Xã hội càng phát triển nhưng văn hóa ứng xử lại “xuống dốc”
Hiện nay, vấn đề ứng xử thiếu văn hóa trong xã hội đang ở mức độ nghiêm trọng. Một câu hỏi lớn đang đặt ra là chúng ta, trong đó có trách nhiệm của những người làm công tác văn hóa - giáo dục, phải làm gì để có thể kịp thời điều chỉnh và xây dựng hệ giá trị văn hóa ứng xử mới, phù hợp hơn với xã hội hiện đại?
Đại úy công an Lê Thị Hiền gây náo loạn ở sân bay.
Sau Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ – Triều Tiên vào cuối tháng 2/2019, nhiều người dân ở Hà Nội đã thản nhiên vơ vét hoa trang trí đường phố mang về nhà, trong số đó có cả những người đi xe ô tô hoành tráng cũng ngang nhiên dừng lại, chất hoa vào cốp xe… rồi đi thẳng! Hay một chiếc xe chở hàng bốc cháy, sau khi đám cháy bị dập tắt, hàng chục người dân lao vào “hôi của”, người tài xế chỉ có thể khóc nức nở, bất lực đứng nhìn…
Những hình ảnh xấu xí của một bộ phận người dân đã khiến cho dư luận phẫn nộ, bất bình, bởi đó không chỉ là việc làm thiếu văn hóa, đáng xấu hổ mà còn cho thấy sự tham lam, vô cảm đến tàn nhẫn của một số người. Tiếp đó là những hành vi thiếu văn hóa nơi công cộng liên tục xuất hiện trên các trang mạng xã hội gần đây.
Mới đây nhất là hình ảnh đại úy công an Lê Thị Hiền gây mất trật tự tại sân bay Tân Sơn Nhất với những lời lẽ lăng nhục nhân viên hàng không. Cho dù những gì được đưa lên mạng có thể chưa phản ánh hết sự việc, nhưng kể cả có bị kích động thì cách hành xử như vậy của một đại úy công an là không chấp nhận được.
Cách đây 1 tháng, trên khoang thương gia, đại gia bất động sản Vũ Anh Cường cũng gây nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận với câu "mày có biết tao là ai không?" khi bị yêu cầu lập biên bản vì sàm sỡ hành khách nữ và tiếp viên trưởng. Kẻ bị tố sàm sỡ trên máy bay đã bị xử phạt hành chính, đại úy công an bị phạt 200.000 đồng và cấm bay trong 12 tháng.
Tuy nhiên, với mức xử phạt hành chính hiện nay đối với các hành vi kiểu này liệu có đủ sức răn đe? Không chỉ có những hành xử, lời lẽ thiếu văn hóa. Đáng buồn trong xã hội đang hình thành thói quen lạm dụng vị trí, quan hệ của mình để chèn ép, đe dọa người yếu thế, thậm chí cho mình quyền đứng trên cả pháp luật trong một bộ phận không nhỏ người có tiền, có quyền, trong đó có cả công chức, viên chức.
Có lẽ chưa bao giờ, văn hóa ứng xử nơi công cộng của người Việt lại trở thành mối lo lắng, quan ngại thường trực của mỗi người dân và cả cộng đồng xã hội như hiện nay. Bất cứ ở đâu, đô thị hay nông thôn, không khó để bắt gặp những hành vi “chướng tai gai mắt” được người dân vô tư thể hiện. Nói tục, chửi bậy hay xả rác nơi công cộng có lẽ… vẫn còn là nhẹ.
Cướp hoa, bẻ cành trong các lễ hội, hay chen lấn, xô đẩy bất kể trẻ em, người già dường như đã trở thành chuyện thường ngày. Văn hóa giao thông thật sự trở thành một mối nguy, với quyền chiếm ưu thế thuộc về những kẻ bất chấp luật lệ, khiến những người hiền lành luôn phải mang tâm lý chấp nhận thua thiệt để được yên thân.
Xuất phát từ thực tiễn và tầm quan trọng của văn hóa ứng xử trong việc xây dựng con người Việt Nam trong tình hình mới, nhất là góp phần thực hiện Nghị quyết 33- NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, thời gian qua Chính phủ, các bộ, ngành địa phương đã tích cực xây dựng và ban hành quy tắc ứng xử, văn hóa công vụ với những hành vi ứng xử chuẩn mực.
