Nghiên cứu áp dụng việc cho nộp tiền để giảm trách nhiệm hình sự trong các vụ án tham nhũng
Kinhte&Xahoi
Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) đã giao các đơn vị học tập, nghiên cứu để áp dụng việc cho nộp tiền để giảm trách nhiệm hình sự trong các vụ án tham nhũng.
Thông tin này được lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự đưa ra tại buổi họp báo về kết quả công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ Tư pháp diễn ra chiều 19/7.
Ông Nguyễn Thắng Lợi - Phó Tổng trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự chia sẻ tại buổi họp báo
Báo cáo về kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022, đại diện Bộ Tư pháp chi biết, đơn vị đã tiếp nhận, trả lời 304 kiến nghị, đề nghị hướng dẫn nghiệp của các bộ, ngành, địa phương, trong đó có 131 kiến nghị được gửi qua các báo cáo sơ kết 6 tháng và 33 phản ánh, kiến nghị gửi qua Cổng dịch vụ công quốc gia theo thẩm quyền.
Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tư pháp năm 2021 tiếp tục duy trì nhóm dẫn đầu (xếp thứ 1) trong số các bộ, ngành được đánh giá. Việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính được lãnh đạo Bộ chỉ đạo quyết liệt.
Đặc biệt, về công tác thi hành án dân sự, Bộ, ngành Tư pháp triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 04/CT-TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Kết quả, trong 9 tháng (từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/6/2022), hệ thống thi hành án dân sự đã thi hành xong là 348.490 việc, đạt tỉ lệ 64,35% với trên 52.166 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 29,47%). Kết quả theo dõi thi hành án hành chính đạt được nhiều kết quả tích cực, đã thi hành xong 94 việc.
Riêng về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự tham nhũng, kinh tế (thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo), tổng số tiền phải thi hành là hơn 129.619 tỉ đồng, số đã thi hành xong là gần 50.000 tỉ đồng, còn phải thi hành gần 80.000 tỉ đồng.
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về kiến nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao về cách làm theo hướng tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự mà thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, ông Nguyễn Thắng Lợi - Phó Tổng trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự khẳng định, đề xuất cho tội phạm tham nhũng, kinh tế nộp tiền thay cho trách nhiệm hình sự mà Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đưa ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng mới đây không phải quan điểm mới.
Theo ông Lợi, Nghị quyết Trung ương 3 khoá 10 đã nêu rõ: “Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng; áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng; nghiên cứu sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng khoan hồng hơn đối với những người đưa hoặc người nhận hối lộ nhưng đã tự giác khai báo và nộp lại tài sản trước khi bị phát hiện; chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng”.
Vì thế, lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự cho rằng, người phạm tội ăn năn, nộp lại tài sản thì khi xét xử được xem xét giảm hình phạt là cần thiết.
“Nhiều quốc gia đã áp dụng việc này. Chúng tôi đã giao các đơn vị chuyên môn học tập kinh nghiệm quốc tế để vận dụng vào thực tiễn ở Việt Nam sao cho khoa học nhất. Khi có quan điểm chính thức thì chúng tôi sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền”, ông Lợi thông tin.
Diệu Linh - TTTĐ