Như đã thông tin, chiều 8/5, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã công bố Quyết định Giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải.
Theo quyết định, bản án sơ thẩm, phúc thẩm là đúng, Hồ Duy Hải "không oan sai". Do đó, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao kết luận bác kháng nghị, giữ nguyên bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Quyết định này được công bố, trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là mạng xã hội, dư luận đã có rất nhiều ý kiến khác nhau về quyết định của Hội đồng thẩm phán.
Vì sao lại có những luồng ý kiến này? Dưới đây là góc nhìn của bạn đọc Chiến Văn về vấn đề truyền thông nội dung của vụ án.
Vụ xét xử Hồ Duy Hải đúng như dự đoán của tôi, đó là sẽ khó khiến số đông dư luận, truyền thông "tâm phục khẩu phục" được nếu không trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại từ đầu.
Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã công bố Quyết định bản án sơ thẩm, phúc thẩm là đúng, Hồ Duy Hải "không oan sai".
Tôi cũng từng nói, để dư luận yên tâm hơn, ít ra trước khi phán quyết người ta phải thấy được những hành vi vi phạm quy định tố tụng của các điều tra viên vụ án đã được xử lý thế nào.
Thế nhưng, những sai phạm nghiêm trọng trong vụ án Hồ Duy Hải lại được phán quyết "không làm thay đổi bản chất vụ án", điều này đã không thuyết phục được dư luận.
Tôi cũng không dám kết luận Hồ Duy Hải có phải là hung thủ thật sự hay không. Tôi chỉ khách quan thấy rằng, ở vụ án này, vốn được coi là quá phức tạp, dư luận đã không có được nguồn thông tin đầy đủ, đa chiều.
Nói cách khác, việc truyền thông nội dung vụ án này không được chuẩn bị kỹ và coi trọng đặc biệt.
Sau khi phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải kết thúc, trên mạng xã hội và báo chí gần như chỉ thấy đưa về những sai phạm của các điều tra viên, về những chi tiết mua thớt, dao về để phục dựng hiện trường...
Ngoài ra, hình ảnh bà mẹ và cô em gái của Hồ Duy Hải vật vã khánh kiệt kêu oan cho con, cho anh mình đằng đẵng hơn chục năm trời.
Khi đọc những thông tin, nhìn những hình ảnh ấy, ai cũng thấy xót xa, căm phẫn, muốn được chở che, bảo vệ. Nhiều người cũng nghĩ chắc Hồ Duy Hải oan thật thì người thân mới thế?!
Thực tế, những chi tiết về nghiệp vụ chỉ là một phần trong hồ sơ vụ án. Với vụ án đặc biệt phức tạp, kéo dài hơn chục năm, với bao nhiêu cấp, cơ quan, ban ngành điều tra, giám sát, làm việc độc lập, tôi tin hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải phải đọc mấy tuần mới hết.
Chắc hẳn trong đó sẽ có những chi tiết bất lợi cho Hồ Duy Hải, là cơ sở để các vị thẩm phán dựa vào kết tội. Nhưng hầu như nội dung này không được đưa ra công khai hoặc có đưa nhưng liều lượng cực ít.
Ví dụ, thông tin về việc Hồ Duy Hải đã nhận tội ở các phiên nào, Hồ Duy Hải khai tường tận thế nào về quá trình giết người, việc Hồ Duy Hải lấy thẻ cào điện thoại và dây chuyền vàng bán cho ai, có lưu lại hóa đơn mua bán ra sao?
Kể chi tiết ngày giờ mua bán, địa chỉ thế nào, Hồ Duy Hải chỉ xin giảm nhẹ án chứ không kêu oan..? Những nhân chứng khai về các chi tiết được cho là liên quan đến Hồ Duy Hải thế nào?...
Nếu có thêm thông tin, dư luận sẽ cân nhắc, phân tích, phán đoán trước khi bày tỏ quan điểm. Hoặc ở phiên giám đốc thẩm, cần thiết có thể cho phép các báo ngoài ngành vào tường thuật trực tiếp, như vậy nhiều người sẽ dễ dàng xâu chuỗi sự việc và có đầy đủ các luồng thông tin hơn.
Nếu chưa có những ông Chấn, ông Nén, ông Hàn Đức Long... và nhiều vụ khác có lẽ dư luận sẽ dễ dàng nguôi ngoai và không phản ứng, bênh vực cho Hồ Duy Hải đến vậy.
Nếu thực sự các điều tra viên làm việc khách quan, kỹ lưỡng, không cẩu thả, hoặc trong trại tạm giam chưa từng xảy ra những vụ nhục hình, ép cung, người ta rồi sẽ quên, bỏ qua cho lỗi nghiệp vụ lần này.
Nhưng, với thực tế một số vụ án oan thời gian qua thật khó lòng để khiến dư luận thật tâm tin tưởng vào phán quyết cuối cùng khi quá trình tố tụng vẫn còn nhiều sai sót.
Chúng ta vẫn biết tuyên trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại vụ án Hồ Duy Hải không khác gì đánh đố cơ quan điều tra. Bởi cái thớt, con dao đã đốt, mẫu máu, vân tay đã hết theo thời gian, những vật chứng quan trọng của vụ án không còn tồn tại thì điều tra lại cũng khó bù lấp được.
Nhưng chọn cách phán quyết như Quyết định Giám đốc thẩm như vừa qua, thực sự 17 vị thẩm phán đã chọn cách đối đầu với phản ứng của số đông dư luận. Đó có thể là sự bản lĩnh, dũng cảm nhưng với nhiều người đó là sự bảo thủ, lạnh lùng.
Giá như trước khi chọn cách đối đầu dư luận ấy, họ chủ động thông tin đầy đủ, đa chiều cho báo chí, dư luận, ít ra họ đã nhận được sự chia sẻ nhiều hơn!