Hình ảnh vị cán bộ phản ứng khi bị kiểm soát y tế
Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về cách ly xã hội, hàng ngàn người vi phạm đã bị xử phạt. Điều đáng buồn là trong số đó có một số cán bộ vi phạm, đã không thực hiện trách nhiệm nêu gương, mà còn có hành vi “quậy phá”, thậm chí việc vi phạm gián tiếp dẫn đến những hậu quả gây chết người. Trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều ý kiến cho rằng với các đối tượng là cán bộ vi phạm thì càng phải xử lý nghiêm.
Hàng loạt vụ vi phạm
Tại Phú Yên, Ban Thường vụ Huyện ủy Sơn Hòa vừa họp, chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện kiểm điểm, xử lý nghiêm với 4 cán bộ chủ chốt của xã Cà Lúi vi phạm quy định về cấm uống bia rượu và quy định về phòng chống dịch. Đó là các ông Kpá Y Tự, PCT HĐND xã; So Y Hải, PCT UBND xã; Y Min, PCT UBMTTQ xã và Phạm Đăng Khoa, Trưởng Công an xã.
Trưa 1/4, ngày đầu tiên cả nước thực hiện chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch, ông Y Tự tổ chức ăn cơm trưa tại nhà, 4 cán bộ xã này có uống bia.
Vụ việc được người dân điện thoại đến đường dây nóng của Sở Nội vụ Phú Yên phản ánh. Ngay sau đó, Tổ công tác của Phòng Nội vụ huyện đã đến nơi, lập biên bản quả tang 4 cán bộ trên sử dụng bia, vi phạm Chỉ thị 23-CT/TU ngày 3/6/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; trong đó có việc cấm cán bộ uống bia, rượu vào giờ nghỉ trưa của ngày làm việc hành chính. Bốn cán bộ này cũng vi phạm các quy định về phòng chống dịch Covid-19 theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg.
Tại Bình Phước, ông Lưu Văn Thanh, PCT HĐND huyện Hớn Quản cũng làm “dậy sóng” dư luận khi phản ứng, bất hợp tác, có những hành vi đập bàn quát tháo với tổ công tác khi bị dừng xe để kiểm soát y tế. Sau khi tỉnh họp báo công bố quyết định tạm đình chỉ công tác để chờ bước xử lý tiếp theo, ông Thanh đã có đơn xin từ chức và đơn xin thôi làm đại biểu HĐND huyện khóa XI, nhiệm kỳ 2016-2021.
Một trường hợp dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nhất, là trong thời gian giãn cách xã hội, 9 cán bộ giảng viên của ĐH Ngân hàng TP HCM vẫn tụ tập uống nhiều rượu, bia tại một căn nhà. Sau khi “cuộc nhậu” chấm dứt, Tiến sĩ, Luật sư Bùi Quang Tín bị cho là rơi lầu tử vong. Vụ việc gây ồn ào không chỉ vì người nhà ông Tín sau đó có đơn cho rằng đây là một vụ án mạng và sau đó công an đã vào cuộc điều tra.
Dư luận còn thắc mắc đây là 9 cán bộ, nhà giáo, vì sao lại không tuân thủ trách nhiệm nêu gương, không nghiêm túc thực hiện quy định giãn cách xã hội? Trong một cuộc họp mới đây, nhắc lại trường hợp này, PCT UBND TP HCM ông Lê Thanh Liêm đã nhắc nhở cán bộ công viên chức TP: “Các đồng chí hết sức chú ý, tự giữ cho mình, cho gia đình và cộng đồng”.
Cần lên án, xử lý nghiêm
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, với các trường hợp trên, cơ quan thẩm quyền cần xử lý nghiêm theo pháp luật.
Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Ông Tiến nói: “Trong khi cả nước đang thực hiện lệnh giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng thì một số cán bộ lại vi phạm dẫn đến chết người; Phó Chủ tịch HĐND huyện lại lớn tiếng phản ứng người thi hành công vụ tại chốt kiểm tra y tế là điều cần lên án, phải xử lý nghiêm.
Một công dân bình thường nếu có hành động như thế đã là sai rồi, mà ở đây là cán bộ, thầy giáo, đại biểu dân cử, một đảng viên lại đi chống đối lại chủ trương của Đảng, Nhà nước. Đáng lẽ những người này ngoài việc gương mẫu chấp hành thì còn phải tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân”.
