Thêm nhiều nước cấm khai thác máy bay Boeing 737 MAX 8
Kinhte&Xahoi
Ngày 12/3, giới chức một số nước tiếp tục đã đưa ra lệnh cấm bay đối với máy bay Boeing Co 737 MAX 8 sau vụ máy bay cùng dòng này của hãng hàng không Ethiopian Airlines bị rơi khiến toàn bộ 157 hành khách và phi hành đoàn tử nạn hôm 10/3.
Máy bay Boeing 737 MAX đang được nhiều hãng hàng không sử dụng.
Theo CNA, trong một thông báo phát đi ngày 12/3, Cơ quan quản lý hàng không dân dụng Singapore (CAAS) nêu rõ tạm đình chỉ hoạt động của tất cả các biến thể của máy bay thuộc dòng Boeing 737 MAX ra vào không phận Singapore sau 2 vụ tai nạn liên quan tới dòng máy bay này xảy ra chỉ trong chưa đầy 5 tháng. Lệnh cấm có hiệu lực từ 14h00 ngày 12/3 (giờ địa phương, 6h00 GMT).
Trước đó, máy bay Boeing 737 MAX của hãng hàng không Lion Air của Indonesia ngày 29/10/2018 đã rơi xuống biển, khiến toàn bộ 189 người trên máy bay thiệt mạng.
Theo giới chức Singapore, lệnh cấm sẽ ảnh hưởng tới hãng hàng không SilkAir – hãng đang vận hành 6 máy bay Boeing 737 MAX. Các hãng hàng không China Southern Airlines, Garuda Indonesia, Shandong Airlines và Thai Lion Air cũng sẽ bị ảnh hưởng vì đang sử dụng máy bay Boeing 737 Max cho các chuyến bay tới Singapore. CAAS cho biết đang phối hợp với sân bay Changi của Singapore và các hãng hàng không bị ảnh hưởng nhằm giảm thiểu tác động đối với hành khách.
Cũng trong ngày 12/3, AFP cho biết, Australia đã ban hành lệnh cấm tất cả các máy bay Boeing 737 MAX hoạt động trên không phận nước này. Theo Giám đốc điều hành Cơ quan An toàn Hàng không Dân dụng Australia Shane Carmody, lệnh cấm chỉ là tạm thời trong khi chờ thêm thông tin về các rủi ro an toàn đối với việc vận hành dòng máy bay Boeing 737 MAX.
Cũng trong ngày 12/3, giới chức Hàn Quốc thông báo ngừng hoạt động của toàn bộ máy bay 737 Max 8 của Boeing. Theo Bộ Giao thông vận tải Cơ sở Hạ tầng Hàn Quốc Eastar Jet là hãng hàng không duy nhất của Hàn Quốc sở hữu 2 chiếc máy bay 737 Max 8. Bộ đã khuyến cáo hãng ngừng khai thác đối với dòng máy bay trên và Eastar Jet đã nhất trí sẽ ngừng khai thác toàn bộ hoạt động thương mại đối với máy bay 737 Max 8 kể từ ngày 13/3.
Trước đó, Trung Quốc cũng đã đưa ra lệnh cấm tương tự. Ngoài ra, các hãng hàng không của một số nước như Aerolineas Argentinas của Argentina, Comair của Nam Phi, hãng Gol của Brazil, Aeromexico của Mexico cũng đã quyết định dừng khai thác đối với dòng máy bay đang gây lo ngại nói trên để chờ kết quả điều tra về nguyên nhân vụ rơi máy bay của Ethiopia. Ngược lại, nhiều nước như Mỹ, Nga, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ… vẫn duy trì khai thác loại máy bay này bình thường trong khi chờ kết quả điều tra nguyên nhân tai nạn tại Ethiopia.
Theo Bộ Ngoại giao, được tin vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng xảy ra tại nước Ethiopia ngày 10/3 làm 157 người thiệt mạng, ngày 12/3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi điện thăm hỏi tới Tổng thống Ethiopia Sahle Work Zewde. Ngày 11/3, tại lễ khai mạc phiên họp thường niên về nữ quyền của Đại Hội đồng LHQ, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cùng toàn thể đại biểu dự phiên họp đã dành phút mặc niệm các nạn nhân xấu số.
Liên quan đến việc điều tra vụ việc, giới chức Ethiopia ngày 11/3 đã tìm thấy 2 hộp đen của máy bay. Việc điều tra nguyên nhân vụ việc đang được gấp rút tiến hành. Một nhóm các chuyên gia hàng không Mỹ đã tới Ethiopia để hỗ trợ điều tra vụ việc. Trong khi đó, Ethiopian Airlines cho biết sẽ phải mất 5 ngày để nhận dạng các nạn nhân. Trong số những người thiệt mạng trong tai nạn được xác định gồm một gia đình 6 người Canada. Một gia đình nạn nhân khác là cặp vợ chồng người Italia tên Valeria Patrizia Li Vigni và Sebastiano Tusa. |
Theo Phapluatplus.vn