Liên tiếp phát hiện và bắt giữ nhiều vụ buôn lậu
Ngày 12/1/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Phạm Phương Tuấn (sinh năm 1995; ở số 64 ngách 68/79 Nguyễn Văn Linh, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) và Hồ Văn Hoan (sinh năm 1993; ở xóm Thịnh, xã Ngô Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) về tội buôn bán hàng cấm.
Theo đó, vào khoảng 15h ngày 5/1/2022, tổ công tác Công an huyện Thanh Trì tiến hành kiểm tra tại trước tòa chung cư CT8C khu đô thị Đại Thanh, phát hiện Hồ Văn Hoan đang bốc dỡ 1 thùng carton từ trên xe máy.
Tiến hành kiểm tra, phát hiện trong thùng carton có 50 cây thuốc lá điếu, tương đương 500 bao thuốc lá nhãn hiệu 555. Hoan tự khai số thuốc lá này là thuốc lá điếu nhập lậu do nước ngoài sản xuất, Hoan đang mang đi tiêu thụ. Tổ công tác đã tạm giữ, niêm phong tang vật và đưa Hoan về trụ sở cơ quan công an để tiếp tục làm việc.
Đối tượng Phạm Phương Tuấn và Hồ Văn Hoan tại cơ quan điều tra
Tiếp tục khám xét khẩn cấp chỗ ở của Phạm Phương Tuấn, Cơ quan Cảnh sát điều tra phát hiện, thu giữ 46 hộp thuốc lá điện tử, trên vỏ hộp ghi chữ nước ngoài.
Tại cơ quan điều tra, Tuấn và Hoan thừa nhận, từ năm 2014 đến cuối năm 2019, Phạm Phương Tuấn đi du học tại Nhật Bản. Sau khi về nước, do không có việc làm ổn định nên Tuấn nảy sinh ý định buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu để kiếm lời.
Để thực hiện, từ tháng 7/2020, Tuấn sử dụng tài khoản Facebook tìm mua thuốc lá điếu nhãn hiệu 555 và đăng bài rao bán thuốc lá lên các nhóm buôn bán thuốc lá trên mạng xã hội.
Khoảng tháng 11/2021, do có nhiều khách mua thuốc lá nên Tuấn thuê nhà làm nơi cất giữ thuốc lá và thuê Hồ Văn Hoan vận chuyển thuốc lá đi tiêu thụ.
Để che giấu hành vi phạm tội, Tuấn và Hoan sử dụng sim điện thoại rác, thường xuyên thay đổi số điện thoại và liên lạc với các đối tượng mua bán thuốc lá qua các tài khoản ảo trên ứng dụng mạng xã hội. Khi vận chuyển thuốc lá đi tiêu thụ, Tuấn và Hoàn đóng thuốc lá trong các thùng carton, bên ngoài vỏ thùng ghi bột ngũ cốc, bánh kẹo…
Cũng trong ngày 12/1/2022, Công an quận Nam Từ Liêm đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam để điều tra đối với Nguyễn Văn Chung (sinh năm 1992, ở xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) về tội buôn bán hàng giả và Đặng Viết Minh (sinh năm 1989, ở xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) về tội sản xuất hàng giả.
Hai đối tượng Đặng Viết Minh và Nguyễn Văn Chung
Cụ thể, vào khoảng chiều 21/12/2021, tổ công tác Công an quận Nam Từ Liêm làm nhiệm vụ trên địa bàn phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm phát hiện phía sau hai xe ô tô tải có hai người đàn ông đang kiểm tra hàng, có biểu hiện nghi vấn.
Một trong hai chủ xe khai nhận tên Nguyễn Văn Chung, chủ số hàng nước giặt nhãn hiệu D-nee, thừa nhận số nước giặt này là hàng giả (giả tem mác, nhãn hiệu) do Chung mua về để bán lại kiếm lời.
Tại cơ quan công an, Nguyễn Văn Chung khai, bản thân chuyên kinh doanh nước giặt, nước rửa chén… Khoảng tháng 10/2021, có người liên lạc với Chung qua mạng xã hội hỏi mua nước giặt D-nee giả. Chung đã liên hệ với Đặng Viết Minh để hỏi thì Minh bảo có làm được nước giặt D-nee giả.
