay, có khoảng 60 triệu tài khoản facebook, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ra đời cho thấy quyết tâm của chính phủ chống lại vấn nạn tin giả, tin sai sự thật trên môi trường mạng.

Theo nhận định, khi dịch bệnh Covid qua đi thì vấn nạn tin giả, tin sai sự thật cũng sẽ dần hết. Tuy nhiên, trong thời gian tới nhiều sự kiện lớn của đất nước như Đại hội Đảng toàn quốc, Quốc khánh 2-9, Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội... và những đối tượng phản động thường lợi dụng những việc trọng đại này, để tung tin giả, tin sai sự thật. Nghị định 15/2020/NĐ-CP vì thế vẫn tiếp tục là cơ sở pháp lý quan trọng để chúng ta xây dựng một không gian mạng lành mạnh, an toàn, vì một xã hội phát triển văn minh.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chống hàng giả, hàng nhái: Quy định chưa theo kịp thực tế

Dịch Covid-19 được khống chế, mọi sinh hoạt của người dân trở lại bình thường cũng là lúc tình trạng buôn lậu hàng giả, hàng nhái nóng trở lại. Chỉ trong tuần qua, các lực lượng chức năng liên tục bắt giữ nhiều vụ sản xuất, tiêu thụ hàng giả, nhái nhãn hiệu quốc tế và hàng Việt.

Tiền bẩn đâm toạc lương tâm

Những ngày qua, dư luận xã hội đang rất “nóng” với hai phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo từng là cán bộ công an, thầy cô giáo trong ngành giáo dục của 2 tỉnh Sơn La và Hòa Bình. Thay vì có thái độ ăn năn hối cải, phục thiện, nhiều bị cáo vẫn trâng tráo cho rằng hành vi đưa - nhận hối lộ để nâng điểm cho thí sinh là bình thường.

Link bài gốc https://phapluatxahoi.vn/ky-cuoi-nghi-dinh-15-lieu-thuoc-dac-tri-cho-doi-tuong-dang-khong-dung-su-that-tren-mang-xa-hoi-193716.html