Ngày 1/6, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã tiến hành tạm giữ Vũ Khánh C. (SN 2002, ở huyện Giao Thủy, Nam Định) để làm rõ nghi vấn có hành vi bạo hành bé gái 1 tháng tuổi.
Trước đó, chiều 31/5 anh Nguyễn Văn B. (SN 1992 ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội) ở chung cư HH2C Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) đi cùng Vũ Khánh C. đến công an phường Hoàng Liệt.
Bảo mẫu Vũ Khánh C. (người mặc áo vàng). Ảnh: Tiến Dũng
Tại đây, anh B. trình báo việc qua trích xuất camera, anh phát hiện bảo mẫu là Vũ Khánh C. có hành vi bạo hành bé gái 1 tháng tuổi, là con đẻ của anh B.
Ngay sau đó, hình ảnh camera trích xuất cảnh cháu bé 1 tháng tuổi bị bạo hành đã xuất hiện trên nhiều trang mạng xã hội.
Cụ thể, nữ bảo mẫu có hành vi lắc lư mạnh cháu bé, rồi vứt mạnh xuống giường, khiến bé sơ sinh nhiều lần khóc thét lên.
Theo thông tin từ gia đình, hiện cháu bé đang được chăm sóc sức khỏe tại bệnh viện Nhi Trung ương.
Cháu bé có dấu hiệu bị bạo hành. Ảnh: Cắt từ clip
Sau sự việc, công an phường Hoàng Liệt đã lập biên bản, báo cáo lên công an quận Hoàng Mai.
Nữ bảo mẫu Vũ Khánh C. hiện đang bị tạm giữ trong vòng 3 ngày để tiến hành điều tra, xác minh.
Liên quan đến sự việc trên, dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, hành vi của bảo mẫu Vũ Khánh C. (21 tuổi, quê Nam Định), hoàn toàn có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của cháu bé.
"Cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan của người phụ nữ này, đồng thời xác định hậu quả đã gây ra đối với cháu bé để xử lý theo quy định của pháp luật", Tiến sĩ, luật sư Cường cho biết.
Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.
Cũng theo Tiến sĩ, luật sư Cường phân tích, trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy người phụ nữ này nhận thức được hành vi của mình có thể làm tổn thương não của cháu bé, hành vi có thể dẫn đến chết người, nhưng do bực tức mà đã nhẫn tâm thực hiện hành vi hành hạ cháu bé, hậu quả khiến cháu bé tổn thương nghiêm trọng về não, thì có thể xử lý về tội Giết người.
Ngoài ra có nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, như hành vi có tính chất côn đồ, phạm tội với người dưới 16 tuổi.
Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy nữ bảo mẫu không có động cơ, mục đích giết người, hành vi không thể dẫn đến chết người, thì hành vi này cũng được xác định là đối xử tàn ác với trẻ em, nên vẫn có thể xem xét xử lý về tội Hành hạ người khác.
"Những tội danh này không phụ thuộc vào đơn thư yêu cầu của người bị hại, bởi vậy, trường hợp cha của cháu bé có rút đơn, không đề nghị xử lý nhưng cơ quan điều tra thấy có đủ căn cứ thì vẫn xử lý hình sự theo quy định pháp luật", luật sư Cường nhấn mạnh.
Cũng theo Tiến sĩ, luật sư Cường cho hay, nhiều người khi xem clip cũng sẽ thấy hoang mang, bất bình về hành vi tàn nhẫn của nữ bảo mẫu.
Cháu bé mới có một tháng tuổi, gần như chưa có nhận thức gì về cuộc sống, quấy khóc, ăn ngủ đều theo bản năng. Với độ tuổi như vậy thì việc chăm sóc, nâng niu là điều tất yếu.
"Theo khuyến cáo của các bác sĩ, chỉ cần rung lắc khi bế cũng có thể gây tổn thương não của cháu bé. Hành vi rung lắc có chủ đích, lắc mạnh như vậy thì rất dễ gây tổn thương đến não bộ, thậm chí dẫn đến liệt, xuất huyết não", luật sư Cường nói.
"Về vấn đề này cơ quan điều tra sẽ tiến hành trưng cầu giám định thương tích, sẽ tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn để xác định tính chất nguy hiểm của hành vi cũng như hậu quả có thể xảy, từ đó làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Hành vi của nữ bảo mẫu là vi phạm luật trẻ em, vi phạm pháp luật, có thể gây tổn thương đến tâm lý, sức khỏe, thậm chí là đến tính mạng của trẻ.
Bởi vậy, việc xem xét làm rõ để xử lý là cần thiết để bảo vệ trẻ em theo quy định pháp luật", Tiến sĩ luật sư Đặng Văn Cường nói.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cũng cho biết thêm, hành vi hành hạ người khác, bạo lực đối với trẻ em có thể diễn ra bất kỳ nơi đâu, với bất kỳ đối tượng trẻ em nào.
Trong vụ việc này cháu bé mới có một tháng tuổi, có lẽ là nạn nhân nhỏ tuổi nhất bị bạo hành trong thời gian gần đây.
"Điều này đã gióng lên hồi chuông báo động về nạn bạo hành trẻ em ở Việt Nam hiện nay. Cơ quan chức năng cần phải quyết liệt hơn nữa, xử lý nghiêm minh hơn nữa để bảo vệ trẻ em. Đồng thời cần tích cực tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ trẻ em, tôn trọng pháp luật của mọi công dân trong xã hội, đặc biệt là những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ em hoặc có chức năng nhiệm vụ nghề nghiệp trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em",luật sư Cường nhấn mạnh.
Duy Khương - Pháp luật Plus