Nạn tảo hôn đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp
Kinhte&Xahoi
Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ) năm 2014 đã quy định tuổi kết hôn của nữ là đủ 18 tuổi, tuổi kết hôn của nam là đủ 20 tuổi. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định về tuổi kết hôn cho thấy tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra, dù cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp, giải pháp can thiệp.
Tránh tình trạng vận dụng tùy tiện
Điểm a Khoản 1 Điều 8 Luật HNGĐ 2014 quy định điều kiện về độ tuổi kết hôn của hai bên nam, nữ: “Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên”. Quy định này về cơ bản là sự kế thừa của pháp luật HNGĐ Việt Nam, góp phần làm cho việc kết hôn và quan hệ hôn nhân được lành mạnh, góp phần thực hiện tốt chức năng xã hội của hôn nhân.
Nạn tảo hôn vẫn diễn ra chủ yếu ở miền núi. (Ảnh minh họa).
Ở góc độ y tế, từ đủ 18 tuổi trở lên, cơ thể người phụ nữ mới trưởng thành về sinh lý và có thể mang thai, sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh. Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Phạm Thanh Cao cũng đánh giá, việc quy định về độ tuổi kết hôn theo Luật HNGĐ 2014 là sự kế thừa hợp lý dựa trên cơ sở khoa học và cơ sở xã hội, phản ánh sự phù hợp với mức độ phát triển tâm sinh lý của con người Việt Nam.
Việc quy định độ tuổi kết hôn còn gắn liền với khả năng phát triển về tư duy nhận thức, gắn với mức độ độc lập, tự chủ của chủ thể để thực hiện các chức năng gia đình. Theo ông Cao, việc tính tuổi tròn như Luật HNGĐ 2014 (nam từ đủ 20, nữ từ đủ 18) là để tránh vận dụng tùy tiện quy định về độ tuổi kết hôn. Trước đây, chỉ cần bước sang tuổi 18 đối với nữ và 20 tuổi đối với nam là được phép kết hôn.
Điều đó dễ dàng tạo ra những kẽ hở nhất định để các bên kết hôn vi phạm điều kiện về độ tuổi. Đồng thời, việc quy định về độ tuổi kết hôn như Luật HNGĐ đã đồng bộ và thống nhất được với các quy định của pháp luật dân sự, hình sự…
Phát sinh 2 bất cập lớn trong thực tiễn
Có điều, việc quy định tuổi kết hôn chênh lệch của nam và nữ cũng đặt ra vấn đề về bảo đảm bình đẳng giới, về sự đồng bộ với năng lực hành vi dân sự của người thành niên trong Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, người đủ 18 tuổi là người đã thành niên và người đủ 18 tuổi có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Bởi thế, nhiều ý kiến đề nghị xem xét quy định nam, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên được kết hôn để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản luật và điều ước quốc tế có liên quan.
Hơn nữa, khoa học đã chứng minh, nam giới trong độ tuổi 18-55 và nữ giới trong độ tuổi 18-35 thì tinh trùng và trứng có chất lượng tốt, có khả năng sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh. Nếu chất lượng tinh trùng và trứng không tốt sẽ có nhiều nguy cơ sinh ra đứa trẻ bị hội chứng Down hoặc mắc các bệnh rối loạn di truyền. Tuổi càng cao, nguy cơ này càng lớn.
Vì vậy, nếu cho phép nam, nữ cùng từ đủ 18 tuổi trở lên được phép kết hôn thì dưới góc độ y tế là phù hợp. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất trong thực tiễn áp dụng quy định về tuổi kết hôn là tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra. Đơn cử, tại Sóc Trăng, theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh thì tình trạng tảo hôn có sự biến động không ổn định.
Cụ thể, năm 2015 xảy ra 140 vụ; năm 2016 xảy ra 218 vụ; năm 2017 xảy ra 157 vụ; năm 2018 xảy ra 267 vụ. Tình trạng tảo hôn chỉ được phát hiện khi vợ chồng có con và yêu cầu đăng ký khai sinh. Nhiều trường hợp tảo hôn dẫn đến các hệ lụy như không làm khai sinh cho con đúng quy định ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ, tranh chấp con khi khai sinh của con không ghi tên cha (do chưa đủ tuổi kết hôn, không có đăng ký kết hôn), phát sinh thêm thủ tục công nhận cha cho con sau này (tốn thời gian của cán bộ, người dân, công sức đi thẩm định, mẫu biểu).
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa chia sẻ, tảo hôn thực ra không phải vấn đề mới và đã có nhiều biện pháp, giải pháp can thiệp nhưng vẫn phổ biến ở khu vực miền núi, dân tộc thiểu số. Theo khảo sát quốc gia về tình hình kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số, tỷ lệ tảo hôn của 53 dân tộc thiểu số lên tới 26,59% (nam 26,04% và nữ 27,12%).
Đáng lưu ý là một số đánh giá gần đây của các chuyên gia đã chỉ ra rằng tảo hôn đang có xu hướng tăng ở khu vực trung tâm đô thị. Nghiên cứu của nhóm bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho thấy, trong năm 2017 – 2018, tỷ lệ sinh ở tuổi vị thành niên tại Bệnh viện ở mức cao với 227 sản phụ, trong đó có 178 trường hợp đã lập gia đình. Số sản phụ 17 – 18 tuổi chiếm 83,5%, 34 sản phụ từ 14 – 16 tuổi. Báo cáo sơ kết thi hành Luật HNGĐ 2014 của Bộ Tư pháp thẳng thắn cho biết, vấn đề tảo hôn đang gặp rất nhiều khó khăn về phương hướng giải quyết.
Bà con vùng đồng bào dân tộc hiểu quy định của pháp luật về tuổi kết hôn song do phong tục, tập quán đã đi vào cuộc sống của người dân từ rất lâu đời. Các gia đình thường dựng vợ gả chồng cho con từ rất sớm nên mặc dù việc kết hôn không được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng hai bên gia đình vẫn tổ chức đám cưới theo phong tục, tập quán, họ hàng hai bên, cộng đồng dân cư của cả bản vẫn mặc nhiên công nhận đó là một cặp vợ chồng.