Vợ lấy tiền của chồng góp vốn vào doanh nghiệp có thể phạm tội rửa tiền
Kinhte&Xahoi
Theo Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP vừa được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ban hành nhằm hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền, thì vợ có thể phạm tội rửa tiền nếu biết chồng là nhân viên của cơ quan nhà nước có mức lương 8 triệu đồng/tháng và không có nguồn thu nhập khác nhưng vẫn nhận của chồng số tiền 10 tỷ đồng để góp vốn vào doanh nghiệp mà không hỏi rõ về nguồn tiền.
Ảnh minh họa
Các căn cứ xác định hành vi phạm tội
Theo Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP, “tiền, tài sản do phạm tội mà có” là tiền, tài sản có được từ hành vi phạm tội. Việc xác định hành vi phạm tội được căn cứ vào một trong các tài liệu sau đây: Bản án, quyết định của Tòa án; Tài liệu, chứng cứ do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cung cấp (ví dụ: Quyết định khởi tố vụ án, Kết luận điều tra, Cáo trạng...); Tài liệu, chúng cứ khác để xác định hành vi phạm tội (ví dụ: tài liệu, chứng cứ của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF), tài liệu tương trợ tư pháp về hình sự... ).
Còn tình tiết “biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có” được xác định thành 4 trường hợp. Thứ nhất, người phạm tội trực tiếp biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: người phạm tội được người thực hiện hành vi phạm tội nguồn cho biết là tiền, tài sản do họ phạm tội mà có).
Thứ hai, qua các phương tiện thông tin đại chúng, người phạm tội biết được người khác thực hiện hành vi phạm tội nguồn (ví dụ: hành vi phạm tội của người thực hiện tội phạm nguồn đã được báo, đài phát thanh, truyền hình đưa tin).
Trường hợp thứ ba là, bằng nhận thức thông thường, người phạm tội có thể biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có.
Ví dụ, biết chồng là nhân viên của cơ quan nhà nước có mức lương là 08 triệu đồng/tháng và không có nguồn thu nhập khác nhưng vợ vẫn nhận của chồng số tiền 10 tỷ đồng để góp vốn vào doanh nghiệp mà không hỏi rõ về nguồn tiền.
Thứ tư, theo quy định của pháp luật, người phạm tội buộc phải biết nguồn gốc tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có. Ví dụ: A mua xe ô tô của B không có giấy tờ với giá bằng một phần mười trị giá của chiếc xe đó.
Những hành vi che giấu nguồn tiền bất hợp pháp
“Hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch tài chính, ngân hàng” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự được Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP xác định là thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện, hỗ trợ thực hiện một trong các hành vi sau đây nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có.
Các hành vi này gồm: Mở tài khoản và gửi tiền, rút tiền tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Góp vốn, huy động vốn vào doanh nghiệp bằng tiền, tài sản dưới mọi hình thức; Rút tiền với bất kỳ hình thức nào và bằng các công cụ khác nhau như: séc, hối phiếu, các phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật; Cầm cố, thế chấp tài sản; Cho vay, cho thuê tài chính; Chuyển tiền hoặc chuyển giá trị; Giao dịch cổ phiếu, trái phiếu, giấy tờ có giá khác; Tham gia phát hành chứng khoán; Bảo lãnh và cam kết về tài chính, kinh doanh ngoại tệ, công cụ thị trường tiền tệ và chứng khoán có thể chuyển nhượng; Quản lý danh mục đầu tư cá nhân và tập thể; Quản lý tiền mặt hoặc chứng khoán cho tổ chức, cá nhân khác; Quản lý hoặc cung cấp bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm liên quan đến đầu tư khác; Các hành vi khác trong giao dịch tài chính, ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Còn “hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch khác” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện, hỗ trợ thực hiện một trong các hành vi sau đây nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có: Hoạt động (chơi, kinh doanh) casino; Tham gia (chơi, kinh doanh) trò chơi có thưởng; Mua bán cổ vật; Các hành vi khác không liên quan đến tài chính, ngân hàng.
“Hành vi sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động khác” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là hành vi dùng tiền, tài sản để làm dịch vụ, xây dựng trường học, bệnh viện hoặc sử dụng dưới danh nghĩa tài trợ, từ thiện, viện trợ nhân đạo hoặc các hoạt động khác.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07/7/2019.
Theo Pháp luật Plus