Quân trang nhái bày bán như thời trang: Hệ lụy tiềm ẩn
Kinhte&Xahoi
Việc mua các trang phục, phụ kiện nhái giống trang phục trong ngành công an, quân đội quá dễ dàng. Nhưng những trang phục này đang bị một số người lợi dụng để có hành vi vi phạm pháp luật
Dùng trang phục giả danh sĩ quan để lừa đảo
Trong thời gian qua, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện nhiều vụ lừa đảo bằng thủ đoạn giả danh sĩ quan công an, quân đội, với những chiêu trò tinh vi, nhằm chiếm đoạt tài sản và thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật khác.
Những cửa hàng công khai buôn bán quân phục, cảnh phục
Tháng 4/2017, Công an huyện Thanh Chương (Nghệ An) cho biết, hiện cơ quan này đang tạm giữ hình sự Nguyễn Văn Hiếu (31 tuổi) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan công an thông tin, đầu tháng 4 Hiếu mua bộ quân phục giả rồi đến gia đình ông Nguyễn Gia Thắng (xã Thanh Mỹ, Thanh Chương) giới thiệu là “cán bộ công an mật tỉnh Nghệ An” đi truy quét tội phạm trước dịp 30.4. Sau khi Hiếu bị bắt, khám xét tại nhà, cơ quan điều tra thu một bộ quân phục cảnh sát giả, 1 tập giấy biên bản làm việc, 4 tờ giấy giả mạo “lệnh bắt khẩn cấp” do Hiếu tự soạn thảo.
Tương tự, tháng 6/2017, Quách Văn Ngọc, 26 tuổi, quê huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa bị phát giác giả danh công an trộm cắp tài sản. Tại cơ quan điều tra, Ngọc khai nhận y mặc trang phục công an với cấp hàm trung úy để tạo niềm tin với mọi người, dễ bề thực hiện hành vi phạm pháp.
Ngoài ra, còn nhiều đối tượng giả mạo cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động chặn đường xe lưu thông để cưỡng đoạt tài sản của người dân, đặc biệt phổ biến tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM…
Có thể nói đây là những hành vi vi phạm không chỉ gây nguy hiểm cho xã hội, chiếm đoạt tài sản của người dân mà trong bộ quân phục đó, các đối tượng cũng làm xấu đi hình ảnh của lực lượng vũ trang nhân dân. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc, tăng cường phối hợp rà soát, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật các đối tượng sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, mua bán và sử dụng trái phép quân trang, quân phục. Đặc biệt, cần làm sáng tỏ nguồn hàng mà người bán luôn khẳng định là của cơ quan thuộc nhà nước có đúng hay không? Và có hành vi cá nhân thuộc cơ quan nhà nước tuồn hàng ra bán hay không?
Vài trăm nghìn đã có thể "biến hình" thành sĩ quan, quân nhân..."dỏm"
Nếu để ý một chút, những người di chuyển trên các tuyến phố Lê Duẩn, Đại Mỗ (Nam Từ Liêm) hay ngã tư Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi,… sẽ không khó để bắt gặp những cửa hàng bày bán đồ quân đội, công an. Tiếp cận với một gian hàng trên đường Đại Mỗ, phóng viên hỏi mua hàng và được giới thiệu các thông tin rất cụ thể, rõ ràng về nguồn gốc của các sản phẩm ở đây. Chủ cửa hàng khẳng định, tất cả đều là đồ của quân đội công an “chuẩn 100%”, sản xuất bởi các đơn vị chuyên cung cấp như các công ty thuộc Tổng Cục Hậu Cần hay Cục Quân Nhu,.. Tại đây có đầy đủ các mặt hàng từ quần áo, giầy dép, phụ kiện đến lễ phục đại lễ đủ size cho khách lự chọn. Thậm chí, tại các cửa hàng cũng bán cả quân hàm, phù hiệu dành riêng cho người trong ngành lực lượng vũ trang. Quân hàm, phù hiệu cũng có đủ úy tá, từ phòng không, hải quân, biên phòng và công an đều có cả.
Các sản phẩm đều có tem nhãn chứng nhận được sản xuất tại Tổng Cục Hậu Cần hay Cục Quân Nhu
Các mặt hàng đều có giá rất rẻ, quần áo lễ phục đại lễ của quân đội cũng chỉ có giá khoảng 500.000 đồng/bộ, giày cấp úy 300.000 đồng/đôi, cấp tá 400.000 đồng/đôi, dây lưng công an 150.000 đồng, quân đội 170.000 đồng… Càng nguy hiểm, khi khách hàng có nhu cầu làm phù hiệu, quân hàm hay các dụng cụ hỗ trợ như dùi cui điện, đèn pin nghiệp vụ, súng bắn điện… thì đặt tiền trước cho chủ cửa hàng, vài ngày sau sẽ có.
Quân phục, cảnh phục đều có đủ loại, đủ kích cỡ để cho người mua lựa chọn
Để tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng những cửa hàng “màu xanh áo lính” này thường để tên là bán đồ bảo hộ lao động. Nhưng đáng nói, cũng có nhiều gian để biển rất rõ ràng là “ đồ bộ đội” hay “ thời trang lính” mà vẫn không hề bị các lực lượng chức năng kiểm tra hay tịch thu xử phạt.
Cửa hàng công khai với tên gọi "Thời trang lính"
Không chỉ được bày bán tràn lan trên đường phố, trên mạng xã hội càng dễ dàng mua được trang phục quân đội, công an. Chỉ cần gõ cụm từ “Cảnh phục công an” hay “Quân phục bộ đội”, hàng loạt kết quả tìm kiếm hiện lên với các cửa hàng, hội nhóm rao bán mặt hàng này trên mạng xã hội Facebook. Nhiều shop quảng cáo, giới thiệu chi tiết giá cả cho từng loại quân trang, quân phục. Chẳng hạn, thắt lưng có 4 loại, giá loại thấp nhất là 190.000, cao nhất là 280.000 đồng. Áo khoác 280.000 đồng/cái, áo thun 190.000 đồng/cái. Áo khoác có in logo, mũ thêu logo ngành 120.000 đồng. Ví khắc logo ngành 350.000 đồng/cái.
Một tin đăng bán trên mạng xã hội facebook
Quy định cấm:
Khoản 3, Điều 4, Nghị định 82 năm 2016 quy định về Quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam nêu rõ: cấm các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân làm giả, tàng trữ, mua bán và sử dụng trái phép quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Khoản 5, Điều 1, Nghị định số 29 năm 2016, Nghị định của Chính phủ đã sửa đổi bổ sung Nghị định 160 năm 2007 cũng đã quy định rõ về cấp hiệu, phù hiệu, trang phục của CAND. Nghiêm cấm các đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất, làm giả, tàng trữ, mua bán, trao đổi, sử dụng trái phép công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Công an nhân dân. |
Theo Thương trường/GĐ&PL