Nạn lừa bán vé máy bay giả: Ngăn chặn, giảm thiểu rủi ro cho người lao động
Kinhte&Xahoi
Cảnh báo vừa phát đi của Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTB XH) về tình trạng lừa đảo bán vé máy bay quốc tế về Việt Nam, một lần nữa gióng lên hồi chuông về vấn nạn vé máy bay giả cũng như việc lợi dụng tên miền, thương hiệu của các hãng hàng không Việt Nam để trục lợi. Với thủ đoạn tham gia vào các hội nhóm của người Việt ở ngoài nước, rao bán vé máy bay giá rẻ, các nhóm đối tượng đã lừa đảo được nhiều vụ, với tổng số tiền chiếm đoạt lên tới hàng trăm triệu đồng. Thậm chí, nhiều lao động Việt Nam đến ngày giờ lên máy bay về nước mới phát hiện ra vé giả và phải sống vất vưởng nhiều ngày để chờ mua vé lại.
Một website bán vé máy bay giả danh tên Vietnam Airlines. Ảnh: N.Văn
Từ lừa đảo mua vé máy bay qua mạng internet...
Trung tâm Lao động ngoài nước (COLAB) vừa phát đi cảnh báo về tình trạng lừa đảo vé máy bay xảy ra với người Việt đang làm việc tại Hàn Quốc. Cảnh báo dẫn thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cho hay, cơ quan hữu quan của nước này vừa gửi khuyến cáo phòng tránh việc vô tình hoặc cố ý vi phạm pháp luật liên quan tới người nước ngoài, trong đó có LĐ nước ngoài đang làm việc tại Hàn Quốc.
Theo đó, trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm có khoảng 36 nghìn người nước ngoài vi phạm pháp luật Hàn Quốc do không hiểu biết về luật pháp và quy định của Hàn Quốc. Những người phạm tội dù không cố ý cũng sẽ bị xử phạt, bị trục xuất và khó được xét nhập cảnh trở lại Hàn Quốc trong tương lai. Theo đó để phòng tránh liên lụy đến các vụ tội phạm, COLAB đưa ra nhiều khuyến cáo trong đó lưu ý người lao động phòng tránh lừa đảo mua vé máy bay. “Thời gian qua, do nôn nóng muốn mua vé máy bay về nước khi hết hạn hợp đồng hoặc về nước để phòng tránh dịch COVID-19 nên người lao động tại Hàn Quốc đã bị một số đối tượng lừa đảo mua vé qua mạng Internet, chiếm đoạt tiền. Do đó, người lao động cần liên hệ đại lý bán vé máy bay có địa chỉ chính thức, uy tín để được mua đúng giá và không bị lừa đảo” - COLAB cảnh báo.
Trước đó, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều lao động Việt Nam tại Nhật Bản cũng phản ánh bị lừa hàng tỉ đồng khi đặt mua vé về Việt Nam qua mạng. Theo phản ánh của số lao động này, đối tượng lừa đảo giới thiệu là giảng viên của một trường đại học danh tiếng tại Hà Nội, có nhiều quan hệ nên có khả năng mua được vé máy bay giá rẻ hơn nhiều các đại lý bán vé khác. Với cam kết trả hoa hồng từ 7,5-10%, đối tượng này tạo được một mạng lưới khách hàng đông đảo tại Nhật, thậm chí một số lao động còn đứng ra thu gom danh sách mua vé với tổng trị giá tiền lên đến cả tỉ đồng.
Tuy nhiên khi nhận được yêu cầu mua vé, đối tượng lừa đảo sẽ lợi dụng chính sách đặt vé, giữ chỗ trong vòng 24h để lấy mã đặt chỗ và chuyển cho khách hàng làm tin. Nhiều khách hàng lầm tưởng mình đã có vé sau bước này và nhanh chóng thanh toán 100% tiền cho đối tượng. Các đối tượng lừa đảo sau khi nhận tiền của khách hàng đã không thanh toán với hãng hàng không và để cho mã đặt chỗ tự hủy sau khi hết hạn.
Giữa năm 2019, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP.Hà Nội cũng nhận được thông tin từ Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) về một đường dây chuyên lừa bán vé máy bay cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài. Với thủ đoạn tham gia vào các hội nhóm của người lao động Việt Nam ở ngoài nước, rao bán vé máy bay giá rẻ, nhóm đối tượng đã lừa đảo được nhiều vụ, tổng số tiền chiếm đoạt lên tới hàng trăm triệu đồng. Thậm chí, một số lao động Việt Nam do tin tưởng các đối tượng nên không kiểm tra lại thông tin và cho đến ngày giờ lên máy bay mới phát hiện ra chưa hề đặt được vé và phải sống vất vưởng nhiều ngày để chờ mua vé lại.