Về việc Phó Chủ tịch HĐND huyện Hớn Quản đã biết lỗi, gửi thư xin lỗi trên mạng và viết đơn xin từ chức, theo ông Tiến, về mặt quy trình xử lý cán bộ thì không hề đơn giản như thế, không phải gây hậu quả rồi anh xin lỗi, từ chức là được.
“Cũng giống như một vị ĐBQH cách đây một thời gian xin từ chức là không được mà Quốc hội phải bãi nhiệm bởi vị này vi phạm pháp luật”, ông Tiến nói và cho biết, vị Phó Chủ tịch HĐND huyện này cũng tương tự, vì nằm trong một đơn vị dân cử, có chức vụ nên các cơ quan chức năng cần tiến hành bãi nhiệm và cách chức, xử lý theo quy trình. Ngoài ra, nếu là cán bộ, là đảng viên thì phải có hình thức trong Đảng. “Như thế mới đem lại sự nghiêm minh”, ông Tiến nói.
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Huy Long (Giám đốc Công ty Legal Gate Việt Nam) cho rằng, với hành vi tranh cãi, đập bàn, không chấp hành yêu cầu kiểm tra thân nhiệt của Phó Chủ tịch HĐND huyện Hớn Quản chưa đủ điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Nguyễn Huy Long Giám đốc công ty Luật Legal Gate Việt Nam
Về việc xin từ chức, xin thôi làm đại biểu HĐND, LS Long cho biết, theo quy định tại Điều 84 Luật Tổ chức chính quyền địa phương: “Người được HĐND bầu nếu vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác mà không thể tiếp tục thực hiện được nhiệm vụ thì có thể xin từ chức”.
Và Điều 78 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định cán bộ vi phạm quy định của Luật Cán bộ, công chức và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây: Khiển trách; Cảnh cáo, Cách chức, Bãi nhiệm.
“Như vậy, trong trường hợp này, tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi, ông Lưu Văn Thanh có thể được từ chức hoặc bị miễn nhiệm hoặc bị bãi nhiệm theo quyết định của HĐND. Đồng thời, HĐND cũng có quyền bãi nhiệm đại biểu HĐND huyện của ông Thanh hoặc chấp nhận việc ông Thanh xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu”, LS Long nêu ý kiến.
Liên quan lĩnh vực, chiều 15/4, TAND TP Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “Chống người thi hành công vụ” liên quan đến việc thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Hai bị cáo là Nguyễn Công Trinh (SN 1983) và Kiều Văn Thanh (SN 1970, cùng ngụ TP Gia Nghĩa).
Cáo trạng thể hiện, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, UBND phường Nghĩa Thành đã ban hành kế hoạch, quyết định thành lập Đoàn kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định cách ly xã hội trên địa bàn phường.
Tối 9/4, Đoàn kiểm tra đi tuần tra, kiểm tra trên địa bàn. Khi đến quán cà phê Bâng Khuâng (ở tổ dân phố 4, phường Nghĩa Thành), Đoàn kiểm tra phát hiện trong quán đang tập trung nhiều người không đeo khẩu trang. Trong đó, có 4 người trải chiếu đánh bài, còn những người khác ngồi uống nước trong quán.
Nhận thấy quán không thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16, Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính “Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người” với chủ quán là bà Phan Thị Kim Chi (SN 1987).
Trong quá trình lập biên bản, Nguyễn Công Trinh (chồng bà Chi) và Kiều Văn Thanh (chủ nhà cho thuê mặt bằng) đang nhậu ở dưới nhà đi lên. Ông Thanh yêu cầu ông Đặng Văn Trường (cán bộ Công an phường Nghĩa Thành) đọc lại biên bản và bảo bà Chi không được ký vào.
Tuy nhiên, sau đó bà Chi ký vào biên bản và đưa lại cán bộ phường Nghĩa Thành. Ông Trinh bất ngờ lao vào giật lấy biên bản rồi xé rách. Cùng lúc, ông Thanh cũng lao vào dùng tay đấm vào mặt người thi hành công vụ, khiến cán bộ công an ngã xuống nền nhà.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trinh 9 tháng tù giam; Thanh 12 tháng tù giam về tội “Chống người thi hành công vụ”.