Liên quan đến vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng làm 7 công nhân tử vong và 3 người khác bị thương tại Công ty Xi-măng Yên Bái, ngày 23/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái đã quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định vê an toàn lao động".
Cùng với đó, cơ quan công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Mạnh Hùng (SN 1980, trú tại tổ 8, phường Yên Thịnh, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái, là nhân viên cân băng liệu của Nhà máy Xi-măng Yên Bái) về tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động", quy định tại khoản 3 Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái đã thi hành các quyết định, lệnh tố tụng theo đúng quy định của pháp luật.
Bị can Trần Mạnh Hùng (Ảnh: Công an tỉnh Yên Bái).
Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái đang tích cực điều tra mở rộng vụ án, làm rõ toàn bộ hành vi phạm tội của bị can Trần Mạnh Hùng cũng như những vi phạm của các cá nhân, tổ chức có liên quan để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Quan theo dõi thông tin, diễn biến mới vụ việc trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, về nguyên tắc, vấn đề trách nhiệm pháp lý sẽ được đặt ra khi có hành vi vi phạm pháp luật..
Bởi vậy, bước đầu cơ quan điều tra xác định có căn cứ cho thấy đã có người thực hiện hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động dẫn đến hậu quả vụ tai nạn lao động xảy ra nên đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố đối với một bị can là nhân viên nhà máy xi măng về tội vi phạm quy định về an toàn lao động theo quy định tại điều 295 Bộ luật Hình sự để tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp.
“Cơ quan điều tra sẽ làm rõ diễn biến hành vi của bị can, làm rõ nhận thức của bị can và mối quan hệ giữa hành vi đối với hậu quả tai nạn để xác định trách nhiệm pháp lý”, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Theo tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường: Tội Vi phạm quy định về an toàn lao động xử lý đối với người lao động hoặc người quản lý lao động khi đã không tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn dẫn đến tai nạn lao động xảy ra.
Hành vi không tuân thủ quy tắc có thể là không kiểm tra trước khi đóng mạch điện, không trang bị bảo hộ lao động dẫn đến người lao động bị tai nạn nghiêm trọng, giao cho người không đủ chuyên môn nghiệp vụ, không được tập huấn huấn luyện thực hiện nhiệm vụ đòi hỏi chuyên môn.
Không tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn khi vận hành hệ thống điện hoặc vận hành hệ thống máy móc thiết bị...
“Nhìn chung vi phạm quy định về an toàn lao động là hành vi vi phạm các quy tắc đảm bảo an toàn, là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn xảy ra. Người thực hiện hành vi này dẫn đến vụ tai nạn xảy ra phải chịu trách nhiệm pháp lý. Lỗi trong tình huống này là cố ý đối với hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động và vô ý đối với hậu quả chết người xảy ra.
Bị can bị khởi tố trong vụ án này phải là người có chức trách nhiệm vụ trong việc đảm bảo an toàn lao động nhưng đã không tuân thủ hoặc thực hiện không đúng chức trách nhiệm vụ của mình dẫn đến vụ tai nạn xảy ra gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
Ngoài ra, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cũng cho biết: Ngoài bị can đã bị khởi tố, cơ quan điều tra sẽ làm rõ trách nhiệm của các tổ chức cá nhân khác có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Nếu kết quả điều tra cho thấy, ngoài bị can đã bị khởi tố, còn có những người khác cũng đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chức trách nhiệm vụ của mình, là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn sẽ tiếp tục khởi tố bị can đối với những người bạn để xử lý theo điều 295 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, người quản lý điều hành doanh nghiệp này hoặc quản lý điều hành dây chuyền sản xuất, người có trách nhiệm trong việc sửa chữa khắc phục sự cố mà thiếu trách nhiệm gây hậu quả tai nạn nghiêm trọng mà không đủ điều kiện để xử lý về tội theo điều 295 cũng có thể xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Theo Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết: Ngoài bị can đã bị khởi tố, cơ quan điều tra sẽ làm rõ trách nhiệm của các tổ chức cá nhân khác có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật sư Cường phân tích, về nguyên tắc là hành vi vi phạm pháp luật phải chịu trách nhiệm pháp lý. Nếu hành vi vi phạm pháp luật đến mức được xác định là nguy hiểm cho xã hội, thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Nếu tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn lao động thì tai nạn lao động sẽ rất khó có thể xảy ra, trừ trường hợp do sự biến, do bất khả kháng, những yếu tố ngoài khả năng dự đoán của con người.
