Xa hoa và phạm pháp
Lê T. V là một cậu ấm con chủ một chuỗi nhà hàng có tiếng ở TP HCM. Mùa dịch, cha mẹ kẹt lại Mỹ cùng chị gái, V một mình sống trong căn biệt thự rộng mênh mông ở một con đường khu vực quận 1, TP HCM. Vắng người thân, sống một mình thoải mái, V thường xuyên tổ chức những buổi hội họp, ăn nhậu cùng bạn bè.
Bất chấp mùa Covid và quy định không tụ tập đông người, căn biệt thự rộng rãi vắng người của nhà V luôn tụ tập hàng chục đến vài chục người, đều là những "cậu ấm cô chiêu" con nhà giàu ở TP này. Trong những bữa tiệc như thế, lẽ dĩ nhiên chẳng ai trong số họ mang khẩu trang hay tuân thủ quy tắc y tế. Những ly rượu mạnh được chuyền tay nhau, những vòi sisha sử dụng chung cả cho chục cái miệng, cả những điếu cần sa, cỏ hút chung... Một khi đã tham gia những bữa tiệc ấy, lịch sử y tế của mỗi người hay nguy cơ lây nhiễm bệnh đã không còn quan trọng.
Tương tự như V, Thanh K - con gái chủ một chuỗi salon ô tô ở quận 7 và nhóm bạn con nhà giàu cũng không hề bỏ những thói quen ưa thích tiệc tùng, tụ tập như trước mùa dịch. Nhóm này lập ra một group mang tên "Nào ta cùng high", tất cả chi tiết mọi cuộc vui chơi đều được kêu gọi, hô hào và đăng ảnh trên group này.
Cách đây mấy ngày, ngay khi TP đang trong đợt giãn cách, hội bạn này đăng ảnh khoe một buổi "pool party" (tiệc hồ bơi) hoành tráng với hơn 30 người tham gia. Họ tụ tập cùng mặc bikini, tắm hồ bơi, uống rượu và sử dụng nhiều loại chất kích thích để không khí thêm tưng bừng. "Ai dịch cứ dịch, mình chơi cứ chơi. Đời là cứ phải chill chill, không party thì chán chết", K chia sẻ trên trang cá nhân của mình quan niệm sống của cô.
Với một bộ phận những bạn trẻ gia đình khá giả, không lo toan mưu sinh, thì thú vui tiệc tùng là điều không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Nếu thiếu tiệc tùng, cuộc đời họ sẽ buồn tẻ, vô nghĩa và không biết làm gì cho qua ngày. Không chỉ thế, các bữa tiệc còn là cách mà những cô, cậu ấm thể hiện đẳng cấp của mình.
Sài Gòn có nhiều nhóm "chất chơi", mỗi nhóm có một cách chơi ngông khác nhau và đều nhìn vào nhau để mà đua tranh, ai chơi mạnh tay hơn. Có những bữa tiệc của dân chơi dùng toàn loại rượu quý, hiếm, có tiệc mời toàn chân dài về rót rượu để "chiêu đãi" nhau. Cũng có những bữa tiệc mà chủ nhân trẻ tuổi vung tiền mời cả những ca sĩ giới underground về hát phục vụ, chơi chung. Và tất nhiên, chất kích thích các loại từ nhẹ đến nặng hầu như không thể thiếu. Đó được coi là những bữa tiệc "đốt tiền".
Anh Trần Hòa Trung, chủ một doanh nghiệp tư nhân chuyên cung cấp dịch vụ set up tiệc chia sẻ, mùa dịch công ty anh thất thu nhiều, như tiệc cưới, thôi nôi, tiệc văn phòng. Tuy nhiên, nhờ bạn giới thiệu, anh "gỡ" được những mối set up tiệc tại gia cho nhiều cô cậu trẻ gia đình giàu có. Anh Trung cho biết, các tiệc này tuy không đông đúc, nhiều bàn như tiệc cưới, thôi nôi, nhưng được cái lợi nhuận cũng không thấp vì đặt toàn thức ăn nhập khẩu và rượu mạnh thì thoải mái.
"Có lần, tôi nhận tổ chức tiệc sân thượng cho một nhóm thanh niên mới hơn qua tuổi đôi mươi một chút. Bữa tiệc có tầm 20 người tham gia nhưng đặt toàn những món đắt tiền như cá hồi, bò nhập, gan ngỗng, trứng cá muối, cua tuyết và các loại rượu Tây lâu năm. Chi phí cho buổi tiệc này gần cả tỉ đồng, còn chưa kể, những loại chất kích thích đắt tiền mà tôi không rõ giá thành cụ thể mà họ sử dụng.
Ngoài những bữa tiệc xa xỉ tại nhà, thì những quán nhậu, karaoke, khách sạn kín đáo cũng là bãi đáp của những "dân chơi" trẻ tuổi, lắm tiền. Số tiền vung ra không tiếc của các cậu ấm cô chiêu đủ sức khiến những người kinh doanh dịch vụ nói trên sẵn sàng bỏ qua các quy định của cơ quan chức năng, "vượt rào" để giúp họ tổ chức các buổi tiệc trái pháp luật và kể cả các quy định phòng chống dịch.