Đến lợi dụng tên miền các hãng hàng không Việt
Không chỉ với đường bay quốc tế, ngay tại thị trường bay nội địa thời gian gần đây cũng liên tục xuất hiện tình trạng lợi dụng tên miền và thương hiệu của các hàng hãng không trong nước với mục đích bán vé.
Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, nhiều đại lý và cá nhân chuyên cung cấp vé máy bay hiện đang sử dụng nhiều tên miền rất giống với địa chỉ website chính thức của các hãng hàng không như https://vietnamairlinesvn.com, vnairlines.net, vietnamairslines.com, https://bambooairway.vn/, bambooaiirways.com… Trong khi đó, theo thông báo của 2 hãng này, mỗi hãng hiện chỉ có một địa chỉ duy nhất tại www.vietnamairlines.com và www.bambooairways.com. Việc các đại lý vé máy bay hay cá nhân sử dụng tên miền “na ná” website chính thức của các hãng hàng không được cho là nhằm mục đích tăng độ tin cậy với người có nhu cầu mua vé nhưng dễ khiến khách hàng hiểu lầm rằng đang liên hệ đặt dịch vụ trực tiếp với hãng. Hơn nữa, việc cùng lúc có nhiều website cùng sử dụng cụm từ VietnamAirlines hay Bamboo Airways cũng gây hoang mang cho các khách hàng khi có nhu cầu tìm mua vé máy bay.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện của Vietnam Airlines cho hay, thời gian gần đây hãng này đã nhận được thông tin về trường hợp khách hàng nhầm lẫn các website có dùng tên Vietnam Airlines. Để đảm bảo quyền lợi cho chính mình, Vietnam Airlines khuyến nghị khách hàng nên mua vé tại các kênh chính thức của hãng. Khi giao dịch tại các kênh bán vé khác, khách hàng nên tìm hiểu kỹ về đơn vị bán và cân nhắc trước khi giao dịch do có thể mua phải vé giả, vé bị nâng giá và không được đảm bảo các quyền lợi đi kèm như hoàn, hủy, đổi vé, thông báo thay đổi lịch bay, ưu đãi tích lũy dặm...
Ngoài ra, khách hàng còn có nguy cơ bị lộ các thông tin cá nhân, bao gồm thông tin thẻ tín dụng, trong trường hợp giao dịch tại các website giả mạo nhằm mục đích lừa đảo. Trong trường hợp khách hàng gặp vấn đề phát sinh sau khi giao dịch tại các kênh không chính thức của Vietnam Airlines, hãng khuyến nghị khách hàng thông báo cho Vietnam Airlines, đồng thời liên hệ với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Đối phó với thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi
Liên quan đến việc lừa đảo vé máy bay, đại diện Vietnam Airlines cho hay, ngoài thủ đoạn lợi dụng chính sách đặt vé, giữ chỗ trong vòng 24h để lấy mã đặt chỗ và chuyển cho khách hàng làm tin, nhiều đối tượng còn dùng thủ đoạn tinh vi hơn như vẫn tiến hành thanh toán, xuất vé cho khách, nhưng sau đó hoàn vé (hủy vé, không đi nữa) để nhận lại toàn bộ số tiền mua vé và chỉ phải chịu mất một khoản chi phí nhỏ làm thủ tục hoàn vé.
Nếu không trực tiếp kiểm tra với hãng hàng không, hành khách sẽ chỉ biết vé của mình không có hiệu lực khi làm thủ tục check-in tại sân bay hoặc check-in online trước giờ bay 24 tiếng đồng hồ. Cảnh báo người dân cần lưu ý các thủ đoạn trên, đại diện Vietnam Airlines cũng cho biết, mặc dù các thủ đoạn trên là phương thức chung, nhưng thực tế đối tượng lừa đảo sẽ biến tấu, thay đổi cách tiếp cận tùy mức độ hiểu biết của khách hàng. Theo ghi nhận, với các khách hàng ít hiểu biết về công nghệ, chúng có thể yêu cầu khách thanh toán vé máy bay bằng phần mềm chuyển tiền, đưa ra các hướng dẫn sai lệch và khi khách hàng gặp khó khăn, chúng sẽ đề nghị chuyển tiền trực tiếp cho chúng để chúng “giúp thanh toán”.
Để ngăn chặn và giảm thiểu những rủi ro với người mua vé, đại diện hãng Bamboo Airways cho biết, khách hàng và người dân có nhu cầu nên tham khảo thông tin và mua vé trên website chính thức của hãng hoặc các đại lý được hãng ủy quyền, không nên đặt mua vé trên các website không chính thức. “Bởi việc người dân mua vé máy bay qua các website không chính thức sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ và trong trường hợp này, hãng sẽ không chịu trách nhiệm với các rủi ro phát sinh khi người dân mua vé tại các website không chính thức của hãng” - đại diện Bamboo Airways cho biết.
Văn Nguyễn - Đặng Tiến