Ăn cơm 10.000 đồng, tận dụng đồ ăn thừa
Vừa quay trở lại với công việc làm thêm ở một nhà hàng tiệc cưới chưa được 2 tháng sau gần nửa năm mất việc thì "bão" Covid-19 quay trở lại, Phạm Võ Như Phương, sinh viên năm 3, Trường ĐH Sài Gòn, quê ở Bến Tre một lần nữa đối diện với đủ bề khó khăn.
Bữa ăn của Phương và bạn cùng phòng... có thêm thịt cô mang từ chỗ làm thêm về
Mỗi ngày Phương làm việc 6 tiếng vào buổi tối, mức thu nhập 130.000 đồng/ngày. Mới đây, nhà hàng cắt giảm nhân sự, Phương may mắn được giữ lại nhưng giờ làm giảm 50% kéo theo thu nhập giảm mạnh.
Trước đó, từ sau Tết, nhà hàng đóng cửa, Phương mất việc làm, không có thu nhập, cầm cự đã gần đuối sức. Giờ đi làm trở lại, tiền làm thêm được khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, vừa đủ cho cô đủ trả tiền nhà trọ.
Ngoài tiết kiệm, Phương cũng tăng cường "tận thu" từ mọi nguồn. Vỏ lon, chai, bao bì ở xóm trọ... Phương nhặt, gom dồn lại để bán ve chai. Mỗi lần không được bao nhiêu nhưng lúc này, được đồng nào hay đồng ấy.
Mọi chi tiêu sinh hoạt hàng ngày phụ thuộc vào khoản trợ cấp 1 triệu đồng từ gia đình. Phương phải áp dụng cách tiết kiệm tối đa, mà với sinh viên thì... cũng chỉ biết "xén"vào bữa ăn.
Lúc trước, bữa ăn của Phương tính ra khoảng 25.000 đồng, nay cắt mạnh xuống chỉ trong 10.000 đồng bữa, cả phòng cùng áp dụng.
Mâm cơm nhiều tháng qua của họ chủ yếu là trứng, đậu hũ thay phiên với đĩa rau.
Như Phương kiểm tra lại hạn sử dụng của những gói mỳ để cân đối chi tiêu
Phương ngồi nhặt mớ cải chị phòng bên vừa cho để muối, tăng thêm đồ ăn cho cả phòng, cười: "Lâu lâu, chỗ nhà hàng mình có thức ăn thừa, mình được mang về thì bữa cơm đầy đủ hơn, có thêm cá thêm thịt. Cả phòng như có tiệc".
Ngày ăn hai bữa, cắt mọi chi tiêu
Cùng chung khu trọ với Phương, Hồ Lê Bảo Ngọc, sinh viên trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn, vài tháng nay cũng chật vật vì thu nhập làm thêm tại một cửa hàng bán quần áo bị giảm mạnh so với trước dịch Covid-19.
Để duy trì, Ngọc cắt giảm chi tiêu, đặt thực đơn bữa ăn cũng chỉ tầm 10.000 -15.000 đồng. Bữa cơm hàng ngày của Ngọc ngày nào cũng quay đi quẩn lại là rau luộc, trứng. Nhiều khi "tặc lưỡi", ăn cơm trắng chan xì dầu, muối vừng cũng qua bữa.
Khẩu phần ăn 10.000 đồng quen thuộc của Ngọc trong nhiều tháng qua.
“Bữa cơm toàn rau nhưng thật ra đến rau cũng phải điều tiết. Vì rau giờ cũng đắt, mua ít loại rau đã mấy chục nghìn rồi", Ngọc cho hay.
Từ lâu, cô không sắm sanh một thứ gì và cũng hạn chế gặp gỡ bạn bè để tránh những chi phí phát sinh.
"Đến bữa ăn cho chính bản thân mình còn phải đắn đo, tính toán thì... cắt giảm những thứ khác là điều không thể tránh", Ngọc nói.
Ngọc biết, cách cắt các nhu cầu cơ bản không phải là điều hay. Nhưng với sinh viên, chưa có nguồn thu nhập chính thức, công việc làm thêm còn bấp bênh, còn cần sự hỗ trợ của bố mẹ, trong khi bố mẹ ở quê cũng khó khăn thì tiết kiệm cách được ưu tiên để tồn tại trong những thời điểm khó khăn.
Đã hoàn thành chương trình học, nhưng đang chờ ngày tốt nghiệp, chưa được cấp bằng nên, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Trường Đại học Sài Gòn vẫn chưa chính thức xin việc đúng chuyên ngành.
Hạnh làm phục vụ tại cửa hàng thức ăn nhanh nhưng cũng bị cắt giờ làm, thu nhập. Mỗi tuần, được phân công làm 15 giờ, tiền công mỗi giờ 24.000 đồng.
Để duy trì thời điểm khó khăn này, Hạnh cắt giảm chi tiêu tối đa. Khi có thời gian, Hạnh ở nhà nấu ăn đơn giản, có rau có trứng, theo cô vẫn đảm bảo dinh dưỡng. Khi đi làm không có thời gian Hạnh mua cơm chay 10.000 đồng dành cho sinh viên.
Mua rau, Hạnh cũng phải cân nhắc chọn loại nào có giá rẻ nhất .
Hạnh cũng đang tích cực tìm công việc làm thêm khác nhưng lúc này nhiều dịch vụ cắt giảm, tìm việc làm không hề dễ.
Trong thời gian này, Hạnh tranh thủ ôn lại các kĩ năng và kiến thức đã được học để củng cố cho công việc sau khi ra trường. Bên cạnh đó, cô vẫn vẫn cắt giảm tối đa chi tiêu để làm làm sao đủ tiền đóng trọ hàng tháng và sinh hoạt hàng ngày.
Thời gian qua, nhiều trường ĐH ở TPHCM như ĐH Ngân hàng, ĐH Ngoại ngữ Tin học, Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM... thông báo xét cấp học bổng, hỗ trợ đột xuất cho sinh viên hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nhưng số lượng sinh viên được hỗ trợ chưa "thấm tháp" vào đâu so với thực tế sinh viên đang đối mặt với muôn vàn khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.
Thúy Hằng - Theo Dân Trí