Trong hai ngày 17 và 18/11, Toà án nhân dân TP Đà Nẵng đã mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Lê Thị Mây, sinh năm 1986 có hộ khẩu thường trú tại Thôn 2, xã Phú Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, tạm trú tại số 35 Lê Bá Trinh, phường Hoà Cường Bắc, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, chỗ ở hiện nay tại Khu Euro Village, số 11 Bằng Lăng 1, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4, điều 174 Bộ luật hình sự.
Toàn cảnh phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án bị cáo Lê Thị Mây bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng truy tố số 67/VKS-P2 của Viện kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng cho biết: Khoảng tháng 2/2019 đến tháng 5/2019 khi bị hại liên hệ trao đổi về việc Công ty CP Vietnet Investment Group có địa chỉ tại đường Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1, TP HCM có nhu cầu tham gia đầu tư vào các dự án xử lý rác thải TP Đà Nẵng, Dự án nhà máy xử lý rác thải tỉnh Quảng Nam và Dự án khu dân cư phía Nam thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Mặc dù không có khả năng xin phép đầu tư cho các dự án nhưng Lê Thị Mây đưa ra thông tin gian dối khi lấy tên giả là Trần Thu Hà là cháu của nguyên cố Chủ tịch nước và có các mối quan hệ quen biết rộng, có khả năng xin giấy phép các dự án này trong vòng từ 1 đến 3 tháng, sắp có giấy phép đầu tư hoặc đã có giấy phép đầu tư nhưng chưa đóng dấu để bị hại tin tưởng và giao tiền.
Với thủ đoạn như trên từ ngày 28/2/2019 đến ngày 10/9/2019, Mây nhiều lần yêu cầu bị hại đưa tổng cộng 860.000 USD tương đương với hơn 19 tỷ đồng Việt Nam rồi chiếm đoạt.
Từ đó, VKSND TP Đà Nẵng đã quyết định truy tố bị cáo Lê Thị Mây phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự.
Tại phiên toà, bị cáo thừa nhận bản thân không được cấp phép để đi làm hồ sơ xin cấp phép dự án, đó là sai phạm của bị cáo.
Bị cáo có nhận tiền mặt của bị hại với tổng số tiền là 860.000 USD được chia thành nhiều lần, khi nhận không có hoá đơn hay chứng từ gì cả.
Bị cáo ký vì là người nhận và cho rằng mình không lừa đảo nên ký. Bị cáo luôn luôn quanh co, chối tội và cho rằng bị cáo không lừa đảo bị hại để lấy tiền.
Bị cáo nổ là có quan hệ họ hàng với nguyên cố Chủ tịch nước và có mối thân thiết với các vị lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng từ đó chiếm lòng tin từ nơi bị hại với cam kết là sẽ giúp cho Công ty CP Vietnet Investment Group nhận làm chủ đầu tư khu xử lý rác thải ở Đà Nẵng.
Sau khi lấy được lòng tin của bị hại, bị cáo từng bước nhận tiền với cam kết hoàn thành việc cấp giấy phép cho công ty của bị hại được làm chủ đầu tư dự án.
Tuy nhiên, sau khi lấy được tiền của bị hại, bị cáo Mây lại không có mối quan hệ quen biết với bất kỳ một ai nên đã nhờ anh Nam Phước và anh Ánh đều là nhân viên của Công ty TNHH tư vấn xây dựng Miền Trung để nhờ hỏi thủ tục và làm hồ sơ báo cáo công nghệ để được UBND TP Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức các buổi thuyết trình giới thiệu về công nghệ về công nghệ xử lý rác thải và báo cáo sơ bộ nội dung liên quan đến dự định đầu tư của Công ty CP Vietnet Investment Group của bị hại.
Bị cáo Mây tại phiên toà.
Sau các buổi thuyết trình này, bị cáo Mây không tiến hành làm bất cứ thủ tục cần thiết theo hướng dẫn của cơ quan chức năng để được cấp phép đầu tư theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định.
Bị cáo bộc lộ hành vi thực hiện phạm tội đến cùng khi vào tháng 7/2019 bị cáo Mây còn nhắn tin cho bị hại với nội dung: “Em nhìn thấy quyết định của UBND TP đã cấp giấy phép đầu tư cho công ty rồi nhưng do thư ký của đồng chí Chủ tịch đi vắng nên hẹn ngày mai đóng dấu...” để tiếp tục yêu cầu bị hại chuyển tiền.
Do bị cáo nổ như thế nhưng lại không thực hiện các thủ tục cần thiết để cho cơ quan nhà nước xét duyệt và cấp phép cho Công ty CP Vietnet Investment Group của bị hại.
Sau đó, bị hại phát hiện ra những hành vi này và yêu cầu bị cáo Mây trả lại tiền thì bị cáo lập bản cam kết đưa ra lộ trình trả lại tiền nhưng bị cáo lại không thực.
Nghiêm trọng hơn, bị cáo Mây còn sử dụng những chiêu thức tinh vi khi nhờ những người thân quen lập hợp đồng mua bán đất với bị cáo nhằm thể hiện rằng bị cáo có điều kiện để trả nợ cho bị hại.
Nhưng thực chất đây là hợp đồng mua bán “ma” tự bị cáo vẽ ra nhằm qua mặt bị hại cũng như cơ quan điều tra để có thời gian tẩu tán tài sản.
Theo thông tin thì số tiền bị cáo Mây nhận từ bị hại thì bị cáo lại đầu tư mua đất rồi nhờ người khác đứng tên hộ.
