Từ chủ nợ thành kẻ phạm tội
Trong cuộc sống, rất nhiều tình huống pháp lý thường thấy người có tài sản cho vay nhưng gặp khó khăn trong đòi tài sản, bảo vệ quyền lợi hợp pháp về tài sản đó.
Trong nhiều trường hợp, nếu người có tài sản không nắm rõ được phạm vi điều cấm của pháp luật dẫn tới thực hiện các hành vi bộc phát, theo cảm tính thì rất dễ chuyển hóa từ người bị hại, người bị xâm phạm lợi ích trở thành người vi phạm pháp luật.
Điển hình là trường hợp anh Phạm Văn Sỹ (SN 1982, ngụ TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương), từ việc là người cho bạn vay tiền nhưng do đòi nợ trái pháp luật đã trở thành đối tượng cướp tài sản.
Theo đó, do quen biết, Phạm Văn Sỹ (SN 1982, ngụ TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương) có cho anh Nguyễn Danh Quân (SN 1985, ngụ huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) vay 100 trăm triệu đồng nhưng nhiều lần khất không trả đúng hẹn.
Tối ngày 10/04/2023, khi biết Quân đang ở nhà một người bạn, Sỹ rủ Phạm Văn Tiến (SN 1976, cùng ngụ địa phương) đến tìm để đòi nợ.
Tại đây, Quân tiếp tục xin khất nợ nhưng Sỹ không đồng ý. Sau đó, Quân đồng ý phương án là nhờ một người bạn nhận nợ hộ 50 triệu đồng, số còn lại Quân sẽ trả dần. Tuy nhiên, khi người bạn kia tới, Quân đã không đề nghị nhận nợ hộ như cam kết với Sỹ.
Tức giận vì tiếp tục bị lừa dối nên Sỹ và Tiến mỗi người đấm Quân một lần, ngoài ra, Sỹ có dùng gậy bóng chày vụt vào tay Quân một lần.
Sau đó, được mọi người can ngăn nên vụ việc dừng lại. Sỹ gọi thêm 2 người bạn nữa tới và tiếp tục yêu cầu Quân phải trả nợ ngay lập tức.
Do sợ vụ việc gây mất trật tự an ninh, Quân đồng ý lên xe ô tô của Sỹ đến khu nhà Tiến làm bảo vệ cách 2km để tiếp tục giải quyết. Tại đây, Sỹ đã viết một giấy nhận nợ 100 triệu đồng cho Quân ký và điểm chỉ.
Vụ việc được người nhà của Quân phát giác và trình báo tới cơ quan công an. Lực lượng Công an tỉnh Hải Dương sau đó đã có mặt lập biên bản vụ việc.
Sau đó, xét thấy có dấu hiệu của tội phạm, Cơ quan công an đã điều tra và khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Sỹ và Tiến để điều tra về hành vi cướp tài sản.
Ngày 12/4/2024, Tòa án nhân dân thành phố Hải Dương đã đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt Sỹ 8 năm tù giam, Tiến 7 năm 6 tháng tù giam về tội danh nêu trên.
Ranh giới mong manh
Cũng như thông tin đề cập ở trên thì việc ranh giới giữa người bị xâm phạm và tội phạm trong nhiều trường hợp rất mong manh.
Quy định của pháp luật trong một số tội danh cũng chưa cụ thể hoặc văn bản hướng dẫn đã hết hiệu lực thi hành dẫn đến khó khăn cho công tác triển khai, đánh giá, xác định hành vi phạm tội với hành vi được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hiện nay, có rất nhiều vụ việc xảy ra trong thực tiễn, người đi đòi nợ sử dụng vũ lực, hành hung “con nợ” để ép trả nợ thì người đi đòi nợ đang từ người bị xâm hại quyền lợi lại trở thành người bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh “Cướp tài sản” hoặc “Cưỡng đoạt tài sản”.
Điều đó đã để lại nhiều băn khoăn, trăn trở cho những người tiến hành tố tụng và dư luận xã hội. Quá trình điều tra, truy tố và xét xử những vụ việc như vậy, thực tế tất cả chúng ta đều nhận thấy một điều, việc dùng vũ lực, hành hung “con nợ” ép để trả nợ, trả tài sản vốn là của mình hoàn toàn khác với bản chất việc dùng vũ lực để cướp hoặc cưỡng đoạt tài sản của người khác.