Tuy nhiên, việc thực hiện những quy tắc ứng xử văn hóa còn hạn chế, tình trạng vi phạm của cán bộ, công chức trong ứng xử với đồng nghiệp và nhân dân vẫn tồn tại, gây bức xúc trong dư luận. Ứng xử của người dân trong gia đình và nơi công cộng chưa có chuyển biến tích cực. Bạo lực gia đình, bạo lực học đường, ứng xử thiếu văn minh, vô cảm vẫn còn tồn tại…
Nguyên nhân là do đâu?
Ứng xử được chia làm hai loại cơ bản là ứng xử có văn hóa và ứng xử thiếu văn hóa, văn hóa chính là những nét đẹp chuẩn mực đạo đức con người, ứng xử có văn hóa là việc ứng xử dựa trên những chuẩn mực tốt đẹp đó.
Ngược lại, ứng xử thiếu văn hóa là việc ứng xử không mang tính nhân văn, đi ngược lại với những chuẩn mực đạo đức xã hội đặt ra, là cách cư xử lỗ mãng, thiếu lịch sự và tế nhị. Một điều đáng tiếc và đáng quan ngại rằng ứng xử thiếu văn hóa đang trở thành một căn bệnh có sức lây lan nhanh trong xã hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới bộ mặt đạo đức xã hội.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ứng xử thiếu văn hóa trong xã hội hiện nay tồn tại ở nhiều góc độ, từ cá nhân con người cũng có mà từ xã hội tác động cũng có. Con người có lối sống ích kỷ, hẹp hòi và vô cảm sẽ dẫn đến việc không quan tâm đến người khác, khi không bận tâm việc làm của mình đúng hay sai thì ứng xử cũng tùy theo cảm tính chứ không theo một quy chuẩn văn hóa đạo đức.
Xã hội ngày càng tiến bộ và phát triển nhưng đạo đức xã hội lại ngày càng xuống dốc, bởi con người ngày càng xa cách nhau, sự gắn kết ngày một lỏng lẻo, xem nhẹ mối quan hệ và sự gắn bó giữa con người. Cách ứng xử có văn hóa mang lại nhiều giá trị tốt đẹp bao nhiêu thì ứng xử thiếu văn hóa lại gây ra những tác hại nghiêm trọng gấp nhiều lần.
Bản thân con người ứng xử thiếu văn hóa chính là đang tự hạ thấp nhân cách, đánh mất phẩm chất đạo đức của mình, bị mọi người coi thường, khinh chê và bị xã hội lên án, đào thải. Xã hội càng có nhiều hành vi ứng xử thiếu văn hóa sẽ trở thành một xã hội mất ổn định, suy đồi, xuống cấp và mục nát, không có cơ hội phát triển.
Bởi trong xã hội, yếu tố con người là quan trọng nhất, cốt lõi nhất, con người bị đào thải, mất hết giá trị vì ứng xử thiếu văn hóa thì xã hội đó cũng sẽ bị suy vong và đào thải. Giải pháp tối ưu nhất và khẩn cấp nhất cho trường hợp này chính là ý thức của con người trong văn hóa ứng xử, mỗi cá nhân phải tự điều chỉnh hành vi ứng xử của mình sao cho phù hợp với chuẩn mực đạo đức, hợp đạo lý và lòng người, luôn đặt sự tôn trọng nhau lên hàng đầu, bên cạnh đó, cần mở rộng tấm lòng bao dung và giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh cuộc sống.
Các phương tiện thông tin đại chúng cũng cần vào cuộc, xây dựng các chương trình thực tế chung quanh chủ đề này. Thực tế cho thấy, người trẻ rất khát khao học văn hóa ứng xử, chỉ là không biết học ở đâu và thế nào là chuẩn mực. Từ việc xây dựng ý thức tuân thủ các quy định, cũng như bồi đắp nền tảng nhận thức về văn hóa trong mỗi con người, sẽ là tiền đề để nâng cao văn hóa ứng xử cho cả xã hội.