Đối với các máy móc hạng nặng, các thiết bị phức tạp, những dây chuyền sản xuất hoặc hệ thống truyền tải điện, việc quản lý vận hành, sử dụng, bảo quản, sửa chữa phải tuân thủ quy trình, quy định nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn.
Chỉ cần một sơ hở, bất cẩn, không tuân theo các quy tắc đảm bảo an toàn là tai nạn có thể xảy ra và khi đó hậu quả sẽ là rất nghiêm trọng.
Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh chức trách nhiệm vụ của từng cán bộ cá nhân có liên quan, sẽ làm rõ quy trình bảo quản, sửa chữa, vận hành đối với hệ thống thiết bị này.
Đồng thời sẽ làm rõ ca trực, kíp trực, trách nhiệm trong công tác quản lý điều hành hoạt động sửa chữa này được thực hiện như thế nào.
Tất cả những người có liên quan đều phải được xem xét trách nhiệm, làm rõ có vi phạm pháp luật hay không, nếu có thì mức độ xử lý đến đâu cho phù hợp với quy định của pháp luật.
“Việc xử lý đối với người vi phạm pháp luật không chỉ đảm bảo nguyên tắc công bằng trên cơ sở mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý, đảm bảo nguyên tắc pháp chế mà còn phát hiện ra những lỗ hổng, sơ hở trong hoạt động lao động để có những giải pháp phòng ngừa, hạn chế những vụ việc tương tự có thể xảy ra, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người lao động và tài sản của doanh nghiệp”, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Liên quan đến vụ việc trên, ông Nguyễn Văn Đức - Giám đốc Nhà máy Xi măng Yên Bái (thuộc Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái) - cho biết, trong quá trình sản xuất, từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30 hằng ngày, nhà máy cho dừng hoạt động các lò quay nghiền.
Trước khi xảy ra vụ việc, sau khi ăn trưa, tổ thợ gồm 10 người tiến hành công đoạn bảo dưỡng thường xuyên, thay tấm lót trong máy nghiền.
Theo đúng quy trình an toàn lao động, sau khi ngắt điện, các thợ vào trong lồng tiến hành siết các ốc vít và thay các tấm lót. Khoảng 13h30 ngày 22/4, do bất cẩn trong quá trình ngắt, mở điện, động cơ chính máy nghiền số 3 hoạt động, dịch chuyển lò nghiền khiến 7 người chết, 3 người bị thương.
Được biết, Công ty Xi măng và Khoáng sản Yên Bái tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 2/9/1980. Tên gọi ban đầu là Nhà máy Xi măng Yên Bái, trụ sở chính đặt tại số 274 đường Hương Lý, tổ 12 thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
Ngày 17/12/2003, UBND tỉnh Yên Bái có quyết định về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển Nhà máy Xi măng Yên Bái thành Công ty cổ phần Xi măng Yên Bái.
Ngày 1/1/2004, doanh nghiệp này chính thức đi vào hoạt động theo mô hình cổ phần. Đến tháng 12/2007, công ty được đổi tên như hiện tại - Công ty Xi măng và Khoáng sản Yên Bái.
Cuối năm 2023, Công ty Xi măng và Khoáng sản Yên Bái có 4 cổ đông lớn chiếm 45,2% vốn điều lệ doanh nghiệp. Theo thông tin công bố, ông Vũ Xuân Nguyên - Chủ tịch HĐQT - nắm 14,49% vốn. Ông Phạm Quang Phú và ông Phạm Việt Thương - đều là Thành viên HĐQT - sở hữu lần lượt 12,88% và 9,61% vốn...
|
Duy Khương - Pháp luật Plus