Sau đó Minh đã đưa cho Chung can nước giặt nhãn hiệu D-nee giả thành phẩm (có cả tem phụ) làm mẫu. Chung cho khách xem mẫu và người này đồng ý mua 850 thùng với giá 300.000 đồng/thùng (1 thùng có 4 can loại 3 lít) và Chung chịu trách nhiệm vận chuyển hàng.
Ngày 23/12/2021, Đặng Viết Minh đến cơ quan điều tra xin đầu thú về hành vi phạm tội của bản thân. Minh khai nhận, khoảng tháng 9/2021, nhận thấy sản phẩm nước giặt quần áo D-nee do Thái Lan sản xuất được ưa chuộng, nhiều người sử dụng, hỏi mua nên đã nảy sinh ý định sản xuất nước giặt D-nee giả bán kiếm lời.
Minh đã tìm mua trên mạng bồn khuấy, máy chiết, hóa chất, can nhựa, tem giả nhãn hiệu D-nee, tem phụ Công ty Đại Thịnh để về làm giả nước giặt D-nee. Minh đã mượn kho tại xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội để làm nơi sản xuất và thuê 2 lao động thời vụ để làm.
Khoảng đầu tháng 12/2021, Minh nhận lời bán nước giặt D-nee giả cho Chung. Do lo sợ bị phát giác việc sản xuất, buôn bán hàng giả, Minh đã xóa hết tin nhắn giữa hai người, cũng như tự mình lái xe đến kho lấy nước giặt để giao cho lái xe chở về cho Chung.
Sau đó, Minh nghi ngờ Chung đã bị cơ quan công an phát hiện, bắt giữ nên không tiếp tục giao dịch với Chung. Khi biết Chung bị bắt, Minh đến cơ quan công an đầu thú mong được hưởng khoan hồng của pháp luật. Vụ việc đang tiếp tục được điều tra.
Cần sự phối hợp của người dân và các ban ngành chức năng
Trên đây chỉ là hai trong số hàng trăm vụ vi phạm pháp luật về kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng lậu trong dịp cuối năm. Mặc dù các lực lượng chức năng đã tích cực kiểm tra, kiểm soát, tuy nhiên thực trạng hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp.
Hàng giả khi nhập lậu vào nội địa, qua nhiều phương thức khác nhau, có thể dưới dạng nguyên liệu được các cơ sở chế biến, đóng gói đưa ra thị trường hay nhập hàng chưa có nhãn về sang chiết và đóng gói dán nhãn xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ...
Công cuộc chống hàng lậu, hàng giả cần sự phối hợp của người dân và các ban ngành chức năng (Trong ảnh: Bắt giữ vụ buôn lậu xì gà với số lượng lớn)
Đặc biệt, các đối tượng vi phạm dùng mọi thủ đoạn để tránh bị phạt nặng và truy tố, như chia nhỏ, phân tán để cất giấu, trà trộn với hàng hóa hợp pháp, tách các công đoạn vi phạm; Vận chuyển qua dịch vụ chuyển phát nhanh; Giao dịch qua thương mại điện tử, ứng dụng internet... gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng.
Theo đại diện của Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công thương), hiện Tổng cục đã ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nhâm Dần 2022.
Theo đó, lực lượng Quản lý Thị trường sẽ tập trung kiểm soát thị trường các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết cùng các mặt hàng có nhu cầu cao trong phòng, chống dịch bệnh; Nhất quyết không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Hiện lực lượng Quản lý Thị trường đã đưa ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Đức Lợi, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Chống hàng giả, cho biết: “Chúng ta phải xây dựng phương án tổ chức, đồng thời tăng cường lực lượng, phương tiện và duy trì kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới để ngăn chặn hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng nhập lậu vào nội địa; Trong đó, cần tập trung vào các nhóm hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, có thuế suất cao và các mặt hàng tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.
Ban Chỉ đạo 389 các địa phương cần chỉ đạo các Sở, ngành, lực lượng chức năng bảo đảm cung cấp đủ nguồn hàng hóa tiêu dùng đạt chất lượng cho Nhân dân; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý hành vi sản xuất, buôn bán hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và các hành vi vi phạm về niêm yết giá.
Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền; Phải tuyên truyền chính sách, pháp luật, kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, vận động nhân dân không tham gia, không tiếp tay cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”.
Thanh Hà - TTTĐ