Khám xét các đại lý nơi những đối tượng trong đường dây tổ chức đánh bạc, đánh bạc dựng lên
Những “quái kiệt” lạc lối
Nhắc lại vụ án triệt xóa đường dây đánh bạc, tổ chức đánh bạc trên mạng “Nổ hũ” vừa qua, Đại tá Nguyễn Bình - Trưởng Phòng CSHS, CATP Hà Nội cho biết, loại tội phạm đánh bạc và tổ chức đánh bạc đã quá quen thuộc với lực lượng CSHS Hà Nội. Đã có rất nhiều vụ án cờ bạc trong thời gian qua bị triệt xóa với tổng số tiền giao dịch lên tới hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đường dây “Nổ hũ” có thể nói đến thời điểm này là lớn nhất khiến cả đơn vị tham gia phá án phải trăn trở đêm ngày để triệt xóa, bắt giữ những đối tượng cầm đầu. Đến nay, Cơ quan CSĐT đã khởi tố 16 đối tượng về hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc.
Đại úy Hoàng Văn Hùng - Đội trưởng Đội Chống tệ nạn xã hội và mua bán người (Phòng CSHS) đánh giá: “Theo thống kê trong cơ sở dữ liệu của hệ thống trò chơi “Nổ hũ”, đã có hàng triệu tài khoản được đăng ký tham gia đánh bạc với 24 đại lý cấp 1 và hàng trăm đại lý cấp 2. Đây là chuyên án vô cùng phức tạp, quá trình đấu tranh diễn ra trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội nên công tác điều tra, phá án gặp rất nhiều khó khăn”.
Khó khăn lớn nhất mà Ban chuyên án phải đối mặt đó chính là các đối tượng tội phạm trong đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc cực lớn này. Không như những loại tội phạm mang tính truyền thống khác, những đối tượng trong đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên mạng này đều rất có trình độ. Chúng giỏi về công nghệ thông tin, lập trình, quản trị mạng. Đây là loại tội phạm mà lực lượng CSHS vẫn thường nói với nhau là tội phạm “bay”, tội phạm “trên giời”, bởi tính ẩn danh, đưa thông tin giả, cũng như việc bắt được chúng là rất khó khăn.
Nếu như Trương Ngọc Tú (SN 1983, HKTT tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) là đầu mối đầu tiên để Ban Chuyên án phá cả đường dây thì Lương Hải Đăng (SN 1994, HKTT tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội) lại chính là một trong những kẻ đứng ở vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng của đường dây này.
Dù có tuổi đời khá trẻ, song Lương Hải Đăng cùng Nguyễn Ngọc Anh (SN 1986, HKTT tại phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội), Nguyễn Trường Sơn (SN 1984, ở phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) tạo thành một bộ ba ăn ý. Số tiền lương mà Sơn trả cho Nguyễn Ngọc Anh cùng cộng sự lên tới con số hàng nghìn USD/tháng.
Ngoài ra còn có bộ phận kỹ thuật khác tham gia quản lý trò chơi “Nổ hũ” gồm: Lưu Văn Dũng (SN 1992, ở Tiền Phong, Mê Linh, Hà Nội) và Ngô Anh Hoàng (SN 1990, ở TP Thái Nguyên) cùng một số đối tượng khác. Tất cả đều là “cao thủ” công nghệ thông tin. Khi các trinh sát ập vào trụ sở điều hành trò chơi “Topvip” trong hệ thống “Nổ hũ” ở quận Thanh Xuân đã thu giữ hơn 2.000 sim điện thoại, hơn 100 thiết bị phát 3G, 2 hệ thống gửi tin nhắn spam, hàng trăm chứng minh thư, thẻ căn cước công dân, thẻ ATM ngân hàng.
Đãi cát tìm… tội phạm
Hầu hết các đối tượng trong hệ thống điều hành và quản trị của “Nổ hũ” đều được tuyển lựa hết sức kỹ càng. Đa số chúng có quan hệ bạn bè thân thiết hoặc họ hàng. Chính những mối quan hệ chặt chẽ như vậy cùng việc các đối tượng cầm đầu đều từng có tiền án, tiền sự, lọc lõi trong đối phó với công an đã khiến cho hoạt động của đường dây “Nổ hũ” hoạt động vô cùng kín kẽ, tinh vi, thoắt ẩn, thoắt hiện. Những đối tượng tham gia đường dây “Nổ hũ” này đều được nuôi ăn ở tại chỗ và chỉ việc ngồi trước màn hình máy tính để điều hành, lập trình, tạo các hàng rào lửa để ngăn chặn sự xâm nhập của người lạ.
