Thu giữ hơn 4.000 bình ắc quy… nghi nhập lậu tại một kho hàng ở Thanh Trì

15/04/2023 14:23

Kinhte&Xahoi Lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đã phát hiện, tạm giữ kho hàng chứa hơn 16 nghìn đơn vị sản phẩm hàng hóa các loại có dấu hiệu nhập lậu.

Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hà Nội cho biết, ngày 14/4, Đội QLTT số 17 thuộc Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Đội 7 - Phòng PC03 Công an thành phố kiểm tra điểm kinh doanh tại thôn Huỳnh Cung, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, kho hàng chứa 4.812 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm gồm: 2.160 tuýp thuốc nhuộm tóc Go On; 648 hộp gôm xịt tóc Hard Hold Hairspray; 384 hộp thuốc nhuộm tóc Macadamia; 60 hộp kem ủ tóc Keratin;  360 lọ dưỡng tóc Cocoesl; 1.200 gói dầu gội nhuộm tóc Black Hair Shapoo.

Hơn 16 nghìn đơn vị sản phẩm hàng hóa các loại có dấu hiệu nhập lậu được phát hiện tại kho hàng. Ảnh Cục QLTT TP. Hà Nội

Cùng với 7.200 chai xịt chống rỉ sét các loại gồm: 2.880 hộp xịt chống gỉ chất bôi trơn đa dụng RP7 loại 175g/hộp made in Thailand; 3.360 hộp xịt chống gỉ chất bôi trơn đa dụng RP7 loại 350g/hộp made in China; 960 hộp xịt chống gỉ chất bôi trơn đa dụng RP7 loại 350g/hộp sản xuất tại Thái Lan...

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện 4.060 bình ắc quy các loại gồm: 600 bình ắc quy nhãn hiệu Yamato, loại 12V (đóng trong 150 thùng cát tông, 4 chiếc/thùng); 1.800 chiếc bình ắc quy nhãn hiệu Kijo, loại 12V 6GFM-15 (đóng trong 450 thùng cát tông, 4 chiếc/thùng); 600 chiếc bình ắc quy CR7 loại 6-FD-30 (đóng trong 150 thùng cát tông, 4 chiếc/thùng); 900 chiếc bình ắc quy nhãn hiệu Kenda loại 48V-30Ah (đóng trong 225 thùng cát tông, 4 chiếc/thùng); 160 chiếc bình ắc quy nhãn hiệu amato loại 6-DPB-15 (đóng trong 40 thùng cát tông, 4 chiếc/thùng).

Phát hiện kho hàng chứa 4.060 bình ắc quy các loại chưa có hóa đơn chứng từ. Ảnh Cục QLTT TP. Hà Nội

Qua kiểm tra, số hàng hóa trên đều do nước ngoài sản xuất, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Làm việc với lực lượng chức năng, đại diện kho hàng nêu trên chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ của toàn bộ hàng hóa trên.

Hiện lực lượng chức năng đã lập biên bản, đồng thời tạm giữ toàn bộ 16.072 đơn vị sản phẩm hàng hóa nêu trên để xác minh làm rõ, xử lý theo quy định. 

Được biết, tổng giá trị hàng hóa nêu trên hiện chưa được xác định, tuy nhiên theo khảo sát của Pháp luật Plus tại một số trang mạng giá bình quân của một ắc quy 12V 15Ah Yamato Empire 6-DZF-15 được bán ngoài thị trường với giá dao động khoảng 400 đến 450 nghìn đồng/ bình; bình ắc quy nhãn hiệu Kijo, loại 12V 6GFM-15 giá khoảng 370 nghìn đồng/ bình;…

Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu:

 Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

1. Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, mức phạt tiền như sau:

a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có trị giá dưới 3.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;

h) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

i) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

2. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định tại khoản 1 Điều này trong các trường hợp sau đây:

[...]

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 5 Điều này;

b) Tịch thu phương tiện vận tải vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp tang vật vi phạm có giá trị từ 200.000.000 đồng trở lên. (được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP)

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, hàng hóa không bảo đảm an toàn sử dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này."

 
 

Xuân Thành- Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốchttps://www.phapluatplus.vn/phap-luat-24h/thu-giu-hon-4000-binh-ac-quy-nghi-nhap-lau-tai-mot-kho-hang-o-thanh-tri-d192529.html