Khoảng thời gian bị cáo Mây bị cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng gọi lên lấy cung để điều tra theo đơn tố giác của bị hại thì bị cáo Mây đã nhờ người thân mà đặc biệt là chủ nhà lập hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất với bị cáo nhằm qua mặt cơ quan chức năng để có thời gian tẩu tán tài dẫn đến hiện tại công tác thu hồi tài sản của cơ quan tiến hành tố tụng gặp nhiều khó khăn.
Qua tài liệu chứng cứ thu thập được thì đại diện Viện kiểm sát khẳn định có đủ tài liệu, chứng cứ để buộc tội bị cáo Lê Thị Mây mặc dù không có khẳ năng xin cấp phép về dự án nhưng bị cáo đưa thông tin gian dối về nhân thân, mối quan hệ.
Sau đó, bị cáo liên hệ với Ánh, Phước có các mối quan hệ để xin các buổi thuyết trình về công nghệ xử lý rác thải tại TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Sáu đó, bị cáo hoàn toàn không làm bất cứ việc gì. Bị cáo nhiều lần đưa thông tin gian dối về mình có khẳ năng xin cấp phép dự án. Với các thủ đoạn trên, bị cáo nhiều lần yêu cầu bị hại đưa số tiền 860.000 USD.
Mặc dù bị cáo quanh co chối tội nhưng qua các lời khai của bị cáo, lời khai tại các bút lục, xét thấy hoàn toàn phù hợp, cáo trạng truy tố lừa đảo là đúng người, đúng tôi, có cơ sở.
Hành vi của bị cáo là nghiêm trọng, bị cáo liên tục đưa thông tin gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tiền của bị hại. Quá trình điều tra, quá trình thụ lý đơn tố giác tội phạm bị cáo liên tục gây khó khăn cho hoạt động điều tra.
Từ đó, đại diện VKS đề nghị xử phạt từ 18 đến 20 năm tù giam. Đề nghị HĐXX trả lại toàn bộ số tiền 860.000 USD mà bị cáo đã chiếm đoạt.
Song tại phần bào chữa, luật sư Trần Thu Nam người bào chữa cho bị cáo Mây cũng thừa nhận hành vi của bị cáo có thể sai nhưng thực chất trong sự việc này chỉ là các mối quan hệ quen biết để xin dự án, có sự hứa hẹn thì đây là một giao dịch dân sự mà theo đó mọi hoạt động của bị cáo đã thực hiện đều do bị hại chỉ đạo.
Từ đó, luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung vì còn nhiều tình tiết chưa được cơ quan điều tra và Viện kiểm sát làm rõ.
Thậm chí, luật sư còn cho rằng bị hại trong vụ án này có hành vi tổ chức đưa hối lộ khi luật sư dẫn tên một vị nguyên lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng về việc có hay không việc nhận tiền hối lộ để cấp giấy phép đầu tư dự án.
Luật sư Trần Quốc Toản (áo trắng), Trưởng văn phòng luật sư Trần Quốc Toản, Đoàn luật sư TP Hà Nội đối đáp với quan điểm bảo chữa của luật sư của bị cáo.
Đối đáp với quan điểm này, luật sư Trần Quốc Toản, Trưởng văn phòng luật sư Trần Quốc Toản, Đoàn Luật sư TP Hà Nội người bảo vệ quyền lợi cho bị hại cho rằng: "Yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung của luật sư Nam là không có cơ sở bởi việc chứng minh tội phạm đã rõ và chính bị cáo đã nhận tội tại phiên toà. Từ đó đề nghị HĐXX không chấp nhận trả hồ sơ..".
Luật sư Toản dẫn chứng: "Việc buộc tội của cơ quan tiến hành tố tụng là đúng người đúng tội và đúng pháp luật nên không cần phải làm rõ hành vi đưa hối lộ và những hành vi liên quan đến người có thẩm quyền bởi không có tài liệu nào chứng minh.
Thậm chí bị cáo còn đang bị chính anh Phước làm đơn tố cáo đến Toà án về hành vi vu khống và hồ sơ đang được chuyển sang cơ quan Công an thụ lý...”
Bên cạnh đó, luật sư Toản còn khẳng định rằng: “Việc bị cáo bị Quý Viện kiểm sát đề nghị mức án 18 đến 20 năm tù giam là quá nhẹ khi bị cáo không ăn năn hối cải, luôn quanh co chối tội rắp tâm thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần...”.
Đặc biệt, luật sư Toản còn nhấn mạnh: “Việc bị cáo nhắn tin cho bị hại về việc đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty của bị đã để trên bàn chưa đóng dấu vì thư ký của Chủ tịch đi vắng...nhằm mục đích tiếp tục lấy tiền của bị hại và chứng minh việc bị cáo đang làm việc rất tốt nên bị hại mới bị lừa rồi chiếm đoạt số tiền lớn.
Do đó không có cơ sở để trả hồ sơ mà cần phải áp dụng khung hình phạt cao nhất trong điều luật để đảm bảo tính răn đe, giáo dục trong xã hội...”.
Sau khi toà nghị án căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án cũng như phần thẩm vấn tại phiên toà và đề nghị của luật sư Toản người bảo vệ cho bị hại, HĐXX nhận định cần phải cách lý bị cáo không có thời hạn ra khỏi đời sống xã hội để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và phòng ngừa trong công tác đấu tranh với tội phạm.
Từ đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Thị Mây khung hình phạt tù chung thân vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đồng thời yêu cầu bị cáo Mây phải trả lại số tiền hơn 18 tỷ đồng mà bị cáo đã chiếm đoạt của bị hại.
Vĩnh Phát - Pháp luật Plus