Mới đây, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự giết người và đang làm thủ tục khởi tố bị can đối với Phan Thanh Hoàng (SN 2003, ở xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) về Tội giết người.
Đối tượng Phan Thanh Hoàng tại cơ quan công an.
Theo công an, Hoàng và Nguyễn Thị B. (SN 2003, ở huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) có quan hệ tình cảm nhưng đã chia tay. Chị B xuống Bắc Ninh làm việc có quen và quan hệ tình cảm với anh Hoàng Xuân D. (SN 2001, ở huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ). Do ghen tuông, Hoàng đã nảy sinh ý định giết chị B.
Cùng trong ngày 24/10, 3 vụ án khác xảy ra được cho là bắt nguồn từ những mâu thuẫn trong chuyện tình cảm, tình yêu nam nữ xảy ra ở Hải Phòng, Thái Bình và Vĩnh Phúc khiến dư luận không khỏi hoang mang.
Liên quan đến sự việc trên, dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng VPLS Trung Hòa (Hà Nội) cho biết: “Trong Điều 123 của Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội giết người thì đối tượng Hoàng có thể bị kết án tù từ 12 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Ngoài ra, Hoàng còn phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.
Luật sư Hoàng Tùng – Trưởng VPLS Trung Hòa
Bên cạnh đó, hung thủ còn phải chịu cả chi phí hợp lý cho việc mai táng, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng và thiệt hại khác do luật quy định; bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cho gia đình chị B. và anh D”.
Bàn về tình trạng gần đây liên tiếp xảy ra các vụ sát hại dã man người tình, luật sư Hoàng Tùng cho rằng: “Nguyên nhân trực tiếp là do vấn đề nhận thức, ý thức coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác.
Nhận thức, ý thức này được hình thành trong một quá trình lâu dài do sự tác động ảnh hưởng từ gia đình, nhà trường và xã hội. Nhận thức biểu hiện ra bên ngoài thường xuyên bằng những hành động như sẵn sàng chửi bới, đánh đập người khác; cũng có thể tiềm ẩn trong những suy nghĩ, và khi có cơ hội thì sẽ bùng phát, sát hại người khác một cách hết sức lạnh lùng.
Từ những phân tích nêu trên, luật sư Hoàng Tùng khuyến cáo: “Nếu xác định đối phương là kẻ muốn kiểm soát và chiếm hữu bản thân mình, trước tiên người muốn chia tay chuẩn bị trước một kế hoạch cẩn trọng. Hãy nghĩ về những gì đối phương có thể làm nếu bạn nói lời chia tay, nên đầu tiên bạn phải học thuộc những số điện thoại khẩn cấp, tìm đến pháp luật để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Còn để đối phó với kẻ lụy tình, người muốn từ chối phải hết sức mềm mỏng, khéo léo, tôn trọng, nếu không sẽ kích động đối tượng, có thể dẫn đến những phản ứng khó lường. Chuẩn bị kỹ rồi hãy bình tĩnh nói lời chia tay. Nên cắt đứt liên lạc, chuyển chỗ ở và không để đối phương biết được thông tin về mình. Sau đó, tìm kiếm sự giúp đỡ của người thân, bạn bè, thậm chí từ pháp luật nếu cảm thấy bị đe doạ".
Theo Luật sư, khi đã phát hiện đối tượng có manh nha về khả năng gây tổn thương, trả thù thì phải chủ động nhắn tin, gọi điện để xoa dịu trạng tâm lý uất ức, dồn nén của đối tượng. Tuy nhiên, nếu đối tượng vẫn giữ trạng thái hung hăng và động cơ xấu, người bị hại cần chủ động lên kế hoạch bảo vệ an toàn cho bản thân.
Sau đó, báo cho người thân gia đình, bạn bè để tìm kiếm sự giúp đỡ, đồng thời trình báo lên cơ quan công an về động cơ gây án của đối tượng. Bạn đang trong tình trạng gặp nguy hiểm thì cách phòng thân tốt nhất là nên ở nơi đông người để hạn chế rủi ro.
Luật sư cũng cho biết, nếu đối tượng có ngôn từ đe dọa tính mạng, bạn có thể thu thập các chứng cứ đe dọa làm ảnh hưởng đến cuộc sống, của gia đình mình và báo cáo với cơ quan công an để được can thiệp, có các biện pháp bảo vệ.
Trong trường hợp có đủ cơ sở, cơ quan công an sẽ ra quyết định xử phạt hoặc áp dụng một số biện pháp khác theo quy định của pháp luật buộc người vi phạm chấm dứt hành vi.
Duy Khương - Pháp luật Plus