Trong tháng 12 sẽ bảo đảm đủ vắc xin phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng
Kinhte&Xahoi
Chiều 6-12, tại họp báo thường kỳ của Chính phủ, phóng viên đặt câu hỏi về tình trạng thiếu vắc xin hiện nay diễn ra trên cả nước, trong đó có thông tin cho rằng, nguyên nhân là do Bộ Y tế trình ngân sách mua vắc xin chậm và còn nhiều vướng mắc trong quá trình đấu thầu mua vắc xin. Vậy Bộ Y tế có giải pháp nào khắc phục tình trạng này thời gian tới?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương trả lời họp báo.
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, chương trình tiêm chủng mở rộng được thực hiện miễn phí cho người dân trên toàn quốc từ năm 1985. Trên cơ sở đó, số loại vắc xin được tăng dần theo thời gian khi đưa vào tiêm chủng mở rộng, với 6 loại vắc xin ban đầu đến nay đã tăng lên hơn 10 loại để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; cung cấp miễn phí cho trẻ em và phụ nữ có thai khi triển khai tiêm chủng mở rộng toàn quốc.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, địa phương phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh các hoạt động nhằm bảo đảm nguồn cung vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, năm 2023, thực hiện Luật Ngân sách nên các địa phương chủ động thực hiện các thủ tục mua sắm vắc xin từ nguồn ngân sách của địa phương. Sau đó, nhiều địa phương báo cáo gặp nhiều khó khăn vướng mắc và đề xuất Bộ Y tế làm đầu mối mua vắc xin, phân bổ cho toàn quốc.
Trước yêu cầu thực tiễn cũng như thực hiện Nghị quyết số 99 của Quốc hội ngày 24-6-2023 về việc tiếp tục bố trí ngân sách Trung ương để thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, bảo đảm thống nhất, hiệu quả trong cả nước, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị liên quan để ban hành Nghị quyết số 98 ngày 10-7-2023, cùng các văn bản khác nhằm giao kinh phí để Bộ Y tế tập trung mua các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Đối với các loại vắc xin có khả năng sản xuất trong nước (10 loại), Bộ Y tế đề xuất mua theo hình thức đặt hàng và đến nay gửi Bộ Tài chính phê duyệt phương án giá tối đa. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ phê duyệt phương án giá cụ thể và giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ký hợp đồng với các đơn vị sản xuất và phân bổ cho địa phương. “Chúng tôi hy vọng, trong tháng 12 này sẽ có vắc xin phục vụ tiêm chủng cho người dân”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Đối với vắc xin 5 trong 1 phải nhập khẩu, Bộ Y tế đã giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện theo hình thức mua sắm đấu thầu rộng rãi trong nước, theo quy định của Luật Đấu thầu. Trong khi chờ các thủ tục mua sắm, Bộ Y tế đã chủ động tìm nguồn viện trợ vắc xin của các tổ chức quốc tế cũng như trong nước cho chương trình tiêm chủng mở rộng.
Trong tháng 8 vừa qua, Việt Nam đã nhận được sự tài trợ của Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức khác với 258 nghìn liều vắc xin 5 trong 1 và số vắc xin này đã phân bổ cho các địa phương. Đồng thời, Chính phủ Australia cũng hỗ trợ Việt Nam hơn 490 nghìn liều vắc xin 6 trong 1 và dự kiến, số vắc xin này sẽ về Việt Nam trong tháng 12 để phục vụ công tác tiêm chủng bổ sung.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan lập kế hoạch cung ứng vắc xin năm 2024 để bảo đảm nguồn cung vắc xin; đồng thời, chỉ đạo các địa phương chủ động tiêm vắc xin cho các khu vực có ổ dịch để bảo đảm không để dịch bệnh lây lan.
Về giải pháp lâu dài, Bộ Y tế đang phối hợp với các đơn vị liên quan sửa đổi Nghị định 104 ngày 1-7-2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng, trong đó, cho phép bố trí ngân sách Trung ương để bảo đảm kinh phí mua vắc xin phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng.
Liên quan đến vấn đề chuyển tuyến bệnh viện và các giải pháp của Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, sau 15 năm ban hành Luật Bảo hiểm y tế, tỷ lệ bảo hiểm đến nay đạt gần 91 triệu người với 92% dân số. Số lượng khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm đến nay đã tăng 50,5 triệu lượt/năm 2022; chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được nâng cao.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, việc phân tuyến và chuyển tuyến có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo đảm cân đối và bền vững hệ thống khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều bất cập khi quy định đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu còn nặng hành chính, thủ tục chuyển tuyến, cấp giấy chuyển tuyến còn nhiều phiền hà… Vì thế, từ ngày 1-1-2016, việc thông tuyến khám, chữa bệnh giữa trạm y tế xã với phòng khám đa khoa của bệnh viện tuyến huyện; từ ngày 1-1-2021, việc thông tuyến tỉnh toàn quốc đối với khám, chữa bệnh nội trú, đã gây ra nhiều khó khăn liên quan đến vượt tuyến và quá tải tuyến trên.
Để bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh, Thứ trưởng Nguyễn Liên Hương cho biết, Bộ Y tế đang chỉ đạo triển khai các giải pháp nâng cao năng lực và khả năng chi trả bảo hiểm y tế cho tuyến dưới; ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển tuyến bằng điện tử; lập hồ sơ quản lý sức khỏe người dân cùng nhiều giải pháp khác. Đồng thời, tăng cường hoạt động chỉ đạo tuyến và tăng cường hoạt động nâng cao chất lượng bệnh viện tuyến dưới…
Đình Hiệp - Hà Nội mới