Chuyện "tiệc đen" mùa dịch không chỉ diễn ra ở các thành phố lớn, và cũng không chỉ bởi các đối tượng tiểu thư, thiếu gia. Từ các tỉnh thành đến làng quê, những đối tượng thanh niên ham vui, sống không tương lai, không ngày mai không phải là hiếm.
Cách đây vài hôm, tại quán karaoke có tên Night Star ở Quảng Trạch, Quảng Bình, có 6 thanh niên, khi đang say trong rượu bia và ma túy đã bị lực lượng công an ập vào bắt quả tang tại trận. Các thanh niên này hầu hết đều thế hệ 9x, có cả nam và nữ, khai là cùng nhau hùn tiền mua ma túy về để sử dụng cho "đỡ buồn".
Ngay đợt giãn cách đầu tiên ở Việt Nam, vào tháng 3 vừa qua, các "nam thanh nữ tú" ở Hà Tĩnh gồm 75 người cũng đã bị bắt quả tang đang dùng ma túy tổng hợp, thuốc lắc cùng bia rượu các loại tại nhiều phòng trong một quán karaoke. Thời điểm họ bị bắt cũng chính là thời điểm cao điểm phòng chống Covid trong tỉnh và trên cả nước. Chính vì thế, nhóm người nói trên đã bị đưa đi cách ly. Nghĩa là, cơ quan chức năng, đội ngũ y tế vốn đã bận rộn, còn phải gồng mình để chăm sóc, theo dõi y tế thêm cho hàng loạt người thiếu ý thức tuân thủ quy định phòng bệnh lẫn quy định pháp luật.
Thời gian 2 đợt giãn cách vừa qua, không ít các buổi "tiệc đen" như thế của giới trẻ bị phanh phui trên khắp cả nước. Những người này tụ tập hàng chục, vài chục người, tuổi đời còn rất trẻ, nhưng bất chấp hủy hoại tương lai phía trước, đắm chìm trong men rượu và ma túy. Trong số đó, không chỉ có cậu ấm, cô chiêu mà có cả những thanh niên gia đình lao động, đang thất nghiệp. Hành vi của họ khiến dư luận xã hội phải phẫn nộ.
Những mảng màu đối lập
Những người trẻ phát nước rửa tay miễn phí trong mùa Covid
Những ngày này, nhóm của Lê Anh Tuấn, sinh viên Đại học Quốc gia TP HCM đang đi vận động để tổ chức những cửa hàng thức ăn miễn phí, đặt tại những khu vực có người dân lao động nghèo. Tuần trước, Tuấn và các bạn đã thử đặt một quầy thức ăn bao gồm bánh mì, nước sâm, bún xào tại khu vực bờ kè Trường Sa, và được các cô, các chú lao động ủng hộ nhiệt liệt.
Tuần này, Tuấn lên kế hoạch sẽ đến khu Xóm Củi để phát gạo và mì gói, nhóm của các bạn đã vận động được 60 kg gạo và 100 thùng mì, không nhiều nhưng cũng đủ để giúp một số bà con thất nghiệp trong mùa dịch.
Còn Nguyễn Thị Hồng Ánh, sinh năm 1998, một nhân viên kế toán, thất nghiệp, hiện bán hàng online, ngụ ở quận 10, TP HCM thì cùng bạn bè của mình vận động gom khẩu trang, dụng cụ bảo hộ lao động, gửi ra Đà Nẵng nhờ những người bạn mình, cựu sinh viên một trường Đại học tại Đà Nẵng phát cho người dân.
Nhiều sinh viên các trường Đại học, mới ra trường nhưng không ngay trúng vào mùa Covid, thất nghiệp, họ gia nhập đội ngũ những người tình nguyện đi hỗ trợ lực lượng y tế tại các khu vực cách ly.
Trong lúc những chàng trai, cô gái trẻ trung, xinh đẹp "bay lắc" điên cuồng trong những bữa tiệc đen thác loạn với chất kích thích, chất gây nghiện. Những người trẻ rất trẻ, không lao động, không lo nghĩ cho tương lai, đốt tiền quẳng qua cửa sổ cho những cuộc vui thâu đêm suốt sáng.
Thì vẫn có những người trẻ đang đau đáu lo lắng cho giấc mơ giang dở vì Covid, cho miếng cơm manh áo hàng ngày phải dè sẻn vì thất nghiệp. Những người trẻ khác, lại dùng những đồng tiền ít ỏi mình kiếm được từ lao động chân chính, dùng sức trẻ và nhiệt huyết, trái tim để làm những điều có ích trong xã hội, những mong góp một bàn tay cùng người dân vượt qua gian lao.
Họ làm nên những bức tranh với gam màu cực kì đối lập. Sự đối lập mạnh mẽ đến xót xa..
Trân Trân - Pháp luật Plus