Phát hiện nhiều nguyên liệu làm trà sữa chứa chất bảo quản vượt ngưỡng cho phép
Kinhte&Xahoi
Đội Quản lý Thị trường số 11, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện nhiều nguyên liệu pha chế trà sữa chứa chất bảo quản vượt ngưỡng giới hạn so với tiêu chuẩn cơ sở tự công bố.
Đội Quản lý Thị trường số 11, Cục Quản lý thị trường Hà Nội vừa tiến hành kiểm tra đại lý chuyên phân phối các nguyên liệu dùng để pha chế trà sữa trên địa bàn phường Phú Lãm, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, cơ quan quản lý thị trường đã lấy mẫu một số sản phẩm thạch dừa, trân châu tươi, trân châu 3Q… để giám sát chất lượng khi lưu thông trên thị trường.
Hai chỉ số chất bảo quản Natri Benzoat và Kali Sorbat đều vượt ngưỡng hơn 2 lần so với hàm lượng mà cơ sở sản xuất tự công bố (Ảnh: Bộ Y tế)
Các sản phẩm này đều do công ty TNHH Minh Hạnh Food có địa chỉ tại thôn Bình Phú, xã Phú Yên, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên phân phối, có hóa đơn chứng từ và bản tự công bố về chất lượng sản phẩm.
Đội Quản lý thị trường số 11, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã lấy 7 mẫu hàng hóa có tại kho hàng và gửi Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia. Kết quả, tất cả những sản phẩm lấy mẫu đều có chỉ tiêu về chất bảo quản không đúng so với quy định và với bản tự công bố về chất lượng của doanh nghiệp.
Cá biệt, riêng mẫu thạch dừa 3Q có 2 chỉ số chất bảo quản Natri Benzoat và Kali Sorbat đều vượt ngưỡng hơn 2 lần so với hàm lượng mà cơ sở sản xuất tự công bố.
Cơ quan quản lý thị trường đã lấy mẫu một số sản phẩm thạch dừa, trân châu tươi, trân châu 3Q (Ảnh: Bộ Y tế)
Ngoài ra, theo các chuyên gia y tế, trong trà sữa có caffein là một chất kích thích thần kinh, nếu dùng lâu dài sẽ gây nghiện nhẹ. Trà sữa có rất nhiều đường, dùng lâu ngày sẽ gây ra cảm giác thèm đường, tạo ra thói quen sử dụng đường không tốt cho sức khỏe.
Lượng calo trong trà sữa nhiều, trẻ sử dụng dễ mắc chứng béo phì. Hạt trân châu được làm từ tinh bột, mỗi một viên có lượng calo từ 5-14kcal. Mỗi cốc trân châu có khoảng 2 thìa trân châu tương đương với khoảng hơn 100kcal; Cộng với khoảng 50g đường tương đương với 200kcal thì 1 cốc trà sữa cung cấp khoảng hơn 300kcal. Trong khi đó, nhu cầu dinh dưỡng cả ngày chỉ cần khoảng 2000kcal. Do đó, uống trà sữa rất dễ gây béo phì, đặc biệt là trẻ em.
Hiện cơ quan quản lý thị trường đang tiếp tục làm việc với doanh nghiệp sản xuất để điều tra truy xuất cửa hàng nào, đại lý nào đã phân phối, tiêu thụ số nguyên liệu pha chế trà sữa không đảm bảo an toàn thực phẩm kể trên để giám sát, thu hồi xử lý theo quy định.
Vụ việc lần này một lần nữa cảnh báo với người tiêu dùng về chất lượng của sản phẩm trà sữa trên thị trường hiện nay. Qua các đợt kiểm tra, lấy mẫu định kỳ trước đó, cơ quan an toàn thực phẩm đã nhiều lần phát hiện một số mẫu trà sữa thành phẩm có chứa độc tố nấm men mốc, các chỉ số vi khuẩn hiếu khí và coliform đều vượt quá ngưỡng cho phép.
P.V - TTTĐ