Liên tiếp xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn nghiêm trọng
Vào khoảng 12h50 ngày 9/11, Công an quận Đống Đa nhận được tin báo của người dân về việc tại phố Đông Tác (phường Kim Liên) xảy ra vụ cháy nhà dân. Ngôi nhà có diện tích khoảng 15m2 và cao 5 tầng.
Ngay khi tiếp nhận tin báo, Công an phường Kim Liên đã phối hợp Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn Công an quận Đống Đa khẩn trương tới hiện trường tổ chức dập lửa và tìm kiếm cứu nạn.
Tại thời điểm kiểm tra hiện trường, lực lượng chức năng xác định có người mắc kẹt bên trong ngôi nhà. Tuy nhiên, khi đội cứu hộ tiếp cận được vị trí người mắc kẹt thì xác định nạn nhân đã tử vong. Theo cơ quan công an, nạn nhân là ông N.T (SN 1956, ở phường Kim Liên). Thời điểm vụ cháy xảy ra, nạn nhân ở nhà một mình.
Hiện nguyên nhân vụ cháy đang được Công an quận Đống Đa điều tra làm rõ.
Hiện trường đám cháy ở khu vực chợ Cầu Đông, quận Hoàn Kiếm
Cùng ngày, tại khu vực chợ Cầu Đông (phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng bất ngờ xảy ra một vụ cháy. Lửa và khói lan vào các ki ốt bán hàng kim khí tầng 1 tại chợ, khiến nhiều người dân hoảng loạn. Cột khói bốc cao hàng chục mét.
Công an quận Hoàn Kiếm đã huy động xe chuyên dụng và cán bộ, chiến sĩ, phối hợp cùng lực lượng chữa cháy tại chỗ tiếp cận hiện trường.
Vụ cháy được xác định bắt nguồn từ một nhà dân liền kề thang thoát hiểm chợ Cầu Đông, rồi lan vào các ki ốt bán hàng tầng 1 trong chợ. Vị trí cháy lan sang chợ nằm ở gần thang thoát hiểm sát khu vực nhà dân phố Nguyễn Thiện Thuật, cổng sau chợ Cầu Đông.
Đến 12h cùng ngày, đám cháy được dập tắt hoàn toàn và không gây thiệt hại về người.
Trước đó, ngày 2/11, trên địa bàn quận Đống Đa cũng xảy ra một vụ cháy tại một tòa nhà văn phòng trên phố Cát Linh.
Vụ cháy nhà dân tại phố Đông Tác (phường Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội)
Theo đó, vụ cháy được phát hiện vào khoảng 8h15 cùng ngày (2/11), tại tòa nhà văn phòng cho thuê số 8 phố Cát Linh, quận Đống Đa (Hà Nội). Vào thời điểm trên, khi các nhân viên làm việc thì phát hiện khói lan ra từ tầng 2 của tòa nhà và đã báo cho bảo vệ cùng lực lượng chữa cháy kịp thời ngắt điện, dùng bình cứu hỏa tại chỗ xử lý và thông báo cho lực lượng công an chữa cháy.
Sau khi nhận được tin báo, Công an quận Đống Đa đã huy động 3 xe chữa cháy đến hiện trường và tổ chức dập lửa, chống cháy lan. Chỉ sau ít phút, đám cháy đã được khống chế kịp thời. Do xuất hiện khói và nhiều căn phòng trong tòa nhà vẫn bị khóa nên lực lượng chức năng vẫn duy trì 1 xe cứu hỏa tiếp tục phun nước vào các căn phòng khác trong tòa nhà đến 9h cùng ngày.
Thông tin ban đầu, đám cháy xuất phát từ tầng 2 tòa nhà là văn phòng kinh doanh ván ép gồm nhiều vật liệu dễ cháy nên đã gây ra khói và mùi khét.
Chủ động phòng ngừa từ mỗi gia đình
Công an thành phố Hà Nội - đơn vị thường trực Ban chỉ đạo 197 thông tin, trong quý III/2021, trên địa bàn Thủ đô xảy ra 82 vụ cháy, trong đó 3 vụ cháy lớn, 26 vụ cháy trung bình, 47 vụ cháy nhỏ, 6 vụ cháy rừng nhưng không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng hơn 2,05 tỷ đồng.
So với cùng kỳ quý III/2020 giảm 14 vụ, giảm 7 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính giảm 2,7 tỷ đồng. Ngoài các vụ cháy, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cũng tiếp nhận 78 tin báo, tham gia cứu nạn, cứu hộ 69 vụ, cứu được 21 người.
Lực lượng chức năng dán tờ rơi tuyên truyền phòng, chống cháy nổ tại phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm)
Đại úy Đỗ Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) cho biết: "Cùng với trang bị kiến thức bài bản, những năm qua, các trang thiết bị, cơ sở vật chất, kỹ thuật phòng cháy chữa cháy được quan tâm đầu tư theo hướng chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của thành phố cơ bản đáp ứng với tình hình mới.
Để tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp theo Kế hoạch số 41-KH/TU, chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp phòng ngừa cháy nổ. Mỗi cán bộ, chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an thành phố Hà Nội sẽ luôn nêu cao tinh thần xung kích “vượt nắng, thắng mưa”, vừa phòng “giặc lửa”, vừa phòng dịch Covid-19, phấn đấu không để xảy ra cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, nhất là với loại hình nhà ở, nhà ở hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh".
Người dân cần kiểm tra hệ thống dây và các thiết bị điện trong nhà, tránh để dột và ẩm ướt ở những nơi có điện; Thường xuyên kiểm tra dây dẫn từ nhà ra cột điện để phòng ngừa đứt dây, chạm chập gây cháy.
Bên cạnh đó, các bảng điện tử quảng cáo ngoài trời phải bảo đảm các điều kiện an toàn về điện, đề phòng chạm, chập gây ra cháy khi có mưa, dông, gió mạnh, ảnh hưởng đến những công trình tiếp giáp.
Đại úy Đỗ Tuấn Anh cũng đề nghị người dân nên cài đặt ứng dụng “Báo cháy 114” trên thiết bị di động thông minh để thông báo các vụ cháy, nổ và sự cố, tai nạn một cách nhanh, chính xác nhất cho lực lượng chức năng; Đồng thời cũng là kênh cung cấp kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ mọi lúc, mọi nơi.
Thanh Hà - TTTĐ