Dù đã có quy định pháp luật và hệ thống camera cũng ghi được nhiều hình ảnh xe máy vi phạm, nhưng việc xử phạt nguội đối với xe máy vẫn rất khó khăn. Nhiều người vi phạm ngỡ ngàng khi xem lại hình ảnh vi phạm của mình trước đó đã được ghi lại để phạt nguội.
Dừng xe trực tiếp để... phạt nguội
Tại trụ sở Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, cầm chồng biên bản vi phạm giao thông xe máy trên tay, Trung tá Nguyễn Ngọc Tiến, Tổ trưởng Tổ Xử lý vi phạm giao thông cho biết, đây là những vi phạm được hệ thống camera ghi lại.
Được biết, những vi phạm này sẽ được thông báo bằng văn bản cho chủ xe theo địa chỉ đứng tên trong đăng ký xe, đồng thời được cập nhật trên hệ thống chung để các Tổ công tác Phòng CSGT Hà Nội đều nắm bắt được.
Khi một phương tiện vi phạm, nếu Tổ công tác tra cứu trước đó xe có vi phạm mà chưa làm thủ tục nộp phạt thì sẽ nhắc nhở, cho xem lại hình ảnh vi phạm lần trước rồi lập biên bản, yêu cầu làm thủ tục nộp phạt.
Điển hình, trường hợp xe máy mang biển kiểm soát 29G1 - 470.7x từng vi phạm lỗi “Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” trên đường Nguyễn Thái Học - Lê Duẩn được Trung tâm điều khiển giao thông, Công an TP Hà Nội ghi lại hình ảnh vi phạm.
Sau đó, người điều khiển xe này lại tái vi phạm lỗi tương tự và được xác định là chị P.B.N (SN 1996, ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân).
Khi CSGT dừng xe, chị N ngỡ ngàng khi biết mình từng vi phạm trước đó. Nhưng trước những chứng cứ rõ ràng, chị N buộc phải ký vào biên bản vi phạm.
Tương tự, khi bị CSGT dừng xe, anh N.Q.Đ (SN 1995, ở phường Quang Trung, quận Hà Đông) điều khiển xe máy biển kiểm soát 29T1 - 744.4x "giật mình" khi được thông báo, từng vi phạm lỗi vượt đèn đỏ trên đường Lê Duẩn tháng trước.
“CSGT gửi thông báo về địa chỉ nhà cũ gia đình tôi đã bán nên tôi cũng không hay biết. Cứ tưởng xe ô tô mới “dính” phạt nguội vì còn liên quan đến đăng kiểm, xe máy hóa ra cũng bị phạt nguội”, anh Đ cho hay.
Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) lập biên bản thanh niên vi phạm luật Giao thông đường bộ
Trung tá Nguyễn Ngọc Thuyên, Đội phó Đội CSGT số 1, đơn vị phụ trách tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm tại các tuyến đường địa bàn quận Hoàn Kiếm thông tin, hiện nhiều nút giao thông trọng điểm trên địa bàn như: Cửa Nam - Lê Duẩn; Hàng Đậu - Trần Nhật Duật… đều đã lắp camera ghi lại hình ảnh các phương tiện vi phạm giao thông.
Hơn 20 ngày qua, từ ngày 15/11 đến nay, Đội CSGT số 1 phối hợp với Trung tâm điều khiển giao thông đã ghi lại 45 lỗi vi phạm giao thông qua hệ thống camera này, trong đó chỉ có 1 ô tô. Các lỗi phổ biến là “Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”.
“Ngoài việc gửi thông báo vi phạm về địa chỉ nơi chủ xe đăng ký trên giấy tờ, CSGT sẽ xử phạt nguội khi dừng xe, phát hiện các lỗi vi phạm trực tiếp của phương tiện đó. Với phạt nguội xe ô tô, ngoài gửi thông báo vi phạm về địa chỉ nhà còn chuyển thông tin qua đăng kiểm để nếu chủ xe không nộp phạt sẽ không thể đăng kiểm khi đến hạn. Xử phạt nguội với xe máy khó khăn hơn, tỷ lệ ít hơn nhiều, nhưng không phải không có”, Trung tá Thuyên thông tin.
