Nhức nhối bạo lực gia đình
Kinhte&Xahoi
Bạo lực gia đình luôn là vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu. Trên phạm vi toàn cầu, cứ 3 người phụ nữ đã quan hệ tình dục hoặc kết hôn thì có 1 phụ nữ từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực thể chất, tình dục, tinh thần từ bạn đời, 38% các vụ giết người mà nạn nhân là phụ nữ có liên quan đến nam giới.
Việt Nam là một trong những quốc gia đã ban hành nhiều văn kiện pháp lý liên quan đến phòng, chống BLGĐ.
Diễn biến phức tạp
Chỉ trong vòng 10 ngày trở lại đây, thông tin về các vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) dồn dập xảy ra gây bức xúc dư luận như việc ông bố ở TP HCM đánh con 4 tháng tuổi dẫn đến đứa trẻ xuất huyết não, gãy hai chân... phải nhập viện. Tiếp đó là những vụ chồng đâm chết vợ vì về nhà thấy vợ chưa nấu cơm tối ở Kiên Giang, vụ dùng dao mổ lợn đâm chồng vì chồng nhậu say ở Quảng Nam, vụ đánh vợ tàn nhẫn ở Tây Ninh…
Với vụ việc ở Tây Ninh, sau khi truyền thông đăng tải bài viết về một phụ nữ trú tại xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh nghi bị chồng bạo hành với nhiều thương tích trên người và đã được Đội Cứu nạn giao thông Tây Ninh đã giải cứu, Bộ LĐ-TB&XH có Công văn số 433/LĐTBXH-BĐG yêu cầu Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Tây Ninh chỉ đạo các phòng chuyên môn của Sở và Phòng LĐ-TB&XH huyện Trảng Bàng kiểm tra, xác minh thông tin nêu trên và phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương tiến hành điều tra, xử lý nghiêm, đồng bộ các giải pháp đối với đối tượng gây bạo lực theo quy định của pháp luật; thông tin công khai trước dư luận để cùng vào cuộc đấu tranh phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ.
BLGĐ luôn là vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu. Trên phạm vi toàn cầu, cứ 3 người phụ nữ đã quan hệ tình dục hoặc kết hôn thì có 1 phụ nữ từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực thể chất, tình dục, tinh thần từ bạn đời, 38% các vụ giết người mà nạn nhân là phụ nữ có liên quan đến nam giới.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người phụ nữ mà còn gây ra những hệ quả về kinh tế - xã hội - an ninh cho mỗi quốc gia. Liên Hợp quốc (LHQ) và các nước trên thế giới đã có nhiều cố gắng trong việc phòng, chống BLGĐ và ban hành nhiều văn kiện pháp lý liên quan đến phòng, chống BLGĐ. Hiện đã có 89 nước trên thế giới có các quy định pháp luật riêng về vấn đề này và Việt Nam là một trong các quốc gia đó với Luật Phòng, chống BLGĐ có hiệu lực từ năm 2008 cùng các quy định nằm trong các đạo luật khác liên quan.
Ở Việt Nam, vấn đề BLGĐ vẫn còn diễn biến phức tạp, số liệu từ các cuộc điều tra xã hội học gần đây cho thấy, có 30% số hộ gia đình tham gia trả lời cho biết trong 12 tháng gia đình họ đã xảy ra ít nhất một hành vi được xác định là hành vi BLGĐ theo quy định của pháp luật. BLGĐ gây thiệt hại 1,78% GDP mỗi năm…
Đâu là nguyên nhân?
Lý giải về nguyên nhân, PGS, TS Trần Thị Minh Thi - Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cho rằng, trong các mối quan hệ gia đình, quan hệ ứng xử giữa vợ và chồng thường được cho là một trong những nguyên nhân mâu thuẫn phổ biến nhất và dẫn tới BLGĐ. Người gây ra các hành vi bạo lực chủ yếu là phía người chồng, trong đó có nhiều hành vi nghiêm trọng như phá phách, đánh đập vợ…
Cháu bé bị cha bạo hành ở TP HCM.
Trong xã hội hiện đại, nhiều người phụ nữ thành đạt trở thành lãnh đạo, chủ doanh nghiệp, hoặc làm công tác xã hội và đoàn thể, nhưng tại nhiều gia đình gặp phải sự phản kháng từ phía người chồng, với quan niệm truyền thống mang tính gia trưởng, người chồng phải làm chủ gia đình. Người vợ thành đạt như vậy sẽ làm cho người chồng tự ti, mặc cảm, không chấp nhận sự thành đạt của vợ và hệ quả là dần dần dẫn đến xung đột, mâu thuẫn, rạn nứt trong gia đình.
Ngoài ra, những lối sống không lành mạnh như nghiện rượu, sử dụng chất gây nghiện hay chơi cờ bạc của một thành viên trong gia đình không chỉ dẫn tới mâu thuẫn gia đình mà còn có nguy cơ thúc đẩy bạo lực. Ngoại tình, ghen tuông quá mức cũng là một trạng thái tinh thần gắn liền với nóng giận, thiếu kiềm chế dẫn đến hành vi bạo lực…
Chỉ ra nguyên nhân ở góc độ vấn đề thực thi chính quyền để phòng chống BLGĐ, Chỉ thị số 08/CT-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 4/2/2020 yêu cầu đẩy mạnh công tác phòng, chống BLGĐ đã nêu rõ, là do nhiều cơ quan, chính quyền, đoàn thể chưa xác định rõ được trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực thi chính sách, pháp luật về phòng, chống BLGĐ.
Việc tuyên truyền văn hóa ứng xử, phòng, chống BLGĐ chưa thường xuyên, phong phú, đa dạng và sâu rộng. Cán bộ làm công tác gia đình còn thiếu và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, chưa có cộng tác viên về gia đình ở cơ sở…
Chung tay phòng, chống BLGĐ
Để đẩy mạnh công tác phòng, chống BLGĐ trong thời gian tới, trong Chỉ thị 08, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ VH-TT&DL với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, Bộ VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về gia đình, trong đó có phòng, chống BLGĐ; tổng kết, đánh giá "Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống BLGĐ đến năm 2020", đề xuất Thủ tướng Chính phủ Chương trình giai đoạn tới.
Như vậy có thể hiểu với nội dung này, trong thời gian tới công tác phòng chống BLGĐ tiếp tục được Chính phủ coi là hành động quốc gia.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ VH-TT&DL chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật về phòng, chống BLGĐ; giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; phê phán, lên án các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ.
Cũng trong Chỉ thị 08, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an xây dựng và hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý đảm bảo tính răn đe, giáo dục để phòng ngừa nguy cơ tái diễn và hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân BLGĐ; nhân rộng Mô hình Đội phản ứng nhanh về phòng, chống BLGĐ; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ nhằm nâng cao giáo dục pháp luật cho người gây BLGĐ.
Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ VH-TT&DL hướng dẫn cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về gia đình các cấp để đáp ứng yêu cầu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện từ gia đình… |