Nhiều di tích lớn tại Hà Nội “tiếp nhận hiện vật” lạ
Kinhte&Xahoi
Theo đó, cơ quan chức năng đã yêu cầu các đơn vị quản lý di tích không tiếp nhận hiện vật không nằm trong danh mục hồ sơ xếp hạng của di tích.
Nội dung này được cơ quan chức năng Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch (Bộ VH, TT&DL) nêu rõ trong văn bản ban hành mới đây sau cuộc kiểm tra tại một số di tích trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo đó, tại Di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), ngoài những mặt đã làm được như: Ban tổ chức lễ hội đã chỉ đạo các lực lượng thường xuyên kiểm tra, bảo vệ, giữ gìn di tích theo Luật Di sản văn hoá, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi xâm hại đến di tích;…Việc hướng dẫn khách tham quan dâng lễ, đặt tiền lễ đúng nơi quy định; bố trí bàn ghi công đức, đặt hòm công đức đảm bảo thuận tiện, hợp lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, tại di tích vẫn còn tồn tại như vệ sinh nội tự Đền Trình chưa đảm bảo, tiếp nhận một số hiện vật như lọ lục bình, đèn thờ không nằm trong danh mục hồ sơ xếp hạng của di tích, sử dụng nến cốc dễ gây cháy nổ.
Di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) tiếp nhận hiện vật không nằm trong danh mục hồ sơ xếp hạng của di tích.
Việc tiếp nhận hiện vật lạ cũng xảy ra tại Di tích Đền Và, Di tích Chùa Mía, cụ thể là tiếp nhận hiện vật là lọ lục bình, đèn thờ không nằm trong hồ sơ xếp hạng di tích, hệ thống điện tại lầu Cô Chín chưa đảm bảo an toàn và sử dụng nến cốc dễ gây cháy nổ.
Việc sử dụng nến cốc dễ gây cháy nổ cũng xảy ra tại Di tích chùa Trăm Gian.
Trong khi đó, tại khu di tích Đền Sóc thì khu Nhà Mẫu có hệ thống đường dây điện chưa đảm bảo an toàn công tác phòng chống cháy, nổ, tượng tả hữu bằng đất tại Đền Trình đã xuống cấp (nứt).
Phủ Tây Hồ (Hà Nội) là địa điểm tín ngưỡng nổi tiếng ở Thủ đô.
Đối với di tích Phủ Tây Hồ (Quận Tây Hồ), cơ quan chức năng cũng đề nghị Ban quản lý di tích có phương án trình các cấp có thẩm quyền di chuyển các ki ốt bán hàng trong khuôn viên Phủ đến nơi phù hợp.
Không chỉ vậy, Bộ VH,TT&DL cũng đề nghị UBND huyện Mỹ Đức chỉ đạo Ban quản lý di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn có phương án quản lý tiền công đức tại di tích theo Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19/1/2023 của Bộ Tài chính.
Ông Nguyễn Đình Khuyến - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ. Ảnh tayho.gov.vn
Liên quan đến công tác di chuyển các ki ốt bán hàng trong khuôn viên Phủ Tây Hồ, trao đổi với PV ông Nguyễn Đình Khuyến - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho hay: "Đến hết tháng 4/2024, quận sẽ có phương án cụ thể về việc này. Hiện tại, đang giao cho Phường làm đầu mối".
Trước những tồn tại kể trên, Bộ VH, TT&DL đề nghị Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội, thủ từ thực hiện nghiêm công tác quản lý di tích, tổ chức lễ hội theo các quy định của Luật Di sản văn hoá và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Không tiếp nhận hiện vật không có trong danh mục hồ sơ xếp hạng di tích. Khắc phục ngay các tồn tại đã kể trên.
Cùng với đó, Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội cần xử lý, chấn chỉnh những phát sinh, tồn tại diễn ra trong lễ hội trên địa bàn như đốt vàng mã, ăn xin, khấn thuê; hàng quán lấn chiếm lối đi vào di tích; nâng giá hàng hoá dịch vụ và trông giữ phương tiện;… Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Lắp đặt hệ thống bảng, biển hướng dẫn nhân dân và du khách về tham dự lễ hội tại các điểm vào di tích.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin khi sự việc có diễn biến mới.
Nhã Vân - Pháp luật Plus