Vụ án nâng điểm thi ở Hòa Bình: "Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật"
Kinhte&Xahoi
Các bị cáo cho rằng có nhiều trường hợp được nâng điểm, không làm theo sẽ rất khó.
Các bị cáo trong vụ án gian lận thi cử tại tỉnh Hòa Bình.
Ngày 13/5, phiên tòa xét xử sơ thẩm 15 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi THPT năm 2018 tại Hòa Bình tiếp tục phần thẩm vấn của các luật sư đối với các bị cáo.
Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Diệp Thị Hồng Liên (cựu trưởng phòng khảo thí) cho biết, lý do yêu cầu các giám khảo phải chấm theo hướng nâng điểm vì nể nang. Bà Liên khai đã đề nghị các giám khảo chấm "có lợi cho học sinh của tỉnh mình" nhưng không hề ép buộc cấp dưới chấm theo yêu cầu.
Đặc biệt, bà Liên cho rằng có nhiều trường hợp được nâng điểm, không làm theo sẽ khó vì "ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật". Lời khai của bà Liên tại tòa khiến nhiều người không khỏi sửng sốt.
Cũng tại phiên tòa này, bà Bùi Thanh Trà - giáo viên kiêm tổ trưởng chấm thi môn Ngữ văn cho biết, đã có 18 năm làm trong ngành giáo dục và đạt được nhiều thành tích như giáo viên giỏi cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua cơ sở, cô giáo duyên dáng tài năng cấp tỉnh.
Bà Trà khai trong kỳ thi THPT 2018, bà có nhận từ Diệp Thị Hồng Liên (cựu trưởng phòng khảo thí) tờ danh sách có mã phách, số túi, điểm cần nâng và chuyển lại cho các cán bộ chấm thi.
Bà Trà cho rằng bà không có việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong phòng chấm thi mà chỉ làm theo sự chỉ đạo của bà Liên, người phụ trách chung chấm thi tự luận, "tinh thần chung là khi chấm thi cho học sinh tỉnh mình cần chấm "nới tay" vì biết học sinh Hòa Bình học lực yếu... Chấm “nới tay” vì môn Ngữ văn quan điểm của mỗi giáo viên khác nhau...".
Bà Trà khẳng định việc tham gia chấm thi THPT 2018 không hề có động cơ vụ lợi mà chỉ xuất phát từ tình thương học trò...Phiên tòa đang tiếp tục được diễn ra. Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.
Nội dung cáo trạng cho biết, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 và 2018 tại tỉnh Hòa Bình, bị can Nguyễn Quang Vinh (SN 1966, cựu Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT Hoà Bình đã cùng các bị can khác lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, lợi dụng quan hệ cá nhân để câu kết, can thiệp bài làm theo hướng nâng điểm cho 65 thí sinh, trong đó 64 thí sinh dự thi năm 2018 và 1 thí sinh dự thi năm 2017.
Các thí sinh này đã sử dụng kết quả sai nói trên để xét tốt nghiệp THPT quốc gia và dự tuyển vào các trường đại học. Trong đó có 45 thí sinh trúng tuyển đã bị buộc thôi học. 10 thí sinh đang theo học vì kết quả chấm thẩm định vẫn đủ điểm xét tuyển. 6 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học. 1 thí sinh xét nhưng không trúng tuyển. 3 thí sinh không xét tuyển.
Trong vụ án này, bị can Nguyễn Quang Vinh được xác định giữ vai trò chủ mưu đã bàn bạc, chỉ đạo bị can Đỗ Mạnh Tuấn (SN 1979, cựu Phó Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú, THCS và THPT huyện Lạc Thủy) đưa chìa khóa phòng chấm thi, tạo điều kiện thuận lợi để các bị can khác nâng điểm 145 bài thi trắc nghiệm cho 58 thí sinh.
Bị can Vinh cũng đã chỉ đạo bị can Tuấn đánh dấu bài thi tự luận môn Ngữ văn trái quy chế thi để lấy thông tin; cung cấp “mã phách” thông tin thí sinh tham gia thi môn Ngữ văn cho bị can Diệp Thị Hồng Liên (SN 1974, cựu Phó trưởng Phòng Khảo thí) để chấm nâng điểm 20 bài thi.
Ngoài ra, bị can Nguyễn Khắc Tuấn (SN 1981, cựu chuyên viên Phòng Khảo thí) đã xin chỉ đạo từ bị can Vinh để nâng 13,35 điểm bài thi trắc nghiệm cho một thí sinh (là cháu gái Tuấn) trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. |