Gần đây thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua hình thức giả danh lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Công an không còn xa lạ, tuy nhiên đối với nhiều người, do không nắm bắt được thông tin cùng với tâm lý lo sợ khi các cuộc gọi giả danh đưa ra các "chiêu thức" đánh vào tâm lý liên quan đến các vụ án, khiến các nạn nhân đã "ngã" vào vòng xoáy của những đối tượng lừa đảo.
Mới đây, thông tin trên báo An Ninh Thủ Đô về trường hợp của ông T. (SN 1982) trú tại huyện Đông Anh (Hà Nội) bị mất 2,2 tỷ đồng cũng qua hình thức cuộc gọi lừa đảo từ số máy lạ. Cụ thể, vào ngày ngày 25/4, Công an huyện Đông Anh tiếp nhận đơn trình báo của anh T. về việc nhận được một cuộc điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an.
Đối tượng thông báo anh T có liên quan đến một vụ án rửa tiền và buôn bán ma tuý. Sau đó, đối tượng yêu cầu anh phải cài đặt phần mềm, đăng nhập tài khoản trên điện thoại và cung cấp thông tin để chứng minh không liên quan.
Lực lượng chức năng Công an các địa phương đưa ra nhiều khuyến cáo đối với người dân trong việc cảnh giác với các số máy lạ, tránh việc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản (Ảnh minh họa).
Sau đó, anh T phát hiện tài khoản Internet Banking của mình không đăng nhập được nên đã đến cây ATM để kiểm tra thì phát hiện tài khoản bị mất hơn 2,2 tỷ đồng. Lúc này anh mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.
Tương tự trường hợp của anh T., ông Lâm (71 tuổi) tại TP. HCM cũng rơi vào hoàn cảnh phải nuốt cay đắng khi cùng bị đối tượng lạ gọi điện giả danh là cán bộ Công an yêu cầu ông thực hiện các thao tác trên điện thoại liên quan trực tiếp đến các giao dịch ngân hàng, khiến tài khoản của ông này "bốc hơi" gần 15 tỷ đồng.
Cụ thể, ngày 20/4, Phòng cảnh sát hình sự (PC02, Công an TP HCM) điều tra việc ông Lâm. Theo trình báo, sáng 3 hôm trước (tức ngày 17/4), ông Lâm nhận cuộc gọi và được người đàn ông xưng là cán bộ công an. Ông được thông báo dính tới đường dây tội phạm ma tuý và hiện đã có lệnh bắt giam.
Sau đó, ông Lâm thực hiện các thao tác trên điện thoại theo hướng dẫn của cán bộ Công an giả danh, tiếp tục sau đó cuộc gọi được chuyển đến số máy của một người khác giả danh là Thiếu tướng, Cục trưởng của Bộ Công an. Người này yêu cầu ông Lâm thực hiện các thao tác chuyển tiền.
Qua đó, thực hiện các thao tác trên điện thoai, ông Lâm đã lần lượt chuyển số tiền gần 15 tỷ đồng cho các đối tượng lừa đảo. Sự việc chỉ được phát giác khi ông Lâm thông báo sự việc với người thân trong gia đình và sau đó trình báo sự việc với lực lượng Công an địa phương.
Có thể thấy, thời gian qua, mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về thủ đoạn gọi điện thoại giả danh cơ quan Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn còn có người sập bẫy của các đối tượng. Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân lo sợ bị mất uy tín nên có trường hợp không trình báo với cơ quan Công an, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.
Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, nhân dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.
Trước vấn nạn này, Công an TP HCM cũng đã liên tiếp phát đi khuyến cáo các hành vi lừa đảo bằng các hình thức giả cơ quan chức năng, công an, Viện kiểm sát, Toà án... Ngoài ra, gần đây còn nổi lên thủ đoạn dùng công nghệ Deepfake, thông qua video call để giả dạng hình ảnh và giọng nói người thân, quen, để tạo sự tin tưởng.
Trong lúc video call, bằng nhiều cách, những nhóm tội phạm sẽ yêu cầu nạn nhân thực hiện nhìn thẳng, nghiêng trái, nghiêng phải... để ghi lại video và dùng nó để mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử... đứng tên nạn nhân.
Công an TP HCM khẳng định khi làm việc, xác minh, điều tra, sẽ đến trực tiếp hoặc có văn bản thông báo gửi đến chính quyền, cá nhân, tổ chức đó, tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội.
Đại Văn - Pháp luật Plus