Bằng chứng phạt nguội xe máy có khả thi?
Ngày 10/12, Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã ra quyết định xử phạt hành chính mức gần 4 triệu đồng đối với N.Q.N (SN 2006; trú tại xã Kim Lan, huyện Gia Lâm) do có hành vi điều khiển xe mô tô chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, không đội MBH tại khu vực đường Ỷ Lan, huyện Gia Lâm.
Tại cơ quan công an, N.Q.N thừa nhận, khoảng 12h ngày 14/11, N.Q.N đã điều khiển xe máy “bốc đầu”, chở phía sau là L.Q.K (SN 2006; trú tại thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm).
Đây là trường hợp xử phạt nguội từ hình ảnh vi phạm giao thông do người dân cung cấp. Khi tiếp nhận hình ảnh vi phạm, Công an huyện Gia Lâm đã trích xuất dữ liệu đăng ký xe để tìm được chủ xe đăng ký trên giấy tờ, từ đó giao công an địa bàn xác minh, làm rõ chủ xe đã giao xe cho ai điều khiển ngày hôm đó và xác định được N.Q.N vi phạm.
Đội CSGT lập chốt lưu động, kiểm tra ngẫu nhiên phương tiện lưu thông
Thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho rằng, thực tế nhiều xe máy mua đi bán lại qua nhiều đời chủ, do đó khi gửi thông báo vi phạm giao thông về địa chỉ chủ xe đăng ký, thì chủ xe hiện tại không nhận được.
Do xe máy không phải đăng kiểm như ô tô, nên kể cả nhận được thông báo vi phạm, thì chủ xe máy cũng thường “phớt lờ” khiến cơ quan chức năng “bó tay”.
“Ngoài việc tăng cường xử lý các xe máy không sang tên đổi chủ, thì nên có quy định chuyển bằng chứng vi phạm giao thông về địa phương để công an xã, phường xử lý, phản hồi lại với CSGT”, Thiếu tá Chinh đề xuất.
Theo Trung tá Nguyễn Ngọc Tiến, mỗi tháng CSGT Hà Nội xử phạt cả nghìn trường hợp vi phạm giao thông, tuy nhiên chủ yếu là với ô tô, hiệu quả xử phạt nguội với xe máy vẫn rất thấp.
Nếu thực hiện tốt việc sang tên đổi chủ xe, sau này khi bỏ hộ khẩu sẽ đồng bộ hóa dữ liệu dân cư quốc gia, toàn bộ người dân sử dụng CCCD gắn chíp sẽ thuận lợi trong việc tra cứu, gửi thông báo vi phạm, từ đó xử phạt nguội xe máy sẽ hiệu quả hơn.
Chậm nộp phạt nguội bị tính lãi?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, hiện quy định pháp luật cho phép sử dụng dữ liệu từ hệ thống camera giao thông, từ hình ảnh người dân ghi lại để làm căn cứ xử phạt.
Với công nghệ phát triển hiện nay, hình ảnh vi phạm dễ dàng được ghi lại và nếu xử phạt nghiêm minh những vi phạm này sẽ góp phần tích cực nâng cao công tác đảm bảo ATGT, kéo giảm TNGT.
Các vi phạm ghi lại qua camera đều được cơ quan chức năng gửi thông báo về địa chỉ nơi cư trú theo đăng ký của chủ xe.
Việc tra cứu thông tin phạt nguội hiện cũng rất đơn giản. Do đó, để nâng cao hiệu quả phạt nguội, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu, xem xét việc áp dụng tính lãi chậm nộp phạt nguội.
Khi mức lãi phải đóng cao, người vi phạm sẽ sợ, có ý thức tra cứu thông tin vi phạm, hoặc nhận được thông báo sẽ phải đi nộp phạt ngay.
Mức lãi suất chậm nộp phạt cao cũng khiến các chủ xe muốn sang tên đổi chủ để tiếp nhận dễ dàng, chính xác các thông tin liên quan đến chiếc xe của mình.
|
Hoa Thành - TTTĐ