Xét về nguyên nhân, động cơ và mục đích phạm tội thì tội hành vi cướp hoặc cưỡng đoạt tài sản là mong muốn chiếm đoạt tài sản của người khác trái pháp luật, trong khi đó người đi đòi nợ có lý do chính đáng vì tài sản đang bị con nợ chiếm giữ là tài sản của người đi đòi nợ.
Cái sai của người đi đòi là dùng vũ lực xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của con nợ. Nếu các cơ quan và người tiến hành tố tụng chỉ nhìn vào hình thức biểu hiện của hành vi mà không xem xét rõ bản chất của sự việc thì sẽ không tránh khỏi việc xảy ra oan sai trong quá trình định tội danh.
Rõ ràng, tính chất, mức độ của hành vi đòi nợ trái pháp luật và hành vi cướp tài sản trên thực tế là khác nhau; nguyên nhân, động cơ, mục đích phạm tội cũng khác nhau.
Do đó, đối với những vụ việc như vậy, nhận thấy, để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng và xử lý một cách thống nhất trong thực tiễn, các cơ quan lập pháp cần sớm nghiên cứu, bổ sung một tội danh riêng và độc lập là tội “Đòi nợ trái pháp luật”, trong đó cần nêu rõ dấu hiệu cấu thành của tội phạm này.
Hoặc cũng có thể bổ sung trong tội “Cướp tài sản” quy định tại Điều 168 BLHS một khung hình phạt riêng về hành vi cướp tài sản xuất phát từ đòi nợ trái pháp luật để tương xứng với tính chất, mức độ hành vi mà các đối tượng phạm tội gây ra.
Quay trở lại vụ việc của Phạm Văn Sỹ, ranh giới giữa hành vi của Sỹ là hành vi đòi lại tài sản đã cho vay và hành vi cướp tài sản bị coi là hành vi vi phạm pháp luật trở nên rất mong manh.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Tùng – Công ty Luật TNHH MTV Investco (thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng) cho biết, trong vụ án này, dường như có nhầm lẫn giữa hành vi xâm phạm quyền sở hữu của người khác với hành vi đòi lại tại sản của mình. Hành vi của Sỹ là hành vi đòi lại tài sản đã cho vay được pháp luật công nhận.
Sỹ có xô xát với anh Quân nhưng đó là khoảng thời gian trước. Sau đó 2 bên vẫn tự nguyện lên xe ô tô của Sỹ để đi uống nước. Mục đích viết giấy để Sỹ có căn cứ đòi tiền đã cho vay hợp pháp.
Bên cạnh đó, lời khai của Quân cũng thể hiện không bị đánh, trói, nhốt hoặc giữ ở lại, thậm chí vẫn đi lại bình thường, cổng và cửa kho không khóa, vẫn tự đi về nếu muốn, không rơi vào trạng thái bị cưỡng bức, không thể chống đối. Lời khai của các nhân chứng cũng thể hiện điều đó.
Do đó, có thể Sỹ đã đánh Quân là do bực tức không nhằm đánh để chiếm đoạt tài sản.
Việc thay đổi chủ thể từ phía nạn nhân hay người bị hại, người bị xâm phạm quyền lợi sang kẻ phạm tội là trường hợp hoàn toàn có thể xảy ra nếu chúng ta không nắm rõ được quy định của pháp luật, hành động theo cảm tính thì rất có thể dẫn đến rủi ro pháp lý không đáng có.
Theo Luật sư Nguyễn Thị Phương Loan – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội, để tránh rủi ro pháp lý trong việc đòi lại tài sản, người cho vay, cho mượn tài sản cần cẩn trọng từ khi bàn giao tài sản cho đến khi nhận tài sản.
Các bên khi thỏa thuận vay, mượn tài sản cần phải xác lập văn bản. Trong trường hợp bên mượn, vay tài sản không thực hiện đúng cam kết về thời hạn trả lại tài sản thì có bên cho vay, cho mượn tài sản có thể làm đơn khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết.
Trong một số trường hợp, nếu có đủ căn cứ về việc bên vay, mượn tài sản cố tình chiếm đoạt, không trả lại tài sản mặc dù có đủ điều kiện để trả tài sản hoặc sử dụng tài sản đã vay, mượn không đúng mục đích vay, mượn thì chủ tài sản hoàn toàn có thể làm đơn yêu cầu cơ quan công an vào cuộc điều tra hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sinh Nguyễn - Pháp luật Plus