Cái khó nhất của Ban Chuyên án là làm thế nào vừa thu thập được thông tin, chứng cứ mà không bị “rút dây động rừng”. Trong khi đó, các thông tin, chứng cứ lại giống như một mớ bòng bong. Nó là các dữ liệu hỗn hợp được gửi lên hệ thống lưu trữ “đám mây” và rất khó nhận dạng, mở khóa.
Việc lấy được đúng thông tin cần thiết trong cả tỷ tỷ “đám mây” trên bầu trời số là rất phức tạp. Được sự hỗ trợ của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Phòng CSHS đã lần lượt xâm nhập và từng bước “tải” được các dữ liệu chứng cứ phục vụ cho quá trình đánh án, buộc tội các đối tượng sau này.
Thêm nữa, thời điểm bắt giữ, kiểm tra, thu hồi các tang vật “cứng” có liên quan như hệ thống máy tính, sổ sách, tiền… trong các đại lý cũng phải được Ban Chuyên án tính toán sao cho khớp. “Nếu chỉ cần chậm một vài giây giữa các tổ công tác ở những địa điểm khám xét, bắt giữ, thì toàn bộ hệ thống “Nổ hũ” sẽ bị các đối tượng xóa sạch.
Từ đó chứng cứ, dữ liệu đều không thể khôi phục được, công sức của Ban Chuyên án coi như đổ sông đổ biển” - chỉ huy Đội 2, Phòng CSHS nhớ lại. Ngày 22-5, tất cả những địa điểm, trụ sở được các đối tượng dùng để hoạt động đã bị các tổ công tác của Phòng CSHS đồng loạt ập tới. Những yêu cầu đặt ra trong quá trình bắt giữ đối tượng cũng như khám xét, thu giữ tang vật đều được hoàn thành xuất sắc…
Kết quả trong quá trình khai thác dữ liệu tài khoản của 4 đại lý cấp 1 gồm “VipHN Max đỏ”, “Mrs Vy Bayby”, “Đại ký Trà My” và “Hệ thống F88” theo thống kê từ ngày 19 đến 22-5, tổng số tiền giao dịch của người chơi là 120 tỷ đồng. Trong khoảng từ ngày 8 đến 24-5, số người chơi đạt gần 2 triệu lượt.
Tổng số tiền các con bạc tham gia cá cược là 7.879 tỷ đồng. Lợi nhuận nhà cái đạt 77,7 tỷ đồng. Lượng tiền giao dịch của đại lý cấp 1, cấp 2 mua bán với người chơi trò “Nổ hũ” thể hiện trên hệ thống máy tính là 1.314 tỷ đồng. Ước tính số lượng tiền giao dịch trong 1 tháng của trò chơi “Nổ hũ” lên tới 2.500 tỷ đồng. Số lượng tiền thẻ cào viễn thông nạp vào trò chơi là 91,3 tỷ đồng.
Tất cả 4 đại lý cấp 1 của trò chơi “Nổ hũ” đều được các đối tượng mở rất nhiều tài khoản ngân hàng để thanh toán chuyển, nhận tiền với người chơi cá cược. Số điện thoại của những đại lý này đều được các đối tượng sử dụng là số “vip” như ngũ quý, tứ quý, lục quý. Điều này vừa giúp cho những người chơi nhầm tưởng đây là hệ thống đánh bạc “siêu vip”, siêu chắc chắn và khuếch trương thanh thế của trò chơi này lên nhiều cấp độ, thu hút hàng triệu tài khoản tham gia sát phạt trong không gian mạng.
“Nếu chỉ cần chậm một vài giây giữa các tổ công tác ở những địa điểm khám xét, bắt giữ, thì toàn bộ hệ thống “Nổ hũ” sẽ bị các đối tượng xóa sạch. Từ đó chứng cứ, dữ liệu đều không thể khôi phục được, công sức của Ban Chuyên án coi như đổ sông đổ biển”.
Hoàng Phong